4 trẻ sinh non tử vong: Đã cấy ra vi khuẩn trong máu của bệnh nhi chuyển lên tuyến trên


Thứ 4, 22/11/2017 | 03:09


Cùng sự kiện

Các bác sĩ đã cấy ra vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi nặng trong số 8 trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc.

Các bác sĩ đã cấy ra vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi nặng trong số 8 trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc. Việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đến thời điểm hiện tại, vụ việc 4 trẻ sinh non tử vong cùng lúc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh vẫn đang là vấn đề ‘nóng’. Sau nhiều lần họp bàn, kiểm tra, Sở Y tế bước đầu đưa ra kết luận do sốc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn BV.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhi, 13 trẻ sơ sinh đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã được chuyển lên tuyến trên. Trong số bệnh nhi được chuyển lên, có 4 bệnh nhi đang trong tình trạng nặng, điều trị với phác đồ nhiễm khuẩn huyết và được cách ly riêng một phòng. Hiện tại có 2 bé thở máy, 2 bé tự thở oxy, hô hấp, tuần hoàn đang trong tầm kiểm soát. PGS Điển hi vọng với sự điều trị tích cực, kháng sinh mạnh nhất cộng với thuốc tăng cường miễn dịch, tính mạng em bé sẽ ổn định.

“Trong 8 trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương, đã cấy ra vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi nặng. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị đặt vào tình trạng tối đa” – PGS Điển cho biết thêm.

Tối 21/11 đã có thêm 5 bệnh nhi được chuyển lên Khoa Sơ sinh BV Phụ sản Trung ương và 2 bệnh nhi tiếp tục chuyển lên BV Nhi Trung ương. Như vậy đến thời điểm này, đã có 19 bệnh nhi được chuyển tuyến theo dõi đặc biệt.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000 - 4.000 trẻ, điều trị nội trú cho 1.700 bệnh nhân. Trong số đó, hầu hết đều là các bệnh nhi rất nặng: Hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày...

Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo và được chuyển đến từ rất nhiều bệnh viện ở các tỉnh khác nhau. Chính vì đặc tính nặng như vậy nên tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao.

Bộ trưởng Y tế thăm trẻ sơ sinh sinh non đang chăm sóc đặc biệt tại đơn nguyên sơ sinh.

Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Nhi Trung ương có cấy phân cho thấy, có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Hiện nay, rất nhiều bệnh nhi chuyển đến đã có nhiễm khuẩn từ tuyến dưới, do vậy tại bệnh viện Nhi Trung ương có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại bệnh viện.

“Việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Chúng tôi phải có sự họp bàn phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho trẻ; đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các em bé thì mới có thể mới vượt qua được tình trạng kháng thuốc này”, PGS. Điểm thông tin.

Để giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn ngay trong bệnh viện, PGS Điển cho biết, được sự đồng thuận của Sở Y tế Bắc Ninh, sẽ xử lý tình trạng nhiễm khuẩn tại Đơn nguyên sơ sinh BV Sản Nhi. Theo đó, các buồng bệnh sẽ được xử lý cuốn chiếu, đóng buồng trong vòng 48 giờ để đảm bảo khử khuẩn toàn bộ bề mặt, môi trường, thiết bị y tế.

Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh đưa ra các biện pháp liên quan đến chấn chỉnh chống nhiễm khuẩn tại đơn vị. Các y, bác sĩ sẽ được đào tạo về chống nhiễm khuẩn. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Bắc Ninh sẽ thực hiện đề án thành lập khoa Sơ sinh tại BV chuyên khoa Sản Nhi, tuyển dụng thêm bác sĩ, điều dưỡng trong thời gian tới để đáp ứng thành lập khoa Sơ sinh.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/4-tre-sinh-non-tu-vong-da-cay-ra-vi-khuan-trong-mau-cua-benh-nhi-chuyen-len-tuyen-tren-a210287.html