Cảnh báo đối phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão ở Biển Đông


Thứ 2, 28/10/2019 | 23:36


Cùng sự kiện

Áp thấp trên Biển Đông đã mạnh thành áp thấp nhiệt đới, gió giật mạnh trên biển và gây mưa lớn khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ.

Áp thấp trên Biển Đông đã mạnh thành áp thấp nhiệt đới, gió giật mạnh trên biển và gây mưa lớn khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ.

Chiều 28/10, văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành công điện khẩn gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị sở ngành liên quan về phương án ứng phó với đợt áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão này.

Chùm ảnh vị trí và đường đi của cơn bão. Ảnh: Nchmf

Nội dung công điện yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, bộ, ngành triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Công điện nêu rõ cơ quan chức năng thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Các lồng bè, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy hải sản, kinh tế ven biển và ngoài khơi cần được kiểm tra thường xuyên, liên tục. Sở Du lịch các địa phương cần rà soát khách du lịch tại các nơi có thể ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão...

Công tác chuẩn bị ứng phó khi xảy ra tình huống xấu phải được thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng chủ động khi bão đổ bộ.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, đến 19h ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 29/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) 70km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 10,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông Kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 19h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh.

Từ ngày 30/10, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam trong đêm nay và từ ngày 30/10 có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động.

Vi An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-doi-pho-ap-thap-nhiet-doi-co-kha-nang-manh-thanh-bao-o-bien-dong-a298672.html