+Aa-
    Zalo

    Muốn người dân đồng thuận, sao không minh bạch thuế môi trường xăng dầu?

    ĐS&PL Đề xuất tăng thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch khung vẫn tiếp tục gây bức xúc trong dư luận.

    Đề xuất tăng thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch khung vẫn tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù những năm qua số tiền chi cho bảo vệ môi trường chỉ bằng 1/4 số thu, bộ Tài chính giải thích không chỉ chi cho môi trường mà còn chi để làm một số nhiệm vụ khác... Người dân muốn bộ Tài chính sòng phẳng, nếu thuế môi trường không dùng để bảo vệ môi trường thì nó được sử dụng như thế nào?

    Tiết lộ bất ngờ về mức thu chi của quỹ môi trường

    Theo số liệu của bộ Tài chính về tình hình thực hiện luật Thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần. Tờ VnExpress dẫn lại, năm 2012, số thu từ thuế Bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm. Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường qua xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi giữa năm 2015.

    Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách. Như vậy, trong lúc thuế Bảo vệ môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng. Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế trên có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường?

    Trong khi đó, từ trước tới nay, xăng sinh học E5 luôn “được tiếng” là loại xăng thân thiện với môi trường và được khuyến khích sử dụng. Vì thế, theo PGS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) từng đưa ra khuyến cáo, hiện nay chính là thời điểm cần phải có những chính sách ưu đãi mạnh tay để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng sinh học. "Từ ưu đãi lớn về giá, người dân mới dần dần sử dụng nhiều hơn. Không cách nào khác là phải giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần xăng khoáng để pha trộn E5", ông Đào nêu quan điểm.

    Dùng xăng sinh học lại tăng thuế môi trường là "không nhất quán"

    PGS.TS Phạm Tất Thắng

    Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: “Trong xu thế hội nhập quốc tế, khi thuế xuất nhập khẩu giảm xuống 0% thì nó sẽ dẫn tới một hệ quả tất yếu là nguồn thu ngân sách sẽ giảm đi đáng kể. Mỗi nước có một cách ứng xử để có nguồn thu bù lại sự thiếu hụt đó. Đối với chúng ta cũng vậy, việc tìm nguồn thu bù vào khoản thiếu hụt do thuế xuất nhập khẩu giảm xuống 0% là điều không thể tránh khỏi.

    Tuy nhiên, cách làm của bộ Tài chính là chưa phù hợp. Gần đây, bộ Tài chính liên tiếp đề xuất tăng một loạt thuế, lệ phí như đề xuất thu thuế đối với nhà ở từ trên 700 triệu đồng, tăng thuế giá trị gia tăng và giờ là tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với xăng dầu... Điều đó dẫn tới sự phản ứng của nhiều người trong xã hội”.

    Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng phân tích: “Theo kinh nghiệm, nhiều nước họ tìm cách nâng đỡ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống để thông qua đó người ta thu các khoản thuế khác trong quá trình kinh doanh. Đó là cách làm thông minh.

    Hơn nữa, về mặt nguyên tắc, khi nguồn thu ngân sách bị giảm đi thì anh phải đề xuất ở cả 2 khía cạnh. Thứ nhất là anh đề xuất hướng đảm bảo nguồn thu. Thứ hai là anh phải đề xuất các cách giảm chi đi, cái này lại chưa thấy bộ Tài chính chú trọng”.

    Về việc bộ Tài chính dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường lên đến kịch trần, PGS Phạm Tất Thắng nhìn nhận: “Ở đây nó có sự bất cập. Tức là các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cả bộ Công Thương, bộ Tài chính... đang chứng minh, khuyến khích mọi người dùng xăng E5 và nói rằng xăng E5 thân thiện với môi trường. Nếu dùng xăng E5 thì giảm được khí thải ra môi trường.

    Vậy mà trong khi đó anh lại tăng thuế bảo vệ môi trường của xăng lên. Hai việc này nó không nhất quán, dẫn tới sự phản ứng của người tiêu dùng”.

    Phải minh bạch thu-chi

    Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường trong cuộc trao đổi với PV báo ĐS&PL nêu quan điểm: “Nhiều người đặc biệt quan tâm là tiền thu được từ thuế đánh vào xăng dầu, chúng ta có thực sự dùng cho việc tái tạo bảo vệ môi trường hay không? Tiền đó được sử dụng ra sao? Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một công bố minh bạch, rõ ràng việc sử dụng những khoản phí, thuế thu được từ các mặt hàng thiết yếu được sử dụng ra sao? Điều này không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người dân quan tâm, băn khoăn. Chính băn khoăn đó là điều làm cho phần đông các ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này”.

    Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ Chính phủ, bộ ngành nếu biết lý do tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì? Hiệu quả môi trường của việc tăng thuế môi trường đó ra làm sao, ai sử dụng và đo lường hiệu quả ấy, còn hiện nay là rất tù mù.

    Thứ hai, theo bà Lan, người dân luôn tự hỏi tăng thuế môi trường thì ai được lợi? Nếu chứng minh được phục vụ cho người dân, minh bạch cách chi thì tôi khẳng định người dân sẽ đồng tình và sẵn sàng vì Nhà nước.

    "Cái khổ của chúng ta lâu nay là thiếu minh bạch, không thuyết phục trong chi tiêu. Cái cần nhất hiện nay là phải giảm chi, giảm biên chế. Tất nhiên cái này rất khó nhưng đã đến lúc phải làm quyết liệt để tinh giản bộ máy, đo lường hiệu quả cán bộ như doanh nghiệp", bà Lan nói trên tờ Dân trí.

    Chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ: "Chừng nào ghế ngồi trong cơ quan Nhà nước còn gắn liền với tiền, quyền lực thì những đề xuất tăng thuế sẽ bị phản ứng. Người dân sẽ nghĩ ngay số tiền đó để chi tiêu cho bộ máy".

    Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng kiến nghị, công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu. Ông Phong cho rằng, cùng với việc tăng thuế môi trường xăng dầu cần có báo cáo giải trình minh bạch liên quan đến dư nợ và hoạt động của quỹ môi trường này, tránh tình trạng thu cái này nhưng dùng vào mục đích khác, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia kinh tế này, tăng thuế cũng cần tính đến áp lực lạm phát gắn với việc tăng giá xăng dầu. Tăng mạnh như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muon-nguoi-dan-dong-thuan-sao-khong-minh-bach-thue-moi-truong-xang-dau-a230780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan