Công tác tư tưởng: Sức mạnh trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”


Thứ 4, 19/12/2018 | 08:10


Cùng sự kiện

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một kỳ tích của ý chí, trí tuệ và sức sáng tạo Việt Nam.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một kỳ tích của ý chí, trí tuệ và sức sáng tạo Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu này, Bộ đội Phòng không - Không quân đã cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu với ý chí quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Sáng tạo cách đánh, phát huy uy lực của các vũ khí trang bị kỹ thuật mà ta có tạo nên sức mạnh đánh thắng không quân địch trong 12 ngày đêm khốc liệt của bom đạn Mỹ, góp phần đập tan ý chí xâm lược của những kẻ cuồng chiến trong giới cầm quyền nước Mỹ lúc đó; buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những chiến dịch đường không của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc từ 1965 đến đầu năm 1972 có quy mô lớn và rất tàn bạo, gây cho ta những khó khăn, tổn thất không nhỏ. Nhưng chưa có cuộc tập kích hay chiến dịch đường không nào của địch đánh phá tập trung quy mô lớn và khốc liệt như cuộc tập kích đường không chiến lược bằng “siêu pháo đài bay” B.52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 vào Hà Nội, Hải Phòng và đường số 1 (mạn Bắc Hà Nội). Với cuộc tập kích này, chúng hy vọng tạo ra sức ép làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, ý đồ ép chúng ta phải chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh có lợi cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúc đó. Để tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên “Lai nơ Bếch cơ II”, đế quốc Mỹ lập ra bộ chỉ huy lâm thời và sử dụng một lực lượng lớn không quân hỗn hợp gồm: 193 máy bay B.52, với 25 tổ bay, chiếm gần 50% không quân chiến lược của nước Mỹ; 48 máy bay F.111A; 999 máy bay chiến thuật, một số máy bay tiếp dầu trên không và máy bay bảo đảm chiến đấu khác ở các căn cứ không quân tại Guam, Thái Lan, Philíppin, miền Nam Việt Nam và 6 tàu sân bay trên biển Đông. Liên tục trong 12 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12, đế quốc Mỹ đã huy động 663 lần/chiếc B.52 trong đó có 417 lần/ chiếc tập trung đánh phá Thủ đô Hà Nội. Tổng số xấp xỉ 15.000 tấn bom đạn.

Quân và dân ta mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng oanh liệt, đập tan cuồng vọng của địch. Bị tổn thất nặng nề, 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không và ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị cho phía Mỹ gặp đại biểu ta tại Pari để bàn về ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” là tổng hợp của nhiều nhân tố: hoạt động lãnh đạo, chỉ huy các cấp từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, các cơ quan cấp chiến lược cho đến Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng, binh chủng và các đơn vị trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu; của vũ khí trang bị kỹ thuật; của công tác đảng, công tác chính trị, công tác quân sự, hậu cần kỹ thuật, của nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

1. Tập trung xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ

Quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân tố chính trị, tinh thần, với tư cách là nhân tố liên kết, tích hợp các nguồn lực tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp, hoạt động công tác tư tưởng của cấp uỷ, chỉ huy, cán bộ chính trị và cơ quan chính trị các đơn vị tham gia chiến địch đã đặc biệt coi trọng giáo dục, động viên, giữ vững ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình tác chiến Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Thành công lớn của công tác tư tưởng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” là đảng uỷ, chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch đã làm cho bộ đội tiếp tục quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng... Trong quá trình chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, hoạt động công tác tư tưởng ở các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng với trí tuệ sáng tạo và sự tinh thông về kỹ thuật, chiến thuật, xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ cho mọi lực lượng tham gia chiến dịch.

Xác máy bay B-52 bị quân và dân ta bắn rơi. (Ảnh tư liệu)

Thực tiễn cho thấy, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” diễn biến cực kỳ phức tạp, tình huống xảy ra bất thường, nghiêm trọng, nhất là địch thay đổi thủ đoạn chiến thuật đã tác động mạnh đến tư tưởng, tâm lý, niềm tin vào khả năng đánh thắng của bộ đội. Trong đợt đánh phủ đầu, các tốp B.52 vào oanh tạc Hà Nội đêm 18 tháng 12 năm 1972, tên lửa ta chưa hạ được chiếc B.52 nào, làm cho bộ đội căng thẳng, thiếu tự tin. Trước tình hình đó đã xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng không đúng: Một là, cho rằng chỉ có “nhiễu” về tư tưởng, chứ không có “nhiễu” về kỹ thuật, tức là chỉ có giải quyết tư tưởng chứ không đi sâu vào chiến thuật, kỹ thuật quân sự; hai là, không tin vào vũ khí trang bị kỹ thuật của ta có thể đánh B.52 của Mỹ. Công tác tư tưởng đã giải quyết tốt cả hai khuynh hướng tư tưởng không đúng đó. Cấp uỷ, chỉ huy cơ quan chính trị các đơn vị một mặt tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm trận đánh, tổ chức các tổ kỹ thuật nghiên cứu địch, chấn chỉnh khắc phục nhân tố tiêu cực, củng cố ý chí chiến đấu và giải quyết những khó khăn về kỹ thuật. Nhờ đó đã củng cố lòng tin, động viên bộ đội phát huy trí tuệ tìm tòi cách đánh, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bắn rơi tại chỗ máy bay B.52 của không quân Mỹ.

Bài học rút ra là, hoạt động công tác tư tưởng phải bám sát bộ đội, bám sát nhiệm vụ tác chiến, xử trí linh hoạt, kịp thời, đúng đắn mọi vấn đề tư tưởng nảy sinh trong tác chiến, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Lúc đánh thắng cũng như lúc gặp khó khăn đều phải tăng cường công tác tư tưởng. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng củng cố niềm tin; chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào. Trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết công tác tư tưởng trong quân đội phải được tiến hành một cách chủ động, toàn diện, định hướng kịp thời tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ.

2. Giáo dục, động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ làm chủ vũ khí trang bị, phát huy trí tuệ tìm tòi cách đánh mưu trí sáng tạo, chiến đấu dũng cảm kiên cường chống lại các thủ đoạn tác chiến của không quân địch

Cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị từ bộ tư lệnh chiến dịch đến các đơn vị tham gia chiến dịch đã coi trọng tổ chức nghiên cứu địch cả về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược và kỹ thuật của không quân Mỹ. Huy động trí tuệ và tài năng sáng tạo của mọi cán bộ, chiến sĩ, mọi cấp, trước hết là cán bộ, đảng viên tìm tòi sáng tạo cách đánh ở mọi cấp, mọi đơn vị; triệt để khai thác tính năng kỹ thuật, chiến thuật của mọi loại vũ khí kỹ thuật hiện có. Năm 1972, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, các binh chủng đã liên tiếp mở hội nghị cán bộ chủ chốt, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, kíp chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa, các phi đội máy bay chiến đấu để vừa quán triệt nhiệm vụ, vừa trao đổi kinh nghiệm thực tế, phát động hiến kế lập công sâu rộng trong mọi đơn vị, mọi lực lượng tạo thành cuộc vận động lớn huy động trí lực và tài thao lược của cán bộ, chiến sĩ quyết đánh và biết đánh, biết thắng B.52 của đế quốc Mỹ. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao và tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại vũ khí khí tài trang bị của các đơn vị, hoạt động công tác tư tưởng của cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị phối hợp với cơ quan tham mưu, kịp thời tổ chức các hội nghị chuyên đề phổ biến quyết tâm của trên, trao đổi kinh nghiệm, dân chủ thảo luận để khắc phục khó khăn thực tế về vũ khí trang bị kỹ thuật của ta, đề xuất cách đánh tốt nhất để chống lại thủ đoạn nham hiểm và vũ khí - kỹ thuật hiện đại của địch.

Trong quá trình thực hành tác chiến chiến dịch, khi địch thay đổi thủ đoạn tác chiến, hoạt động công tác tư tưởng của các đơn vị tham gia chiến dịch đã kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ, thi đua tìm tòi cách đánh có hiệu quả. Kết quả cuộc vận động phát huy dân chủ, tìm tòi cách đánh B.52 và các loại máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ đã đề xuất được cách đánh mưu trí, sáng tạo, khôn khéo của từng binh chủng, từng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật nhằm tiêu diệt hoặc góp phần hạ gục con “át chủ bài” B.52 của không quân Mỹ. Bộ đội Rađa đã tập trung nghiên cứu phá thủ đoạn gây nhiễu nặng của địch làm “mù” rađa của ta khi đội hình lớn của máy bay Mỹ đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng. Bộ đội Rađa đã tập trung nghiên cứu, tổ chức hệ thống trạm đài liên hoàn hỗ trợ cho nhau canh trực theo dõi chặt chẽ mọi hành động của địch, phát hiện từ xa chính xác mọi loại máy bay của Mỹ ở các tầng cao, không để bị bất ngờ. Binh chủng tên lửa, hoả lực theo phương pháp phóng đạn tập trung. Lực lượng Phòng không đã triệt để khai thác tính năng kỹ thuật, chiến thuật của mọi loại vũ khí của thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân để đánh loại máy bay F111A hiện đại của Mỹ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ tốt các trận địa tên lửa và các mục tiêu khác cả ban ngày và ban đêm. Bộ đội Không quân tổng kết, nghiên cứu việc cất cánh, hạ cánh, vượt qua hàng rào máy bay F.4 bảo vệ các tốp B.52, khắc phục nhiễu làm “mù” rađa trên máy bay của ta để tiến công tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B.52 hoàn thành nhiệm vụ trở về căn cứ khi đánh đêm. Với cách đánh phù hợp của lưới lửa phòng không của chiến tranh nhân dân Việt Nam, có tầm thấp, tầm cao, phát hiện và đánh chặn từ xa đến gần, tập trung hoả lực mạnh bảo vệ mục tiêu chủ yếu và vận dụng linh hoạt, phát huy cao nhất tính năng, tác dụng của mọi loại vũ khí mà ta có, lực lượng Phòng không - Không quân nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt nhiều máy bay chiến thuật và bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B.52 của Mỹ, giữ quyền chủ động trong quá trình chiến dịch, đập tan cuộc tập kích chiến lược lớn nhất của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Bài học công tác tư tưởng rút ra từ đây là, cùng với việc giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phải đề cao dân chủ, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy trí tuệ, ra sức học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm cho bộ đội vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng vừa tinh thông kỹ, chiến thuật, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Trong điều kiện hiện nay, công tác tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống Bộ đội Cụ Hồ với giáo dục kiến thức văn hoá khoa học kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Động viên cán bộ, chiến sĩ tiến quân vào khoa học kỹ thuật quân sự, ra sức học tập nâng cao bản lĩnh chiến đấu, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, năng lực làm chủ vũ khí trang bị hiện đại. Kiên quyết phê phán, khắc phục tư tưởng bảo thủ, không chịu đi sâu vào khoa học - kỹ thuật, không thấy sự đổi mới về trang bị vũ khí, kỹ thuật tác động tới con người, tổ chức và cách đánh. Đồng thời, cũng đề phòng khuynh hướng tư tưởng “thần thánh hoá” vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao của địch dẫn đến tự ti, mất lòng tin vào khả năng giành thắng lợi của ta.

3. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, phát huy cao nhất sức mạnh, hiệu lực của công tác tư tưởng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”

Đây là bài học tiến hành công tác tư tưởng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Trong quá trình diễn biến chiến dịch, công tác tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức đi sâu vào các mặt cụ thể như lập phương án kế hoạch chiến dịch, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị hậu cần kỹ thuật bảo đảm tác chiến và mọi yếu tố cần thiết khác, tham gia vào việc rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật; tổ chức các phong trào thi đua nghiên cứu tìm tòi cách đánh; tuyên truyền tin chiến thắng, kinh nghiệm chiến đấu chống không quân địch… Công tác tư tưởng không chỉ là của cấp uỷ, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị mà trở thành công tác của mọi người, mọi tổ chức, của cả tập thể quân nhân từ tìm tòi cách đánh đến việc bảo đảm hậu cần kỹ thuật trang bị vũ khí, đạn dược, khí tài, tháo gỡ những khó khăn do điều kiện kinh tế - kỹ thuật quân sự của ta, bảo đảm đến mức cao nhất cho Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thắng lợi.

Do kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức mọi lúc, mọi nơi, mọi giai đoạn tác chiến chiến dịch đã bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn thông suốt nhiệm vụ, nhất trí và có quyết tâm cao, tin tưởng vào thắng lợi, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, chấp hành mệnh lệnh và kỷ luật nghiêm, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.

Công tác tư tưởng phải dựa vào các tổ chức, phát huy vai trò của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức quần chúng và bằng nhiều biện pháp để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Phải làm công tác tư tưởng với từng người, từng tổ chức, từng đơn vị theo từng nhiệm vụ. Phải phát huy sức mạnh của tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, đảng viên; chỉ rõ phương hướng hành động cho cán bộ, đảng viên. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phải luôn chủ động dự kiến tình hình tư tưởng; kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, để không bị động bất ngờ về tư tưởng trước những diễn biến nhanh chóng khẩn trương của các tình huống chiến dịch. Phải nắm chắc tình hình tư tưởng của bộ đội, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, năng lực nắm vững những quan điểm tư tưởng trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh của cấp trên, để khi tình hình có diễn biến phức tạp thì vẫn đủ sức chủ động lãnh đạo về mọi mặt, trước hết là lãnh đạo đúng đắn về chính trị - tư tưởng.

Cùng với việc tiến hành công tác tư tưởng trong tổ chức đảng, phải lãnh đạo chỉ đạo các tổ chức quần chúng, phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, vận động quần chúng phát huy sáng kiến ra sức thi đua chiến đấu, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng. Nhận rõ vai trò xung kích của tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức Đảng, cơ quan chính trị các đơn vị tham gia chiến dịch đã coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm đoàn thanh niên thường xuyên vững mạnh, làm tốt việc giáo dục, động viên, tổ chức phong trào thanh niên phát huy sáng kiến, cải tiến trang bị, vũ khí, tham gia vào việc nghiên cứu đề xuất cách đánh chống lại không quân Mỹ theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong chiến dịch này, phong trào thi đua “Vạch nhiễu tìm thù” đã được phát động trong toàn binh chủng ra đa đã hướng vào giải đáp thành công những câu hỏi khó khăn nhất, gay cấn nhất của đơn vị và binh chủng là nâng cao trình độ quan sát, phát hiện sớm máy bay của địch từ xa, phá thủ đoạn gây nhiễu làm “mù” rađa của ta, không để bị bất ngờ, nhất là khi chúng đánh vào Hà Nội, Hải Phòng.

Thực tiễn Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh rằng, muốn phát huy sức mạnh, hiệu lực của công tác tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng. Trong cuộc chiến đấu này, ta phải đương đầu với không quân Mỹ có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Điều đó đặt ra yêu cầu mới, cách nhìn mới đối với công tác tư tưởng trong xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Phải xây dựng đơn vị vững chắc về tư tưởng. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ có phải có quyết tâm chiến đấu cao, không sợ hy sinh, không nề gian khổ để vượt qua mọi khó khăn thử thách. Yếu tố trang bị kỹ thuật và cách đánh rõ ràng là cực kỳ quan trọng trong sức mạnh chiến đấu. Nhưng không vì thế mà coi nhẹ nhân tố chính trị, tinh thần, coi nhẹ công tác tư tưởng. Vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, càng đòi hỏi cao ở bộ đội về phẩm chất chính trị, tinh thần. Chỉ có trên cơ sở giác ngộ chính trị cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng với tinh thần dũng cảm, kiên cường thì mới mưu trí, sáng tạo, tìm ra cách đánh tốt, mới giải quyết tốt các vấn đề về tổ chức, kỹ thuật, nghệ thuật quân sự… bảo đảm giành thắng lợi.

Theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-tac-tu-tuong-suc-manh-trong-chien-dich-dien-bien-phu-tren-khong-a255694.html