+Aa-
    Zalo

    Tin tức quân sự mới nhất ngày 30/1: Ông Biden đình chỉ thương vụ vũ khí 23 tỷ của ông Trump

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 30/1 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 30/1 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Ông Biden đình chỉ thương vụ vũ khí 23 tỷ của ông Trump

    Thương vụ 23 tỷ USD bán F-35 và MQ-9 của Mỹ cho UAE bị chính quyền Tổng thống Joe Biden đình chỉ. Ảnh minh họa

    Tờ Washington Post đăng tải, bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu tạm dừng một số hợp đồng bán và chuyển giao vũ khí, bao gồm cả thương vụ 23 tỷ USD bán F-35 và MQ-9 cho UEA mà cựu Tổng thống Trump đã ký chỉ một giờ trước khi rời nhiệm sở.

    Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc tạm dừng các thương vụ vũ khí mà cựu Tổng thống Trump đã ký trước đây là "một hành động thường xuyên" cho phép chính phủ có thể xem xét vấn đề "một cách minh bạch và hiệu quả", cũng như đáp ứng các mục tiêu chiến lược của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.

    Các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 23 tỷ USD với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào sáng 20/1/2021, chỉ một giờ trước khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

    Những giao dịch mua bán với các nước vùng Vịnh Ba tư cùng với thỏa thuận được chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua phút cuối cho phép chuyển giao vũ khí cho Ai Cập và Philipines - đã vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp Mỹ.

    Thỏa thuận đạt được từ hè năm 2020, khi UAE đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel theo Hiệp ước Abraham. Hiệp ước này được ông Trump coi là một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của mình và là một trong những nỗ lực chủ chốt để tập hợp các lực lượng đồng lòng đối phó với Iran.

    Ngoài bán vũ khí cho UAE, ông Trump cũng thuyết phục được Sudan tham gia bình thường hóa quan hệ với Israel bằng cách đồng ý rút nước này khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

    Việc chính quyền ông Biden dừng thương vụ vũ khí bán tiêm kích tàng hình F-35 cho UEA đã được các nhà dự doán đưa ra từ trước, bởi chính sách của chính quyền tân Tổng thống Mỹ được cho là sẽ đảo chiều hoàn toàn một số đường lối mà cựu Tổng thống Trump đã vạch ra trước đây.

    Trước động thái mới nhất từ Washington, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba viết trên Twitter: "UAE hiểu được việc chính quyền mới muốn tái xem xét các chính sách".

    Theo ông, hợp đồng F-35 "không đơn giản mang ý nghĩa bán thiết bị quân sự cho một đối tác". "Nó không chỉ đảm bảo sự tương kết [của Mỹ] với một đồng minh phòng thủ khu vực chủ chốt, mà còn cho phép UAE đảm nhận thêm các trọng trách về an ninh tập thể trong khu vực, giảm bớt gánh nặng của Mỹ trước các thách thức toàn cầu khác".

    "Với cùng các thiết bị và hoạt động huấn luyện", ông Otaiba nói, "quân đội Mỹ và UAE khi hợp tác với nhau sẽ trở nên hiệu quả hơn ở bất kỳ thời điểm và địa điểm nào".

    Việc tạm dừng thương vụ tỷ đô này khiến cho UAE đã vuột mất cơ hội có thể nhận tiêm kích F-35 đầu tiên vào năm 2027.

    Mỹ phát triển công nghệ ngụy trang mới

    Mỹ phát triển công nghệ ngụy trang dựa trên thay đổi tế bào sắc tố nhân tạo. Ảnh minh họa

    Trang tin quân sự Defense News đăng tải, các nhà khoa học thuộc Đại học Rutgers, bang New Jersey đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận về công nghệ ngụy trang chủ động dựa trên thay đổi tế bào sắc tố nhân tạo. Công nghệ này mô phỏng theo khả năng tự biến đối màu sắc theo môi trường của loài bạch tuộc.

    Theo thông tin được Đại học Rutgers công bố, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện bạch tuộc là bậc thầy ngụy trang trong thế giới động vật. Chúng có thể chủ động thay đổi màu sắc và hoạt tiết trên da để lẩn tránh các động vật săn mồi dưới biển.

    Khả năng này có được nhờ hệ thống tế bào sắc tố được điều khiển bởi hệ thống dây thần kinh và cơ. Màu sắc và hoạt tiết trên da của bạch tuộc được biến đổi dựa trên sự co giãn của các khối cơ bao quanh túi sắc tố.

    Giáo sư Howon Lee, Đại học Rutgers cho biết, các nhà khoa học đã mô phỏng lại cơ cấu thay đổi màu sắc và họa tiết trên da của bạch tuộc. Vật liệu được lựa chọn là hydrogel được tích hợp các hạt nano cảm quang polydopamine. Khối vật chất này có thể tự động thay đổi màu sắc theo môi trường và ánh sáng.

    Các thử nghiệm cho thấy, vật liệu ngụy trang mới giúp ẩn giấu vật thể bao phủ trước các thiết bị trinh sát quang-ảnh trong nhiều điều kiện khác nhau, đặc biệt là các thiết bị tạo ra ánh sáng mạnh, dễ bị nhận biết như màn hình thiết bị trinh sát, liên lạc.

    “Các cảm biến điện tử ngày càng nhạy hơn, nhỏ hơn, nhưng chúng lại có nhược điểm là khó ghi nhận được các hình dạng phức tạp ở dạng lập thể (3D). Đây chính là yếu tố tạo ra sự “tàng hình” tương đối của công nghệ ngụy trang sử dụng hydrogel”, giáo sư Howon Lee chia sẻ.

    Dù chưa rõ thời điểm công nghệ ngụy trang mới được ứng dụng trong thực tế, nhưng đây là công nghệ rất có tiềm năng trong tác chiến hiện đại, khi các thiết bị điện tử được sử dụng rộng rãi. Việc ngụy trang và giảm khả năng bị bộc lộ bởi ánh sáng của các thiết bị điện tử trở nên rất cần thiết.

    Cùng với công nghệ hydrogel, Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu vật liệu có khả năng bẻ cong, tán xạ ánh sáng chiếu tới giúp che giấu mục tiêu trên chiến trường. Tuy nhiên, công nghệ này mới đang ở giai đoạn phát triển và cần nhiều thời gian để hoàn thiện.

    Hiện tại, công nghệ ngụy trang hiện đại dựa trên các nguyên tắc chính là màu sắc, hình học và vật liệu chế tạo. Căn cứ vào môi trường tác chiến, màu sơn ngụy trang sẽ được lựa chọn để hòa nhập với môi trường, giúp khó bị phát hiện. Hiệu quả ngụy trang được tăng cường hơn với các hoạt tiết 3D được máy tính mô phỏng giúp hạn chế khả năng bị phát hiện bởi các thiết bị trinh sát điện tử.

    Cùng với đó, công nghệ vật liệu mới giúp hạn chế bức xạ nhiệt và phản xạ radar cũng đang được áp dụng rộng rãi trong quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

    Italy cấm vĩnh viễn xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia và UAE

    Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio. Ảnh: Reuters

    Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài 18 tháng của Italy sang Saudi Arabia và UAE trước đây từ nay sẽ chính thức có hiệu lực vĩnh viễn.

    Italy đã quyết định cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do liên quan tới cuộc chiến tranh tại Yemen, đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này.

    Ngày 29/1, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết với quyết định này, lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài 18 tháng của Italy sang hai nước trên trước đây sẽ chính thức có hiệu lực vĩnh viễn.

    Ông đánh giá chính phủ đã đưa ra một một quyết định đúng đắn và quyết định là một thông điệp hướng tới hòa bình của Rome.

    Đối với Italy, việc tôn trọng các quyền của con người là một bổn phận không thể phá vỡ.

    Trước đó vào năm 2019, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tạm ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia - quốc gia đứng đầu liên minh quân sự chống lại nhóm phiến quân Houthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn.

    Ngay sau khi lực lượng Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa, từ tháng 3/2015, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen nhằm hỗ trợ Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi.

    Cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới với 24,1 triệu người - hơn 2/3 dân số nước này - đang cần được viện trợ khẩn cấp.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-quan-su-moi-nhat-ngay-301-ong-biden-dinh-chi-thuong-vu-vu-khi-23-ty-cua-ong-trump-a354455.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan