+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/11: Nỗ lực giành giật sự sống cho thanh niên bị điện giật, ngừng tim gần 3 tiếng

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/11/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 12/11/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Nỗ lực giành giật sự sống cho thanh niên bị điện giật, ngừng tim gần 3 tiếng

    VTC News dẫn lời ông Phạm Văn Học - Tổng Giám đốc Hệ thống y tế Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay, sau khi bị điện giật, nam thanh niên 20 tuổi bị ngừng tim, đồng tử giãn, da niêm mạc tím tái; miệng, mũi có nhiều bọt màu hồng, tay và chân trái có nhiều vết bỏng, da cháy xém.

    Các nhân viên của Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng quyết định ép tim cho nạn nhân ngay trên bờ ao. Sau một hồi ép tim, thấy trên monitoring cầm tay có tín hiệu SPO2 (chỉ số về độ bão hòa oxy trong máu), nhân viên y tế quyết định vận chuyển gấp nam thanh niên về phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

    Tại đây, các bác sĩ tiếp tục ép tim và sốc điện nhưng sau 30 phút vẫn chưa lấy lại được mạch. Họ vẫn kiên trì thay nhau ép tim. Gần 3 giờ ngừng tim, các bác sĩ nhận định, mặc dù bệnh nhân được ép tim liên tục nhưng khả năng tưới và cấp máu cho não chắc chắn rất hạn chế, có nguy cơ mất não và suy đa tạng. Do đó, họ quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 12112023 no luc gianh giat su song cho thanh nien bi dien giat ngung tim gan 3 tieng
    Các bác sĩ nỗ lực cấp cứu người bệnh. Ảnh: VTC News

    Sau nhiều nỗ lực cấp cứu, tim của nam thanh niên đập trở lại. Sau gần một tuần, các chỉ số cải thiện, các bác sĩ giảm dần thuốc vận mạch và thuốc an thần. Bệnh nhân dần tự thở và bắt đầu có ý thức trở lại. Đến nay, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân có thể ngồi rồi đứng dậy.

    Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp và các bệnh lý khác. Cơ chế hạ thân nhiệt giúp não giảm phù, viêm, cải thiện tưới máu và cung cấp oxy, do đó não có nhiều cơ hội hồi phục hơn.

    Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trong vòng 6 giờ kể từ khi bắt đầu ngừng tim, ngừng thở. Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao (tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ tay vào nạn nhân khi chưa ngắt điện); sau đó nhanh chóng kêu gọi sự trợ giúp từ người xung quanh và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

    Người đàn ông nhập viện sau bữa liên hoan uống nhiều rượu

    VietNamNet đưa tin, 3 ngày sau bữa liên hoan uống nhiều rượu, người đàn ông 32 tuổi đột nhiên nôn liên tục, đau bụng dữ dội vùng thượng vị xuyên ra sau lưng. Bệnh nhân được gia đình đưa tới khám tại trạm y tế xã, chẩn đoán đau dạ dày.

    Tuy nhiên, bệnh nhân không đỡ, đau tăng lên, nôn nhiều, được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Kết quả xét nghiệm, kiểm tra cận lâm sàng cho thấy có hình ảnh viêm tụy cấp Balthazar C, tăng lipid máu hỗn hợp. 

    Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân, các bác sĩ đã lập tức đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm bù dịch; đặt sonde dạ dày và lọc máu thay huyết tương. Sau 4 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân đã đỡ đau bụng, áp lực ổ bụng giảm. Tới ngày 11/11, sau 3 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định, tỉnh táo và đỡ đau bụng.

    Bác sĩ CKI Phùng Thị Thúy Nga, Phụ trách khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp nhưng phổ biến nhất (chiếm tới 70-80% các trường hợp) do sỏi mật và rượu; tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid...

    Đau bụng là dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân viêm tụy cấp. Các cơn đau thường khởi phát đột ngột, sau bữa ăn no, nhiều mỡ, sau bữa tiệc. Cơn đau thường có tính chất cấp tính, dữ dội; đau vùng trên rốn, bên trái, lan ra lưng trái. Buồn nôn và nôn nhiều và liên tục, sau nôn không đỡ đau cũng là dấu hiệu thường thấy của bệnh lý này.

    XEM THÊM: "Mười năm quen nhau, lần đầu tiên tôi thấy chồng 'bất động'"

    Viêm tụy cấp có thể gây ra nhiều biến chứng. Bệnh nhân có thể sốc, xuất huyết tại tuyến tuỵ, trong xoang bụng, ống tiêu hóa hoặc ở các cơ quan xa do men tuỵ làm tổn thương các mạch máu, tiên lượng nặng.

    Bệnh nhân cũng có thể nhiễm trùng tại tuyến tụy, suy hô hấp cấp tiên lượng nặng. Nếu viêm tụy cấp tái phát nhiều lần (thường ở người nghiện rượu), bệnh có thể diễn tiến thành mạn tính. 

    Ăn uống không diều độ và thức khuya, nam thanh niên bị xuất huyết tiêu hóa

    Theo thông tin trên báo Hà Nội Mới, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức vừa thông tin về điều trị thành công ca bệnh xuất huyết tiêu hóa cho nam thanh niên ăn uống không điều độ, hay thức khuya.

    Theo đó, ngày 3/11, khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận nam bệnh nhân sinh năm 2007, trú tại Bình Dương, nhập viện trong tình trạng nôn ra máu tươi lượng nhiều, tụt huyết áp và được chẩn đoán sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng/loét dạ dày.

    Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân được thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, nội soi dạ dày can thiệp cầm máu, nhưng do ổ loét sâu và ăn vào mạch máu gây chảy máu nhiều nên bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt dạ dày để cầm máu.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 12112023 no luc gianh giat su song cho thanh nien bi dien giat ngung tim gan 3 tieng1
    Dự kiến, bệnh nhân sẽ được ra viện khoảng 9 ngày sau mổ. Ảnh: Hà Nội Mới

    Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt, toàn diện, hội chẩn đa chuyên khoa nâng đỡ tổng trạng. Hiện bệnh nhân đã có thể ăn uống đường miệng, tự chăm sóc bản thân, vết mổ lành tốt. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được ra viện khoảng 9 ngày sau mổ.

    Chị T.T.V (mẹ của bệnh nhân) kể ở nhà, con chị thường có thói quen ăn uống không điều độ, bỏ bữa thường xuyên, hay thức khuya để học bài; thỉnh thoảng đau vùng bụng nhưng chỉ thoáng qua nên gia đình cũng không chú ý. Khoảng 1 tháng trở lại đây, các cơn đau trở nên nặng hơn và kéo dài nên gia đình mới đưa con đi thăm khám.

    Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi có các dấu hiệu đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua…, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, để điều trị tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư...

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-12-11-2023-no-luc-gianh-giat-su-song-cho-thanh-nien-bi-dien-giat-ngung-tim-gan-3-tieng-a599113.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan