Nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới muốn bán dự án cho Nhà nước với giá 3.000 tỷ


Thứ 3, 12/12/2017 | 02:56


Cùng sự kiện

Nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên- Chợ Mới đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án với giá gần 3.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên- Chợ Mới đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án với giá gần 3.000 tỷ đồng, bao gồm giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, phần trả lãi vay ngân hàng và phần lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bỏ ra.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cienco4, đại diện liên danh nhà đầu tư Cienco 4- Tuấn Lộc- Trường Lộc cho biết, nhà đầu tư đã xây dựng 3 phương án xử lý trạm thu phí dự án Thái Nguyên- Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3, trình các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ vướng mắc cho dự án, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Phương án 1 là giữ nguyên 2 trạm thu phí tại dự án gồm 1 trạm đặt trên quốc lộ 3 cũ và một trạm trên quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới theo hợp đồng đã ký kết; cho phép nhà đầu tư tổ chức thu hoàn vốn trên cơ sở mức giá đã được Bộ Tài chính ban hành và thực hiện phương án miễn, giảm giá cho các chủ xe có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận trạm thu phí đã được UBND tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư thống nhất.

Trạm thu phí BOT Thái Nguyên- Chợ Mới. Ảnh: Vietnamnet

Phương án 2 là Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu phí, vị trí đặt trạm, mức phí.

Trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách vì nếu chỉ thu phí trên tuyến quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu phí trên đoạn quốc lộ 3 cũ đã cải tạo thì dự án không thể hoàn vốn do lưu lượng xe có thể thu phí chỉ chiếm 10 - 15% trên tổng lưu lượng của toàn tuyến.

Theo tính toán sơ bộ của nhà đầu tư, nếu dự án chỉ đặt một trạm thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới thì ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho dự án khoảng hơn 2.000 tỉ đồng mới đảm bảo phương án tài chính khả thi.

Phương án 3 là nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án với giá trị gần 3.000 tỉ đồng bao gồm giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, phần trả lãi vay ngân hàng và phần lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bỏ ra.

Ông Huỳnh cho biết, theo phương án tài chính và hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 được thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, việc thu phí chưa được thực hiện trong khi bình quân mỗi tháng, bên liên danh phải trả khoảng 16 tỉ đồng tiền lãi vay. Chỉ riêng tiền lãi vay cộng dồn từ đầu năm 2017 đến nay đã lên hơn 200 tỉ đồng.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40 km và nâng cấp, mở rộng 25 km quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 theo hình thức BOT do Liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc thực hiện, có tổng mức đầu tư ban đầu 2.744 tỉ đồng.

Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất phương án đặt một trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm thu phí tại km 77+922,5 quốc lộ 3 cũ song song với đường Thái Nguyên - Chợ Mới như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, ngay khi nhà đầu tư thực hiện xây trạm thu phí, nhiều người dân huyện Phú Lương đã tập trung phản đối vị trí trạm thu phí trên quốc lộ 3 cũ. Tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Giao thông dỡ trạm thu phí trên quốc lộ 3 và có phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Hoàng Yên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-dau-tu-bot-thai-nguyen---cho-moi-muon-ban-du-an-cho-nha-nuoc-voi-gia-3000-ty-a212614.html