+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/4/2019: Ly hôn trong tuần trăng mật vì chồng quá keo kiệt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/4/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 15/4/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/4/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 15/4/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Ly hôn trong tuần trăng mật vì phát hiện chồng quá keo kiệt

    Một người phụ nữ giấu tên đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gần đây đã đệ đơn ly hôn chồng mới cưới vì anh ta quá keo kiệt và bắt bà trả mọi chi phí.

    Bà này giải thích rằng ông chồng mới cưới, kém bà 13 tuổi vừa nghèo vừa keo kiệt bắt bà phải trả toàn bộ chi phí kể cả đồ tạp hóa và hóa đơn tiền điện. Quyết tâm bỏ chồng của người phụ nữ này cao đến độ bà chấp nhận từ bỏ các quyền lợi miễn sao ly dị được ông chồng mới cưới.

    Đây vẫn được xem là một cuộc hôn nhân còn khá dài so với nhiều trường hợp ly hôn hi hữu trước đây.  Ảnh minh họa

    Bà này kể rằng ban đầu ông chồng đã yêu cầu bà đứng tên các mục chi tiêu với lý do ông đã mất giấy tờ cá nhân. Từ khi lấy nhau về, ông ta chưa chịu bỏ ra một đồng nào cho các chi phí sinh hoạt thường ngày.

    Đã vậy, ông chồng cũng không thèm ngó ngàng gì đến vợ, hay thậm chí cảm kích cô về việc đã lo lắng trang trải mọi thứ lẽ ra thuộc về ông ta. Bà nói rằng bà không thể chịu đựng được nữa và đệ đơn ly hôn trước khi tuần trăng mật của họ kết thúc.

    Phát hiện ra vi khuẩn kháng tất cả mọi loại kháng sinh

    Ở Việt Nam, mức độ bệnh nhân kháng kháng sinh tăng lên nhanh chóng. Theo đó, các bệnh viện đang cố gắng nghiên cứu để phát hiện ra loại vi khuẩn này. PGS.TS Đoàn Mai Phương, Nguyên trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi khuẩn kháng kháng sinh là mối quan tâm cả thế giới, không riêng ở Việt Nam.

    Cụ thể có khoảng 700.000 người thiệt mạng hàng năm trên toàn thế giới do kháng thuốc; cho đến năm 2050, nếu không có can thiệp để kiểm soát kháng kháng sinh thì ước tính con số này sẽ tăng lên đến 10 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Đây là mối lo ngại rất lớn hiện nay của ngành y tế.

    Vi khuẩn kháng kháng sinh có nhiều loại: “Vi khuẩn đa kháng" có thể kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên và kháng với toàn bộ kháng sinh thông dụng mà bác sĩ hay sử dụng trong phác đồ, toàn kháng (là kháng nốt cả loại kháng sinh cuối cùng để điều trị con vi khuẩn này) chúng ta đều đã từng gặp ở Việt Nam. Vi khuẩn toàn kháng được cho là nguy hiểm nhất, chúng ta sẽ không còn loại kháng sinh nào để điều trị cho bệnh nhân, chỉ có thể chờ đợi vào sức đề kháng của bệnh nhân để chống lại vi khuẩn này.

    PGS Mai Phương cho hay: "Khuẩn E.coli đã kháng với loại kháng sinh mạnh vốn được coi là “vũ khí cuối cùng” để điều trị. Đáng nói, tỉ lệ kháng kháng sinh của con vi khuẩn này hiện là 30 – 40%. Nếu chúng ta không kiểm soát được, việc lan truyền giữa vi khuẩn này, vi khuẩn khác, lan truyền các gen kháng kháng sinh sẽ tăng lên nhanh chóng”.

    Để xác định loại vi khuẩn kháng thuốc, phát hiện kịp thời để xử lý và không lây lan sang người khác, theo PGS Mai Phương, trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể làm hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, dựa trên các bằng chứng khoa học ở phòng xét nghiệm vi sinh. Bởi sau khi có kết quả kháng sinh đồ và thông báo cho bác sĩ, bác sĩ sẽ tiến hành cách ly bệnh nhân, không để vi khuẩn kháng thuốc lây lan sang các bệnh nhân khác. Theo đó mức độ kháng kháng sinh không thể lan rộng và sẽ kéo dài được tuổi thọ các loại kháng sinh điều trị.

    Tuy nhiên, đây là tương lai, còn trong thời gian chưa được phương pháp xử lý, điều trị với loại vi khuẩn này thì tự mỗi người phải tự đề kháng bằng cách sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho chính mình.

    Tìm hiểu sâu hơn về quá trình tìm ra cách xử lý các loại vi khuẩn này, BV. Bạch Mai đã tổ chức một khóa đào tạo đánh giá viên đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh bằng AMR Scorecard hướng mục tiêu đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm vi sinh lâm sàng nhằm cải thiện việc sử dụng các xét nghiệm phù hợp chỉ dẫn cho việc quản lý bệnh nhân và tối ưu hóa việc phát hiện và giám sát tình trạng kháng thuốc tại các bệnh viện và các phòng xét nghiệm. Khi chuẩn hóa theo bảng kiểm có sẵn sẽ đánh giá được phòng xét nghiệm vi sinh đang ở mức độ nào, từ đó đưa ra hướng cải tiến chất lượng phòng xét nghiệm cho đến mức hoàn thiện nhất.

    Khoa đào tạo này có các học viên xuất sắc đến từ 7 bệnh viện từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam Việt Nam và Trường y Government Medical College, Aurangabad, Ấn Độ.

    TS. BS. Phạm Hồng Nhung, Phó khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai, Phó Bộ môn Vi sinh, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Bảng kiểm AMR là một công cụ hữu dụng và đơn giản, có ích ngay cả với việc thiết lập, sắp xếp phòng xét nghiệm. Bảng kiểm có mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm vi sinh lâm sàng nhằm dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và trong phòng xét nghiệm”.

    Việc triển khai áp dụng bảng kiểm đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh sẽ cho kết quả có thể đo lường được, điều này sẽ có tác động đến tình trạng kháng kháng sinh, bao gồm sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán một cách tốt hơn để quản lý bệnh nhân, giúp cho việc cải thiện chăm sóc bệnh nhân, giảm kê đơn kháng sinh không phù hợp. Và công tác này, BV Bạch Mai đang rất chú trọng triển khai nhằm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.

    Cụ bà suýt mất mạng vì tiêm insulin quá liều hơn 50 lần

    Thạc sĩ, bác sĩ Võ Tuấn Khoa, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần cẩn trọng khi tiêm insulin. Việc dùng sai bơm tiêm có thể gây hạ đường huyết nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

    Trường hợp của nữ bệnh nhân H.T.V. (81 tuổi, Long An) được điều trị tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 vừa qua, là một ví dụ.

    Bác sĩ Võ Tuấn Khoa đang kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau 5 ngày điều trị. Ảnh: BVCC.

    Bệnh nhân V. mắc đái tháo đường kèm tăng huyết áp và nhồi máu não đã 10 năm, điều trị tại địa phương. Cách thời điểm nhập viện một ngày, bệnh nhân đi khám định kỳ, bác sĩ phát hiện suy giảm chức năng thận nên tạm ngưng các thuốc hạ đường huyết uống và chỉ định chích insulin theo toa (lọ insulin có hàm lượng 100 đơn vị/1ml và tiêm dưới da ngày một lần vào buổi chiều liều 15 đơn vị).

    Đây là lần đầu tiên bệnh nhân được tiêm insulin. Bác sĩ nói bà V. và người nhà đến nơi hướng dẫn tiêm tại bệnh viện nhưng họ từ chối vì không có thời gian chờ đợi. Chiều ngày nhập viện, người nhà tự ý mua bơm tiêm 10 ml (loại thông thường) tại nhà thuốc và chích cho bệnh nhân 8 ml insulin trong lọ. Sau đó, bệnh nhân cảm giác mệt mỏi, lơ mơ, yếu liệt các chi.

    Bà V. được chẩn đoán hạ đường huyết nặng do dùng quá liều insulin. Bệnh nhân được được tiêm tĩnh mạch dung dịch glucose 30% và tiếp tục duy trì glucose 10%. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng.

    Bác sĩ Võ Tuấn Khoa cho biết đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng ở người bệnh đái tháo đường mới sử dụng insulin. Bà V. đã tiêm quá liều theo toa hơn 50 lần do dùng sai kim tiêm.

    Cô gái hôn mê sâu do nhiễm trùng khi nặn mụn

    Cách đây không lâu, cô Kê (Trung Quốc) đã nổi một mụn trứng cá ở môi trên, cô đã dùng tay để nặn mụn. Tuy nhiên sau đó, môi của cô Kê càng ngày càng sưng đỏ, phần mặt phía bên trái cũng sưng lên rõ rệt, khiến mí mắt trên dưới bị phù nề và cô bắt đầu sốt cao.

    Cô Kê được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt ICU của Bệnh viện trung tâm thành phố Hoài An để cấp cứu, nhiệt độ cơ thể đã lên đến 40 độ C. “Bệnh nhân trong tình trạng thiếu oxy, hôn mê, nhịp thở và nhịp tim tương đối nhanh, đại tiểu tiện không tự chủ, tình trạng tương đối rất nguy hiểm”, bác sĩ Trương Hiểu Hoan thuộc khoa ICU nhớ lại.

    Cô Kê phải vào viện cấp cứu sau khi nặn mụn trên mặt

    Bác sĩ Lưu Vĩ Vĩ, trưởng Khoa chăm sóc tích cực (ICU) cho biết: "Sau khi chụp cộng hưởng từ phần đầu, chụp CT ngực và các kiểm tra liên quan khác cho thấy, tín hiệu não của cô Kê thất thường, viêm 2 bên phổi, trong khoang ngực chứa lượng nhỏ chất lỏng. Bệnh nhân sau khi nặn mụn bị viêm và dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch xoang hang do nhiễm trùng trong vùng tam giác nguy hiểm - khu vực bao gồm cả sống mũi và phần hàm trên”.

    Hang xoang, là 1 khu vực nhỏ bên trong hộp sọ, đồng thời là nơi chứa nhiều dây thần kinh có liên quan mật thiết đến việc cử động, cảm nhận giác quan xung quanh khu vực mắt và miệng. Và toàn bộ khu vực này được bao bọc bởi xương thái dương, xương bướm.

    Khu vực này có chứa rất nhiều dây thần kinh trung ương, các phần tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn chặn tình trạng chảy ngược chiều, nhưng tĩnh mạch ở khu vực này lại không hề có van. Do đó, nếu bị nhiễm trùng ở khu vực này thì những vi khuẩn, vi trùng độc hại hoàn toàn có thể di chuyển theo dòng máu chảy ngược lên não cũng như khu vực thần kinh trung ương.

    Ngoài ra, phần dưới chóp mũi (hay phía trên môi) nơi có huyệt nhân trung, là huyệt đạo trọng yếu. Việc nặn mụn sẽ tác động vào huyệt và ảnh hưởng tới cả cơ thể gây choáng đầu, hoa mắt. Mụn ở xung quanh miệng (mép và cằm) có thể là mụn đinh râu, nếu tự ý nặn có thể gây ra các biến chứng như lan vào xoang mặt, viêm tắc tĩnh mạch não, nhiễm trùng máu...

    Sau khi thực hiện các biện pháp chống viêm, chống đông máu và các phương pháp điều trị khác, ý thức của cô Kê đã dần tỉnh táo, nhiệt độ cơ thể trở về mức bình thường, các chỗ sưng trên khuôn mặt đã dần xẹp xuống. Bác sĩ nhắc nhở rằng, máu ở “vùng tam giác” cũng có rất nhiều, mụn ở khu vực này không nên nặn hoặc chích, đặc biệt là nếu tay không được rửa sạch, móng tay quá dài, không được khử trùng, các vi khuẩn một khi xâm nhập vào máu sẽ dấn đến nhiễm trùng mặt, gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

    Thu Hằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-1542019-ly-hon-trong-tuan-trang-mat-vi-chong-qua-keo-kiet-a271123.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan