+Aa-
    Zalo

    Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 12/10: Kỷ luật Phó Giám đốc TTYT tiêm vaccine COVID-19 cho con dưới 18 tuổi

    • DSPL
    ĐS&PL Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 11/10/2021. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 11/10/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bạc Liêu: Kỷ luật Phó Giám đốc TTYT tiêm vaccine COVID-19 cho con dưới 18 tuổi

    Ngày 11/10, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đơn vị vừa triển khai quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách đối với bà N.T.S - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai.

    ky luat pho giam doc ttyt tiem vaccine covid 19 cho con duoi 18 tuoi dspl
    Ảnh minh họa

    Bà S. bị kỷ luật do liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

    Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Giá Rai nhận được phản ánh của công dân về việc có một số trường hợp tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi chưa đủ 18 tuổi, không đúng theo hướng dẫn của bộ Y tế.

    Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, có 1 trường hợp tên B.N.T.N. (17 tuổi, ngụ phường 1, thị xã Giá Rai, là con ruột của bà S) tiêm vaccine COVID-19 khi chưa đủ 18 tuổi.

    Hành vi này của bà S. đã vi phạm các quy chế, quy định về chuyên môn trong ngành y tế và vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

    Trước đó, vào chiều ngày 9/10 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị ngành y tế rà soát, giải thích vụ việc có người dưới 18 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở các cơ sở y tế trong tỉnh.

    Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Công an tỉnh điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm, trục lợi trong tiêm vaccine.

    Thí điểm mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh từ ngày 13/10

    Tối muộn ngày 10/10, bộ GTVT đã ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch COVID-19.

    Văn bản do Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ, giai đoạn thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021 và chỉ thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

    Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

    Trong thời gian thực hiện thí điểm, bộ GTVT tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện quy định tạm thời này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

    Bên cạnh đó, sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên theo Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

    Hành khách khi đi từ địa phương/khu vực có "nguy cơ rất cao", "nguy cơ cao" đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/ PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

    Đồng thời, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô. Bên cạnh đó, hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng".

    Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng các quy định nêu trên.

    Trường hợp hành khách đi từ địa phương/ khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/ khu vực có nguy cơ cao hơn ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của bộ Y tế thì phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô và thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

    Ngoài ra, hành khách phải kê khai thông tin vào danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe. Khi ở trên phương tiện hành khách phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.

    Trong quá trình di chuyển từ bến xe, điểm đón, trả khách về nơi cư trú, lưu trú hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.

    Khi kết thúc chuyến đi, hành khách phải tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương; tuân thủ “Thông điệp 5K”. Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

    Với với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ôtô.

    Khi chuẩn bị hết thời hạn của giấy xét nghiệm, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đến cơ sở y tế hoặc bến xe, trạm dừng nghỉ, chốt kiểm soát dịch (có tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2) gần nhất trên hành trình để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định trước khi tiếp tục hành trình.

    Sau chuyến đi, trường hợp lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện nhiều vòng chuyến (lượt đi và lượt về) và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi, tuân thủ "Thông điệp 5K", tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến đi tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

    Trường hợp lái xe, nhân viên phục vụ cư trú, lưu trú tại địa phương của bến xe nơi đến, nếu lưu trú tạm thời thì đơn vị vận tải phối hợp với địa phương bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng bộ Y tế.

    Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú phải quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế vàquy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

    Trường hợp phát hiện hành khách có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

    Doanh nghiệp vận tải xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải hành khách bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19; Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển; trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ôtô kinh doanh vận tải…

    Văn bản cũng nêu rõ: “Quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ sẽ từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ôtô phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế".

    Sở GTVT TP.HCM chốt phương án cho người lao động đi lại với 4 tỉnh lân cận

    so gtvt chot phuong an cho nguoi lao dong di lai voi 4 tinh lan can dpsl
    Sở GTVT TP.HCM chốt phương án cho người lao động đi lại với 4 tỉnh lân cận. Ảnh minh họa

    Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM phương án tổ chức giao thông cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

    Theo đó, phương án này đã được sở GTVT TP.HCM hoàn chỉnh sau khi lấy ý kiến từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh.

    Người lao động di chuyển bằng xe cá nhân

    Trừ tỉnh Đồng Nai thì người lao động có thể chạy xe cá nhân đi làm giữa TP.HCM và Bình Dương, Long An, Tây Ninh nếu đáp ứng đủ điều kiện về vaccine và xét nghiệm.

    Lưu thông từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh vào TP.HCM phải đáp ứng điều kiện là khỏi COVID-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine COVID-19 (ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 7 ngày.

    Đối với chiều ngược lại, từ TP.HCM vào tỉnh nào làm việc, người lao động phải đáp ứng các điều kiện cụ thể với từng tỉnh đó.

    Cụ thể, lưu thông từ TP.HCM vào tỉnh Long An người lao động phải đáp ứng điều kiện: tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 sau 14 ngày hoặc khỏi COVID-19 dưới 6 tháng. Đồng thời, người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 7 ngày.

    Lưu thông từ TP.HCM vào tỉnh Bình Dương, đối với cá nhân sử dụng ô tô phải các điều kiện: tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính trong 7 ngày; có giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường.

    Đối với cá nhân đi xe máy chỉ áp dụng đối với người lao động đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh TP.Thủ Đức (TP.HCM) với TP.Thuận An và Dĩ An (Bình Dương). Người ngồi trên xe máy phải tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày và giấy xác nhận phục vụ lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường.

    Từ TP.HCM vào tỉnh Tây Ninh, người lao động phải đáp ứng điều kiện là đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 sau 21 ngày hoặc khỏi COVID-19 dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày.

    Người lao động di chuyển bằng xe đưa đón của doanh nghiệp

    Trường hợp doanh nghiệp đưa đón công nhân, chuyên gia qua lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh, phương tiện vận chuyển không quá 50% sức chứa.

    Các đơn vị xây dựng phương án vận chuyển thông qua đơn vị đầu mối đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, gửi đến sở GTVT các tỉnh, thành phố (nơi cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động, đặt trụ sử) để được xem xét, cấp giấy nhận diện tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh (hoặc sở GTVT tải các tỉnh tổng hợp danh sách gửi sở GTVT TP.HCM hỗ trợ cấp giấy nhận diện).

    Việc lưu thông từ Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh vào TP.HCM, người điều khiển phương tiện và người ngồi trên xe phải đáp ứng điều kiện: khỏi COVID-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine COVID-19 (ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 7 ngày.

    Lưu thông từ TP.HCM vào Long An, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, công nhân, chuyên gia phải đáp ứng điều kiện: đã tiêm vaccine COVID-19 (ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm) hoặc khỏi COVID-19 dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 7 ngày.

    Riêng từ TP.HCM vào Tây Ninh, công nhân, chuyên gia phải đáp ứng điều kiện: đã tiêm vaccine COVID-19 ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi sau 21 ngày tiêm hoặc khỏi COVID-19 dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ.

    Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời giải thích lý do tiêu hủy 15 con chó

    Chiều 10/10, UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã tổ chức họp báo thông tin cụ thể về vụ việc tiêu hủy 15 con chó tại khu cách ly tập trung Trường THPT Khánh Hưng gây xôn xao dư luận.

    Tại buổi họp báo, ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, về chủ trương của Chính phủ thì công tác phòng, chống dịch là trên hết.

    "Tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Khanh và Hùng. Qua trao đổi cả hai nói có tiếc, ngậm ngùi khi đàn chó bị tiêu hủy, nhưng họ chấp hành để phòng, chống dịch. Họ nói sợ lây nhiễm dịch cho người khác. Phía địa phương cũng chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch.

    Phòng, chống dịch phải đi trước, trên một bước, lo cho tính mạng con người là đầu tiên. Còn nếu chu toàn cho đàn chó mà để lây lan dịch thì chính quyền địa phương phải gánh trách nhiệm rất lớn…”, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói, theo VietNamNet.

    "Tuy nhiên, nếu đủ lực lượng quản lý, chúng ta cũng có thể cô lập đàn chó, mèo ở một nơi riêng biệt, sau đó phun khử khuẩn và thực hiện quy trình giám sát tiếp theo. Trong trường hợp xác định rõ chúng đã nhiễm bệnh, giải pháp sau cùng mới là tiêu hủy", ông Công giải thích.

    Nói về căn cứ pháp lý khi tiêu hủy đàn chó, ông Công cho biết: “Đảm bảo, sức khỏe tính mạng, chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly là vấn đề quan tâm số 1. Đó là cái lý để chúng tôi tổ chức tiêu hủy”.

    Theo ông Công, nói về quy định thì Bộ Y tế đã có công văn 4156 khuyến cáo người nhiễm COVID-19 không tiếp xúc gần với người khác và động vật. Trong khi đàn chó này nếu quản lý không được thì đó là một nguy cơ lớn. Bên cạnh đó, Nghị định 117 năm 2020 có quy định cụ thể việc việc xử lý đưa động vật từ vùng dịch về.

    “Vấn đề tiêu hủy nhận được sự đồng tình của bà con. Bà con mừng lắm, nếu không khéo để đàn chó này chạy ra ngoài hay cắn người nào đó, trong khi chủ thì nằm điều trị ở bệnh viện, không ai chịu trách nhiệm hậu quả”, ông Công nói.

    Tiếp đến, ông Công khẳng định, sẽ cho rà lại quy định của pháp luật về quy trình xử lý, nếu có vấn đề nào chưa đúng, thuộc trách nhiệm của ai thì sẽ xử lý.

    “Qua vụ việc này cũng thấy rằng, công tác phòng chống dịch không có tiền lệ nên trong thực hiện công việc trực tiếp, chắc anh em có hơi nóng vội. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại với phương châm sức khỏe người dân là trên hết, những điều gì chưa đúng thì tiếp tục điều chỉnh cho đúng chỉ đạo và quy định” - ông Công thông tin, theo báo Lao Động.

    Cũng theo ông Công, gần đây, bà con lao động ngoài tỉnh trở về rất đông, huyện tập trung đem hết khả năng, sức lực để đón, chăm sóc y tế, hậu cần chu đáo cho bà con. Đến nay, huyện đã tổ chức 39 khu cách ly tập trung, hầu hết là các trường học và hiện có 3.238 người đã về đến huyện. Tuy nhiên, do người về địa phương không đoán trước được nên việc bố trí sắp xếp sàng lọc gặp nhiều khó khăn.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-thoi-su-moi-nong-nhat-hom-nay-12102021-ky-luat-pho-giam-doc-ttyt-tiem-vaccine-covid-19-cho-con-duoi-18-tuoi-a515938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan