Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh mùa nắng nóng, đơn giản nhưng nhiều bà nội trợ mắc sai lầm


Thứ 2, 21/05/2018 | 09:23


Cùng sự kiện

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách không phải ai cũng biết. Đặc biệt, khi chuyển sang hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao thực phẩm rất dễ bị hư hỏng.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách không phải ai cũng biết. Đặc biệt, khi chuyển sang hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, vì thế các bà nội trợ cần lưu ý cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng để đảm bảo sức khỏe.

Theo Cục An toàn thực phẩm và Kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp Mỹ, thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2h sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4-60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Đồ ăn nấu xong nên ăn ngay, sau đó đun lại, để nguội và cho vào hộp đậy nắp kín cất vào tủ lạnh.

Lưu ý bạn không nên cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh luôn bởi thức ăn sẽ biến chất, nhiệt độ cao trong thức ăn sẽ ngưng đọng thành hơi nước, tạo điều kiện thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc.

Các thực phẩm dễ hư thối nhất là trứng bóc vỏ, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, hầu hết đều được nấu chín.

Khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, đặc biệt là dưới thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các bà nội trợ cần lưu ý cách bảo quản phải chuẩn, tránh phản tác dụng.

1. Cách bảo quản thức ăn thừa

- Sau khi thức ăn thừa đã nguội hãy dùng màng bảo quản thực phẩm hoặc hộp chuyên dụng đậy kín và cho ngay vào tủ lạnh. Lưu ý phải để thức ăn thật nguội rồi mới được cho vào tủ lạnh vì khi thức ăn còn nóng đột ngột cho vào môi trường nhiệt độ thấp, sẽ bị ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc. Thức ăn thừa khác nhau cần phải bỏ riêng để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.

- Thực phẩm sau khi nấu chín cần đưa vào tủ lạnh cất giữ trong vòng 2 giờ, nếu để ở ngoài hơn hai giờ không nên đưa vào cất giữ trong tủ lạnh. Thời gian bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh cũng không nên quá dài, tốt nhất chỉ trong vòng 4-5 giờ. Trong trường hợp bình thường chỉ cần hâm nóng lại trong vòng vài phút có thể giết chết các mầm bệnh. Bên cạnh đó, có một số loại thực phẩm không nên hâm, nấu lại mà nên tiêu thụ ngay trong ngày như cơm, các thực phẩm từ nông sản, trứng đã bóc vỏ, hải sản, các sản phẩm từ sữa.

- Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp.

- Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C, tủ đông là dưới 0 độ C.

- Sử dụng thức ăn càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu, một loại vi khuẩn cơ hội là Listeria, sẽ phát triển, đặc biệt nếu nhiệt độ tủ lạnh ở trên 4 độ C.

- Cảnh giác với thực phẩm dễ hư hỏng. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ thì nên vứt bỏ thức ăn thừa ngay. Vi khuẩn vẫn có thể phát triển ngay trong tủ lạnh, khiến thức ăn không còn ngon và gây hại cho sức khỏe.

- Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống, thịt gia cần, hải sản để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.

- Làm sạch tủ lạnh thường xuyên và lau vết bẩn ngay lập tức. Điều này giúp giảm sự tăng trưởng của vi khuẩn Listeria và ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.

2. Những sai lầm nghiêm trọng khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh

Không đậy nắp cho đồ ăn thừa khi cho vào tủ lạnh

Nhiều người có thói quen để nguyên thức ăn thừa vào trong tủ lạnh mà không đậy lại và việc làm này đã vô tình dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe. Bởi lẽ việc không đậy nắp thức ăn chính là một nguồn cơ gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.

Ngoài ra, số thức ăn đó sẽ dễ dàng nhiễm các vi khuẩn kí sinh lan từ các loại thực phẩm với nhau gây nhiều bệnh nguy hiểm. Đồng thời, nếu không được đậy kín, hơi thức ăn bốc lên, gây mùi khó chịu khắp tủ lạnh.

Vì thế, khi cho đồ ăn thừa vào tủ lạnh, mọi người nên bọc kín bằng nylon hoặc đựng trong hộp có đậy nắp cẩn thận.

Không rửa thịt trước khi cho vào ngăn đá

Không ít người có thói quen mua liền một lúc nhiều thịt và tích trữ trong ngăn đá để ăn dần. Tuy nhiên, trước khi nhét tất cả số thịt đó vào tủ, mọi người lại quên mất một việc quan trọng đó là rửa thịt.

Mọi người cần biết rằng thịt khi mua ngoài chợ về rất bẩn và cũng đã qua tay nhiều người cầm, chưa kể thịt không rõ nguồn gốc, vì thế nếu không rửa sạch sẽ trước khi cất trữ, vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở. Đó là lí do vì sao, các bạn nên rửa sạch thịt sau khi bạn mua về, sau đó để cho rao nước hoặc thấm khô rồi cho vào túi rồi mới trữ đông.

Để thực phẩm đã rã đông vào lại ngăn đá

Nhiều người có thói quen để thực phẩm đã rã động vào lại ngăn đá mà không biết rằng cách làm này đã vô tình làm cho quá trình vi khuẩn tăng lên gấp nhiều lần.

Sau khi rã đông, các tế bào của thực phẩm bị phá vỡ ít nhiều không còn được tươi ngon như ban đầu. Nếu các bạn lại tiếp tục trữ đông tiếp thì các tế bào còn lại sẽ vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Điều này là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn sinh sôi thuận lợi hơn trong thực phẩm.

Chính vì vậy, các bạn nên bảo quản thực phẩm theo từng túi nhỏ để chắc chắn sử dụng hết sau khi rã đông, còn các thức ăn không hết, chúng ta nên bỏ đi.

Trữ thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh

Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng thực phẩm để trong tủ lạnh là “an toàn”, không bị hỏng, vì tủ lạnh có thể ức chế tốc độ sinh sản của vi khuẩn. Nhưng thời gian lưu trữ thực phẩm quá lâu cũng là nguy cơ gây mất an toàn dễ gây ngộ độc, hơn nữa còn bị hao hụt chất dinh dưỡng.

Các chuyên gia đều khuyên mỗi gia đình nên trữ thực phẩm trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như các loại thịt, hải sản… các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên lưu lại trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày.

Còn với đồ ăn đã nấu chín, chẳng hạn như những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn không nên để quá ba ngày và bảo quản ở vị trí lạnh nhất trong tủ lạnh. Không cho thịt chín vào đông lạnh quá lâu vì thịt để lâu trong tủ lạnh ăn vẫn có thể bị tiêu chảy.

Sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh không đúng vị trí

Giống như các khu vực khác trong nhà, tủ lạnh cũng cần được sắp xếp khoa học và ngăn nắp. Mỗi loại đồ ăn thì phù hợp với một độ lạnh nhất định. Cần để đồ ăn ở đúng vị trí để giữ trọn được hương vị và thời gian bảo quản lâu.

Điều quan trọng nhất khi để thực phẩm trong tủ lạnh là đảm bảo tất cả đồ ăn nhận được luồng khí lạnh cần thiết. Các loại thực phẩm cần bảo quản lâu nên sắp xếp gần nguồn lạnh (lưng tủ lạnh) để ổn định nhiệt độ. Hạn chế đặt các hộp lớn vì sẽ chắn luồng khí lạnh.

Phần cánh tủ ít lạnh hơn thường dùng để trứng, sữa, nước, hoa quả. Phần dưới cùng lạnh nhất dùng để cất trữ rau quả tươi và thực phẩm sống.

Để nhiệt độ không phù hợp trong tủ lạnh

Bình thường khi chúng ta mới tìm tủ lạnh, nhiệt độ trong tủ sẽ được nhà sản xuất cài đặt sẵn nên nhiều người sử dụng nghĩ rằng sẽ không phải điều chỉnh thêm gì nữa. Chính vì điều này mà có rất ít gia đình chú ý đến việc điều chỉnh nhiệt độ cho ăn nhập với nhu cầu tiêu dùng tủ lạnh.

Nhiệt độ của tủ lạnh sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của từng ngăn, cũng như lượng thực phẩm để trong tủ lạnh. Nếu để nhiệt độ quá cao thì chức năng bảo quản thực phẩm không được đảm bảo, thực phẩm nhanh bị hỏng. Còn nếu nhiệt độ quá thấp thì thực phẩm có nguy cơ bị đóng đá, tủ vừa tốn điện lại vừa không tốt cho thực phẩm.

Vì thế, khi thiết lập nhiệt độ cho tủ lạnh, mọi người nên nhớ ngăn lạnh nhiệt độ nên đặt từ mức nhiệt 1,7 - 5 độ C, với ngăn đá thì mức nhiệt độ phù hợp là từ -18 đến 0 độ C. Nếu tủ lạnh nhà bạn ngoài ngăn lạnh và ngăn đông đá còn có ngăn thực phẩm tươi thì đặt từ 0 - 4 độ C, ngăn làm mát khoảng 0 độ C.

Các loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh

Các loại rau: cà rốt, bí đỏ, dưa, hành... có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng. Dưa chuột, ớt xanh để trong tủ lạnh một thời gian dài sẽ có xu hướng bị mềm và thối.

Trái cây: chuối, xoài, cam táo (trái cây nhiệt đới và cận nhiệt đới) có khả năng thích ứng nhiệt độ thấp, nếu được đặt trong tủ lạnh, trái cây được giữ lạnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến hương vị.

Bánh ngọt: các loại bánh và thực phẩm giàu tinh bột khác để trong tủ lạnh sẽ nhanh chóng bị khô cứng.

Thịt chế biến sẵn: thịt xông khói, dăm bông và các loại thịt muối khác nên để ở nơi thoáng mát, thông gió sẽ đảm bảo hương vị tốt hơn là trong tủ lạnh. Vì độ ẩm trong tủ lạnh quá lớn dễ khiến cho thịt có mùi hôi. Bạn cũng nên lưu ý không lưu trữ thịt quá lâu nhé.

Thực phẩm đông lạnh đã rã đông: những thực phẩm đông lạnh sau khi được rã đông, tan hoàn toàn lớp băng đá thì vi khuẩn sẽ xâm nhập và nhân lên rất nhanh. Do đó, thực phẩm đã rã đông không nên cho lại vào tủ lạnh. Vì thế, tốt nhất hãy chia thành từng phần nhỏ thích hợp với mỗi lần chế biến. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng trên.

Ngoài ra, khi lưu trữ trong tủ lạnh, tránh để các thực phẩm sống và chín lẫn lộn với nhau; để ngăn chặn mùi hôi thì nên sử dụng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-quan-thuc-pham-trong-tu-lanh-mua-nang-nong-don-gian-nhung-nhieu-ba-noi-tro-mac-sai-lam-a230237.html