+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/2/2020: Nhiều chó, mèo ở Trung Quốc bị ném chết vì lý do khiến ai cũng hoang mang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/2/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 3/2/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/2/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 3/2/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Nhiều chó, mèo ở Trung Quốc bị ném chết vì lý do khiến ai cũng hoang mang

    Nhiều chó, mèo đã bị ném xuống đường từ một tòa nhà cao tầng.

    Hiện nay, cả thế giới đều lo sợ và gồng mình lên phòng chống sự lây lan của virus corona đầy nguy hiểm.

    Đó là nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi cấp có xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Vì là một căn bệnh chưa có thuốc đặc trị nên nhiều người rất hoang mang và tìm mọi cách để phòng bệnh cho bằng được.

    Ở Trung Quốc, một bộ phận không nhỏ người dân đã mù quáng nghe theo thông tin thiếu xác thực, thậm chí là tin giả khiến tình hình đại dịch ngày một rối ren.

    Từ hôm qua, những hình ảnh rợn tóc gáy về nhiều xác thú cưng nằm la liệt trên đường đã tràn ngập mạng xã hội Weibo. Theo nội dung trong các bài đăng, chúng không chết vì bệnh dịch mà bị chủ nhân ném ra khỏi các tòa nhà cao tầng.

    Tất cả do những thông tin thất thiệt về việc virus corona có thể lây truyền qua vật nuôi, nhiều người Trung Quốc đã vô cùng sợ hãi và nhẫn tâm ném chết thú cưng của mình.

    Ở Thượng Hải, 5 con mèo cũng chết thảm do bị ném từ trên cao xuống. Nhiều nhân chứng khẳng định chúng lần lượt rơi xuống vào khoảng 4h sáng, có con còn trúng phải ô tô khiến còi báo động hú inh ỏi.

    Nhiều dân mạng Trung Quốc khẳng định, một nữ bác sĩ họ Lý phát biểu trên truyền hình rằng: "Nếu thú cưng đã tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm virus corona, chúng cần được cách ly".

    Tuy nhiên, một trang tin địa phương đã mập mờ đánh lận con đen, cố tình đăng bài với nội dung: "Chó và mèo có thể phát tán virus corona".

    Tin tức thất thiệt này nhanh chóng được dân tình phát tán trên Weibo, từ "cách ly vật nuôi" bỗng dưng chúng lại bị tàn sát.

    Trong nỗ lực chấm dứt thông tin sai lệch này, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã trích dẫn tuyên bố từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): "Không có bằng chứng cho thấy vật nuôi như chó và mèo có thể lây truyền virus corona mới".

    Do đó, nếu chó mèo của bạn đã tiếp xúc với người nghi nhiễm virus corona, chỉ cần cách ly không tiếp xúc với chúng rồi theo dõi tình hình.

    Cụ bà già nhất thế giới qua đời ở tuổi 127

    Cụ bà Fotima có thể là người phụ nữ cuối cùng trên thế giới sinh ra vào những năm 1800.

    Cụ bà Fotima Mirzokulova đến từ cộng hòa Tajikistan, một quốc gia thuộc vùng Trung Á, sinh ra vào ngày 13/3/1893. Cụ đã sống qua thời kỳ Nga hoàng sụp đổ, Liên bang Xô Viết tan rã và cộng hòa Tajikistan giành được độc lập.

    Mặc dù tuổi của cụ Fotina chưa bao giờ được xác minh chính thức nhưng cụ đã để lại 8 người con và khoảng 200 người cháu chắt. Trước khi qua đời, cụ sống ở thị trấn Dakhana, nằm ở phía Bắc cộng hòa Tajikistan, cách thủ đô Dushanbe khoảng 6 tiếng rưỡi lái xe.

    Trước đó, cụ dành cả đời mình để làm việc trong một hợp tác xã nông nghiệp. Hãng thông tấn AKI Press cho biết cụ vẫn tiếp tục làm việc trên các cánh đồng trồng bông ngay cả khi đã nghỉ hưu và yêu thích công việc của mình.

    "Bà ấy đã làm việc trong một hợp tác xã nông nghiệp suốt cả cuộc đời. Khi đến tuổi nghỉ hưu, bà ấy ở nhà và vẫn làm nông. Bà Fatima Mirzokulova đã tham gia vào vụ thu hoạch bông từ đầu đến cuối mùa", trang web chính thức của chính quyền quận Asht cho biết.

    "Vào ngày 25/1/2020, cư dân của quận Asht, người thân và bạn bè đã nói lời tạm biệt với người phụ nữ xinh đẹp và vui vẻ nhất - cụ Fotima", hãng thông tấn của cộng hòa Tajikistan đưa tin.

    Trước đó, người phụ nữ già nhất từng được xác minh trên thế giới là bà Jeanne Louise Calment người Pháp, qua đời ở tuổi 122 vào tháng 8/1997 và sinh vào tháng 2/1875. Trong khi người phụ nữ già nhất thế giới còn sống đến ngày nay là bà Kane Tanaka đến từ Nhật Bản, năm nay tròn 117 tuổi.

    Nhà hàng lẩu mất 190 triệu USD giá trị chỉ vì một con chuột

    Con chuột chết được phát hiện trong nồi lẩu.

    Năm con Chuột (Canh Tý) 2020 đã đến và những câu chuyện dở khóc dở cười về chuột là đề tài được bàn tán khá nhiều. Một trong số đó phải nhắc tới câu chuyện xảy ra với chuỗi nhà hàng lẩu Xiabu Xiabu năm 2018.

    Theo BBC, cổ phiếu của chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc này đã chạm mức thấp nhất trong gần một năm, sau khi bức ảnh chụp một con chuột chết được gắp khỏi nồi lẩu, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

    Nhà hàng lẩu tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, được cho là nơi xảy ra sự cố, đã phải dừng hoạt động tạm thời và đề nghị bồi thưởng khoản tiền 5.000 nhân dân tệ (gần 17 triệu đồng)

    Tuy nhiên, theo tờ Kan Kan News, ông Ma, chồng của người phụ nữ được phục vụ nồi lẩu có chuột chết, không chấp nhận mức bồi thường này vì muốn vợ phải đi kiểm tra tổng thể trước khi quyết định mức bồi thường. Được biết, thời điểm vụ việc xảy ra người phụ nữ đang mang thai.

    Theo truyền thông địa phương, người phụ nữ cùng gia đình tới nhà hàng để dùng món lẩu. Sau vài miếng gắp, cô phát hiện con chuột chết trong nồi nước dùng.

    Ông Ma còn cáo buộc một nhân viên nhà hàng gợi ý rằng người phụ nữ có thể phá thai nếu lo lắng về tình trạng sức khỏe của đứa trẻ và hứa sẽ chi 20.000 nhân dân tệ (68 triệu đồng) để lo toàn bộ thủ tục.

    Các bức ảnh về con chuột chết trong nồi nước lẩu nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, thu hút nhiều sự chú ý và bình luận.

    "Tôi cảm thấy buồn nôn khi thấy hình ảnh đó và sẽ không bao giờ ăn lẩu ở ngoài nữa", một người bình luận.

    Một người khác viết: "Xiabu Xiabu luôn là một trong những nhà hàng lẩu ưa thích của tôi. Tôi vẫn nghĩ họ chế biến rất sạch sẽ... nhưng thật không thể ngờ".

    "Nếu có chuyện gì xảy đến với đứa trẻ trong bụng cô ấy, nhà hàng có đền bù được không? Một sự sống chả lẽ chỉ đáng giá 20.000 nhân dân tệ?", người thứ 3 phản ứng gay gắt.

    Vài ngày sau sự cố, chủ chuỗi nhà hàng chia sẻ giá cổ phiếu công ty chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Theo ước tính, giá trị thị trường của công ty thiệt hại tương đương khoảng 190 triệu USD.

    Nhà hàng, nơi để xảy ra sự cố, lúc đầu lên tiếng phủ nhận sự việc nhưng sau đó xóa bỏ tuyên bố.

    Trung Quốc thiếu khẩu trang trầm trọng, người dân đối phó bằng phương thức sai lầm

    Người dân Trung Quốc giặt khẩu trang dùng 1 lần rồi sử dụng lại - Ảnh: Dailystar

    Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang y tế nghiêm trọng. Trong khi nhiều người phải xếp hàng dài từ sáng sớm để mua khẩu trang thì một số khác vì nhiều lý do mà đành phải sử dụng khẩu trang tự chế từ vỏ bưởi, túi nilon, chai nước...

    Thậm chí, hàng loạt video và hình ảnh trên các trang mạng xã hội Trung Quốc cho thấy người dân nước này luộc hoặc phơi nắng khẩu trang để tái sử dụng.

    Nhiều hình ảnh cho thấy, không chỉ có khẩu trang loại 3, 4 lớp thông thường mà ngay cả loại khẩu trang cao cấp N95 cũng bị đem ra nhúng vào nồi nước sôi, sau đó tái sử dụng.

    Một người đàn ông lớn tuổi ở quận Từ Hối (Thượng Hải) chia sẻ với tờ Bloomberg cho biết: “Tôi cảm thấy khẩu trang đang được quý trọng như một thứ đắt hơn vàng”. Ông đã phải đi một quãng đường rất xa, xếp hàng từ 6h sáng để mua khẩu trang.

    Hiện Thượng Hải cũng đã giới hạn mỗi người mua chỉ được mua 10 chiếc khẩu trang mỗi ngày. Người dân Trung Quốc cảm thấy an toàn hơn khi đeo khẩu trang.

    Dẫu vậy, việc sử dụng khẩu trang không đúng cách sẽ khiến khẩu trang mất đi tác dụng vốn có, thậm chí còn gây ra những bệnh tật khác cho người dùng do kém vệ sinh.

    Đại diện Bộ Y tế Trung Quốc đã gọi tình trạng này là “hết sức đáng lo ngại” và yêu cầu người dân chấm dứt hành động sai lầm này.

    Theo các chuyên gia y tế, đeo khẩu trang chỉ có tác dụng hạn chế việc phát tán dịch chứa virus khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt xì. Bên cạnh đó, cách cách tốt nhất để tránh lây nhiễm virus là rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đồng thời phải đảm rửa tay trong ít nhất 20 giây. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, người dân có thể sử dụng dung dịch vệ sinh chứa ít nhất 60% cồn.

    Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các nhà sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng nhiều nhà thuốc, bệnh viện vẫn luôn ở trong tình trạng “cháy hàng”.

    Ông Li Jia thuộc Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thượng Hải tiết lộ sản lượng khẩu trang đã tăng từ 400.000 chiếc/ngày trước ngày 25/1 lên đến 1,5 triệu chiếc/ngày.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-322020-nhieu-cho-meo-o-trung-quoc-bi-nem-chet-vi-ly-do-khien-ai-cung-hoang-mang-a310073.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan