Đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Navibank


Thứ 5, 21/09/2017 | 03:52


Cùng sự kiện

10 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà n

10 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 19/9, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có kết luận điều tra lần thứ 2, đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, nay đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân) về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc); Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền (nguyên trưởng phòng pháp chế); Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro); Trần Thanh Bình (nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng); Đinh Thị Đoan Trang (nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng); Đoàn Đăng Luật (nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ); Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên trưởng phòng kế toán).

Theo báo Công an Nhân dân, trước đó, trong phiên tòa Phúc thẩm do Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại TP Hồ Chí Minh, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã bị tuyên mức án chung thân về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức và tội lừa đảo chiếm đoạt của 4 công ty, 3 cá nhân và 3 ngân hàng. Trong đó, Navibank bị thiệt hại 200 tỷ đồng.

TAND TP Hồ Chí Minh và Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ một số vấn đề. 

Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đến nay, kết luận điều tra lần 2 cho thấy: Tháng 4/2011, Lê Quang Trí đã họp thống nhất chủ trương các nhân viên Navibank đứng tên, gửi hơn 1.543 tỷ đồng vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi Nhánh TP Hồ Chí Minh để nhận gần 76 tỷ đồng tiền lãi, với lãi suất từ 16,5%/năm đến 22,5%/năm .

Đến tháng 7/2011, VietinBank Chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1000 tỉ đồng, còn 500 tỉ đồng chưa đến hạn quyết toán. Số tiền này được gửi vào VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bằng 18 hợp đồng, lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng.

Đến ngày 7/9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng, số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng đã bị Như chiếm đoạt. Việc gửi tiền vào VietinBank của lãnh đạo Navibank là trái luật, tạo điều kiện để Như chiếm đoạt số tiền trên.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước  về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm  đến năm  năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c)  Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  một  năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-nghi-truy-to-10-bi-can-nguyen-la-can-bo-lanh-dao-ngan-hang-navibank-a202582.html