Một con người suốt đời tận tụy vì nước, vì dân


Thứ 5, 04/10/2018 | 00:00


Cùng sự kiện

Điểm nổi bật trong cung cách lãnh đạo của đồng chí Đỗ Mười là đặc biệt chú ý tới quyền lợi chính đáng của người dân.

Điểm nổi bật trong cung cách lãnh đạo của đồng chí Đỗ Mười là đặc biệt chú ý tới quyền lợi chính đáng của người dân. Ông đã tận tay nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại để giải quyết những oan ức của người dân. Ông cũng thường xuyên "vi hành" để tìm hiểu đời sống của dân, giá cả thị trường,...

Trân trọng giới thiệu bài viết “Một con người suốt đời tận tụy vì nước, vì dân” của đồng chí Trần Quân Ngọc, nguyên Vụ trưởng, Thư ký chuyên trách về dầu khí và công nghiệp của nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Bài viết trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. Ảnh: TTXVN

Lần đầu tiên tôi được nghe ông Đỗ Mười nói chuyện là vào năm 1957, tại Nhà hát Nhân dân, Hà Nội (sau là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt -Xô, nay là Cung văn hoá hữu nghị Hà Nội). Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông hôm đó: Ông cao, gầy, mặc một bộ đại cán màu xanh nhạt, đầu húi cua, chân đi đôi giày bộ đội cao cổ, da đen. Ông trình bày về tình hình kinh tế của nước ta lúc đó, giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, ông nói say sưa, hùng biện, lý luận sâu sắc nhưng dễ hiểu, những dẫn chứng đưa ra rất cụ thể và dí dỏm. Có thể nói thời ấy có hai người nói chuyện được đám thanh niên chúng tôi thích nhất là ông Đỗ Mười, Bộ trưởng Bộ Nội thương và anh Việt Phương thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tôi có ngờ đâu 20 năm sau, tôi có khoảng 10 năm gắn bó với ông. Câu chuyện xảy ra như sau: Một hôm, đồng chí Lê Tự, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hóa chất bảo tôi cùng đi với đồng chí sang Bộ Xây dựng làm việc. Tôi có nhiệm vụ báo cáo với lãnh đạo của Bộ Xây dựng về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong giai đoạn 1975 - 1985. Người trực tiếp nghe báo cáo của tôi hôm đó là ông Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ít lâu sau, đồng chí Lê Tự nói với tôi: "Anh Mười "chấm" chú đấy. Anh ấy muốn điều chú lên Phủ Thủ tướng để giúp theo dõi công việc của các ngành dầu khí, hóa chất và một số ngành khác. Cho chú đi, tôi cũng tiếc lắm, nhưng giữa tôi và anh ấy tình nghĩa rất sâu nặng: Thời kháng chiến chống Pháp, anh ấy là Chính ủy kiêm Tư lệnh Khu Tả Ngạn thì tôi là phó của anh ấy bao nhiêu năm…".

Ít lâu sau, tôi nhận được quyết định điều về Phủ Thủ tướng, biên chế tại Vụ Xây dựng cơ bản. Vừa chuyển về cơ quan mới, tôi đã phải tháp tùng ông Đỗ Mười đi kiểm tra các công trình trọng điểm của Nhà nước, như công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, cơ sở lắp ráp giàn khoan dầu Vũng Tàu, nhà máy làm giàu quặng apatít, Nhà máy giấy Bãi Bằng... Mặc dù đã tích lũy được một số kinh nghiệm dự thảo văn bản nhưng lên Phủ Thủ tướng, tôi lại phải mày mò tìm hiểu, học tập cách dự thảo văn bản, gần như phải học lại từ đầu. Có những chỉ thị của Thủ tướng tôi dự thảo xong, đưa trình ông Đỗ Mười đọc. Ông bắt tôi ngồi cạnh, đọc, sửa từng câu từng chữ. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ông có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Sau này tìm hiểu tôi mới được biết ông đã từng là Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 7 tỉnh, khu, thành phố (Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Khu Tả Ngạn sông Hồng, Hải Phòng), đã đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng, Bộ trưởng của gần mười ngành khác nhau như Bộ Nội thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Ủy ban Thanh tra Chính phủ, Hội đồng Chi viện tiền tuyến, Bộ Xây dựng... Đó là chưa kể các trách nhiệm ông gánh vác trong 8 khóa Quốc hội, 5 khóa ở Trung ương Đảng... Không những ông thuộc việc mà còn nhớ việc, từ việc lớn tới những việc tưởng chừng nhỏ, nhờ có trí nhớ tuyệt vời.

Thời kỳ tôi giúp việc ông, ông ngủ rất ít, chừng 5 - 6 tiếng là nhiều. Phần lớn thời gian nếu không đi kiểm tra, đôn đốc các cơ sở, ông dành cho việc đọc các công văn, giấy tờ, sách báo. Thường anh em chuyên viên thư ký chúng tôi mỗi ngày phải đọc hàng trăm trang công văn của các bộ, ngành, địa phương gửi lên; tóm tắt nội dung vào một mẩu giấy nhỏ. Ông đọc hết nội dung công văn, gạch dưới những đoạn quan trọng hoặc ghi thêm bên lề... Ngoài ra, hằng ngày ông vẫn đều đặn nghiên cứu thêm lý luận, đọc rất nhiều loại sách để bổ sung kiến thức mọi mặt. Bộ sách kinh điển Tư bản của Mác ông đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đều có những đoạn gạch dưới, những ghi chép bên lề. Khi tôi mới về công tác với ông, ông giao cho tôi bộ sách về Bộ Công thương Nhật Bản (Miti) đã dịch ra tiếng Việt, gồm 17 tập. Ông dặn: "Chú phải đọc thì mới có thêm kiến thức về kinh tế, mới hiểu được cấu trúc của bộ máy nhà nước của họ, để lo cải tiến bộ máy của ta". Thỉnh thoảng ông lại hỏi: "Chú đọc đến tập mấy rồi?". Sau này, ngoài lĩnh vực kinh tế, ông còn tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác như thơ văn Lý - Trần, về Phật giáo... Khi đã bước vào tuổi 90, ông vẫn giữ nếp đọc sách đều đặn hằng ngày. Ông đọc cuốn Thế giới phẳng của Thomas Friedman, đọc Cạnh tranh nhà nước, phần Phát triển - cái giá của chủ nghĩa tự do... Phát hiện những cuốn sách hay, bổ ích đối với ngành, bộ nào là ông nhắc lãnh đạo bộ, ngành đó phải đọc, có khi ông cho sao chụp và gửi thẳng cho những đồng chí lãnh đạo đó.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, nhiều công việc khẩn trương phải giải quyết nên hằng ngày ông làm việc ba buổi: Hai buổi trong giờ hành chính, thêm một buổi tối để giải quyết những vấn đề bức xúc, họp hành, đôi khi tiếp khách trong và ngoài nước. Anh em chuyên viên chúng tôi nhiều lúc chỉ kịp về nhà ăn cơm tối lại đạp xe lên cơ quan làm việc tiếp. Làm việc căng thẳng thì dĩ nhiên ảnh hưởng tới sức khỏe của ông và cả chúng tôi nữa. Văn phòng bàn đi bàn lại mãi chuyện bồi dưỡng cho những người làm thêm giờ buổi tối. Cuối cùng quyết định: Trong giờ giải lao cho mỗi người bát chè đậu xanh hoặc chiếc bánh bao nhỏ. Lúc đó cả Thủ tướng, Bộ trưởng, chuyên viên đều vừa đứng ở hành lang vừa ăn như nhau, giản dị, thân mật bình đẳng. Có hôm đổi món, cho uống một cốc sữa. Ông Đỗ Mười nhắc khéo chị cấp dưỡng: "Cho bát chè là được rồi, sữa bây giờ khan hiếm, phải để dành cho các cháu bé, những người ốm ở bệnh viện". Hồi ấy, thấy ông làm việc quá căng thẳng như vậy, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ban Bí thư đã phải "cấm" ông hội họp, làm việc thêm trong buổi tối.

Điểm nổi bật trong cung cách lãnh đạo của ông là ông đặc biệt chú ý tới quyền lợi chính đáng của người dân. Trước đây, khi thấy bà con mang đơn thư khiếu nại lên các cơ quan, chính quyền, anh em bảo vệ thường đề nghị bà con trở về quê quán, không nhận các đơn thư tố cáo, khiếu nại. Khi phát hiện ra điều này, ông yêu cầu Phủ Thủ tướng phải tổ chức một bộ phận tiếp dân, nhận các đơn khiếu nại của dân một cách chu đáo, ân cần. Tôi nhớ có một lần Quốc hội họp ở Hội trường Ba Đình, nhân dân mang đơn khiếu nại đến rất đông. Anh em chúng tôi ra thăm dò được biết: Nhân dân tố cáo nhiều về chuyện đất đai, nhà cửa, nhũng nhiễu của cán bộ chính quyền địa phương... và yêu cầu được gặp mặt đích thân Thủ tướng để đưa đơn. Chúng tôi báo cáo với ông về chuyện này. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, cán bộ bên an ninh không đồng ý để ông ra trực tiếp nhận đơn khiếu nại của dân, rằng như thế sẽ tạo ra tiền lệ không tốt có thể nguy hiểm đến tính mạng... ông Đỗ Mười phản ứng lại ngay: "Ơ hay, mình là cán bộ của dân, người dân muốn gặp, mà lại sợ dân à? Thủ tướng thì cũng chỉ là công bộc của dân mà thôi. Cứ để tôi ra gặp đồng bào". Thế là ông rời phòng họp, đi thẳng ra đường Hoàng Diệu, gặp dân. Tôi và đồng chí sĩ quan bảo vệ đi sát theo ông. Từ xa đã thấy bà con reo hò: "Bác Mười ra rồi! Thủ tướng tới rồi, bà con ơi!". Đồng bào vỗ tay nhiệt liệt. Ông nói với bà con thật ân cần, giản dị: "Tôi đang họp trong kia, nghe mấy chú giúp việc tôi báo cáo là bà con muốn gặp tôi. Tôi ra ngay! Đơn, thư của bà con đâu, đưa thẳng cho tôi. Tôi về sẽ đọc và giao cho các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải quyết và trả lời bà con sớm"'. Ông đã tận tay nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại như vậy. Trên đường về phòng họp, ông nói với tôi: "Chú thấy không, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mình là cán bộ của dân, trước kia, do dân nuôi, dân che chở, tại sao bây giờ lại sợ gặp dân? Tôi không sao hiểu nổi!".

Tôi nhớ một trường hợp khác nữa: Trước Đại hội VII, Bộ Chính trị giao cho ông đi giải quyết một số vấn đề mất đoàn kết, một số chuyện vướng mắc tại một số tỉnh. Chúng tôi được theo ông đi từ Bắc vào Nam. Tới Phú Khánh, sau mấy ngày làm việc căng thẳng, sáng sớm hôm đó chúng tôi rời nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh để ra sân bay Nha Trang đi tiếp thì xảy ra chuyện. Đi đầu là xe của Sở Công an dẫn đường, xe thứ hai là xe Thủ tướng. Khi chiếc xe của Thủ tướng vừa từ từ lăn bánh ra khỏi nhà khách Ủy ban thì một người lao vào phía trước xe. Đồng chí lái xe phanh xe kịp thời. Đồng chí bảo vệ và tôi mở cửa xe nhảy xuống. May quá, cụ già không sao. Cụ lổm ngổm ngồi dậy và quỳ dâng lá đơn lên trán, nói lắp bắp: "Tôi xin dâng lá đơn khiếu nại này lên cụ Thủ tướng!". Ông Đỗ Mười lúc đó cũng đã xuống xe, ông lấy tay đỡ cụ đứng lên và nói: "Chết chửa, tôi có phải là vua chúa gì đâu mà cụ phải quỳ xuống như thế! Tôi cũng chỉ là người đầy tớ của dân mà thôi! Cụ đừng bao giờ làm thế nữa nhé! Cụ cứ đưa đơn cho tôi, tôi sẽ tự mình đọc đơn của cụ sớm, cụ cứ yên tâm!".

Sau đó, ông cho gọi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công an lại nhắc nhở (ông nói to cho cả bà con đang đứng vây quanh chỗ đó cùng nghe): "Bà con có chuyện oan ức mới làm đơn khiếu nại Chính phủ. Đó là chuyện bình thường. Sau khi tôi đi rồi, các anh tuyệt đối không được bắt bớ, trù dập, hăm dọa dân vì chuyện xảy ra hôm nay. Nếu tôi nghe thấy bất cứ một chuyện gì như thế, tôi sẽ kỷ luật nặng các anh. Thôi chào cụ, chào bà con, chúng tôi phải đi tiếp, kẻo chậm giờ máy bay".

Cứ một lần nghĩ tới sự kiện này, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, nước mắt lại ứa ra! Suốt đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh vị Thủ tướng cúi xuống nâng người dân đứng dậy, miệng nói: "Tôi cũng chỉ là người đầy tớ của dân mà thôi!".

Chuyện Thủ tướng "vi hành" để tìm hiểu đời sống của dân, giá cả thị trường, cách phục vụ của các quầy bán thịt, bán nhu yếu phẩm, bán bia hơi... thời đó là chuyện bình thường. Có nhiều hôm, sau khi làm việc ở Phủ Thủ tướng về, ông cho xe ôtô đỗ ở rất xa hoặc đi về nhà trước, còn ông cùng thư ký và bảo vệ đi lang thang trong chợ, trên phố để tìm hiểu tình hình. Thấy cán bộ kêu ca về nạn cửa quyền tại các quầy bán bia hơi, ông đến tận nơi xem xét. Thấy dân kêu ca về chất lượng bột mì dùng chế biến bánh mì quá kém, trọng lượng chiếc bánh mì quá nhẹ do bị ăn bớt lượng bột, ông yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải đích thân vào cuộc để giải quyết vấn đề. Có một dạo, ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sáng sáng phải mang mẫu bánh mì tới đưa cho tôi để chuyển tới ông Đỗ Mười báo cáo, cho tới khi đạt yêu cầu mới thôi.

Ông rất không ưa chuyện bày vẽ ăn uống, nhậu nhẹt. Một lần ông về Quảng Ninh kiểm tra công việc của các mỏ than. Trên đường đi, đoàn chúng tôi dừng lại ở Hải Phòng để Bộ Giao thông vận tải đưa ông đi xem một chiếc tàu thủy vừa mới mua ở nước ngoài về. Xem xong con tàu, các vị lãnh đạo của ngành và của con tàu mời ông quay trở lại phòng của thuyền trưởng. Bước vào phòng đã thấy bày sẵn các món ăn thịnh soạn. Hàng trăm lon bia được đưa ra. Hồi đó các loại bia này đều phải nhập từ nước ngoài, trong nước chưa sản xuất được. Chủ nhà khẩn khoản mời ông và anh em chúng tôi dự tiệc. Ông nhẹ nhàng từ chối: "Tiệc đã bày ra rồi, các cậu cứ vui vẻ đi. Bọn tớ đã ăn sáng rồi, bây giờ phải đi tiếp ra Quảng Ninh cho kịp họp". Mời thế nào ông cũng từ chối. Sau đó đoàn chúng tôi lên đường đi tiếp. Tới Phà Rừng, ông hỏi nhỏ: "Đoàn mình có cậu nào mang theo đồ ăn sáng không?". Tôi nhanh nhảu trả lời: "Nhà em có chuẩn bị cho em cơm nắm muối vừng và mấy củ khoai luộc. Khoai nghệ ngon lắm anh ạ". Ông nói: "Chú cho tôi củ khoai lang nghệ". Vừa ăn ngon lành củ khoai ông vừa nói: "Chú xem: Họ bày ra patê, xúc xích, bia lon cả đống. Toàn đô la cả đấy. Nuốt vào họng thế nào được!". Cứ chén củ khoai lang như anh em mình, vừa bổ, vừa nhuận tràng, vừa thanh thản trong lòng! Cho tôi gửi lời cảm ơn cô Tân nhé!".

Trong công việc, ông rất tỉ mỉ, cụ thể. Cái gì không biết thì hỏi, hỏi đi hỏi lại cho tới khi nắm được, hiểu được mới thôi. Một lần, vào đầu những năm 1980, ông đi kiểm tra việc thăm dò tìm kiếm quặng pirít sắt ở Nam Đông thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuộc họp có nhiều đồng chí lãnh đạo và chuyên gia của Liên đoàn Địa chất tham gia. Bỗng nhiên ông rời chỗ ngồi trang trọng dành cho vị lãnh đạo cao nhất, xuống ngồi cạnh chúng tôi, ghé vào tai tôi hỏi nhỏ: "Các cậu ấy đang nói về nguyên tố ácxêních. Tôi không hiểu gì về nguyên tố này cả, chú giải thích tôi nghe". Sau đó ông hỏi thêm một số vấn đề khác nữa. Đức tính khiêm tốn đó đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Không biết thì hỏi, chẳng có gì xấu hổ, chẳng việc gì phải giấu dốt, đúng như điều Bác Hồ căn dặn.

Ông ăn mặc giản dị. Thời bao cấp thì đi đâu cũng chỉ mặc bộ đồ đại cán đã bạc màu. Ông rất ngại mặc complê, thắt cà vạt trong các buổi lễ long trọng hoặc phải tiếp khách. Áo sơ mi cũ, có khi phải lộn cổ, píchkê lại cũng mặc. Sau này khi đã nhiều tuổi, ông thích mặc những bộ lụa màu xám hoặc trắng, mỡ gà, trông vẫn lịch sự, đẹp và giản dị. Bữa ăn hằng ngày rất đạm bạc, như cuộc sống của một cán bộ bình thường. Thời bao cấp thì còn thiếu thốn là đằng khác, bởi vì gia đình ông chia đôi, nửa ở miền Nam, nửa ở miền Bắc: Bà Thanh - vợ ông bị hen suyễn nặng phải vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng người con trai. Ông phải đảm nhiệm công việc của Nhà nước, nên sống ở Hà Nội với người con gái. Do đó, tiêu chuẩn thịt hằng tháng của ông phải dành làm ruốc gửi vào Nam tiếp tế cho bà Thanh và con trai. Nhiều lần, khi vào Nam công tác, tôi đã chuyển những đồ tiếp tế đó của ông cho bà. Nói một cách vắn tắt là ông không để ý tới chuyện ăn mặc, đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Có một số chuyện ông Đỗ Mười lại rất chú ý. Đó là những chuyện liên quan tới việc hiếu hỉ. Tới các địa phương ông dành nhiều thời gian thăm các vị cách mạng lão thành, gia đình có nhiều người hy sinh cho cách mạng, các bạn bè cùng hoạt động thời cách mạng và trong hai cuộc kháng chiến. Các đám cưới của những người thân, họ hàng, con cháu của bạn bè, dù bận ông cũng cố gắng sắp xếp thời giờ tới dự, tặng một món quà nhỏ hoặc chụp với cô dâu chú rể một tấm ảnh kỷ niệm. Một lần, trước khi bay ra giàn khoan dầu ở ngoài thềm lục địa, tôi bị chảy máu dạ dày, phải quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Khi làm xong việc ở Vũng Tàu, ông tới thăm tôi tại bệnh viện. Hôm đó bệnh viện bị cắt điện, thang máy ngừng hoạt động. Ông đã leo bộ 9 tầng nhà để lên thăm khiến tôi rất xúc động.

Cho tới nay, đã bước vào tuổi 94, ông vẫn thiết tha, quan tâm tới những vấn đề của đất nước, của Đảng, vẫn đóng góp ý kiến của mình với Bộ Chính trị, với các vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước: Từ vấn đề quy chế dân chủ ở cơ sở đến vấn đề chiến lược xây dựng ngành công nghiệp nặng, từ vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí tới vấn đề an sinh xã hội.

Ông Đỗ Mười có một gia đình riêng rất tốt. Bà Thanh, vợ ông là một bác sĩ sản khoa. Bà là một người cực kỳ hiền hậu, khiêm tốn, giản dị và liêm khiết. Ông có hai người con, một trai, một gái. Chúng tôi quen biết gia đình đã nhiều năm, thấy các cháu bao giờ cũng lễ độ, hồ hởi, thân mật. Cả hai đều là cán bộ của Nhà nước. Cũng như cha mẹ mình, các cháu sống rất giản dị và khiêm tốn. Mấy chục năm qua, chúng tôi thấy gia đình vẫn dùng những đồ dùng cũ kỹ, không có cái gì tỏ ra xa hoa. Khi ông làm Thủ tướng và Tổng Bí thư, khi đi nước ngoài công tác hoặc tiếp khách trong nước, ông được tặng một số quà nghệ thuật như tranh, tượng bằng gốm sứ, thủy tinh... Trước đây được trang trí trong phòng. Sau này ông cũng đem tặng lại Nhà nước, tặng các viện bảo tàng, chỉ còn giữ lại vài thứ nhỏ. Ông để vào vị trí trang trọng nhất tấm chân dung Bác Hồ với bút tích của Bác Hồ: "Tặng chú Mười". Ông bảo đó là món quà quý nhất của đời ông. Chính Bác Hồ là người đích thân chọn ông làm Phó Thủ tướng. Suốt đời ông đã không ngừng phấn đấu để xứng đáng với sự tin yêu của Bác!

Theo Chinhphu.vn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-con-nguoi-suot-doi-tan-tuy-vi-nuoc-vi-dan-a246400.html