+Aa-
    Zalo

    Những kỹ năng làm bài môn Ngữ văn THPT quốc gia dễ dàng đạt được điểm cao

    ĐS&PL Thí sinh cần nắm vững cách học, cách làm bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018 để có thể dễ dàng đạt được kết quả tốt nhất.

    Thí sinh cần nắm vững cách học, cách làm bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018 để có thể dễ dàng đạt được kết quả tốt nhất.

    Xác định cấu trúc đề và thời gian làm bài

    Cấu trúc đề thi năm nay (2018) cũng như năm 2017 gồm 2 phần:

    Phần I: Đọc hiểu (3 điểm) gồm văn bản có thể là thơ hoặc văn xuôi. Thí sinh sẽ trả lờ 4 câu hỏi cho phần này theo những cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

    Phần II: Làm văn (7 điểm) gồm 2 câu.

     Câu 1 (2 điểm): Thí sinh sẽ trình bình luận về một vấn đề thuộc phạm vi xã hội bằng đoạn văn 200 từ.

     Câu 2 (5 điểm): Thí sinh cảm nhận, phân tích, chứng minh... về một tác phẩm, hoặc một giác độ nào đó của nó trong chương trình 11 và 12. Toàn bộ thời gian làm bài của thí sinh cho môn ngữ văn là 120 phút.

    Kỹ năng làm bài thi

    1. Phần đọc hiểu

    Để làm tốt phần đọc hiểu, các thí sinh cần nắm rõ, chắc những công cụ về tiếng Việt. Trong đó, biện pháp tu từ là một trong những đơn vị kiến thức tiếng Việt thường xuất hiện trong phần đọc hiểu văn bản. Để làm tốt câu hỏi này, học sinh cần nắm vững 12 biện pháp tu từ (so sánh; nhân hóa; ẩn dụ; hoán dụ; nói quá; nói giảm, nói tránh; liệt kê; điệp ngữ; phép đối; câu hỏi tu từ; đảo ngữ; dấu chấm lửng (dấu ba chấm) và tác dụng của nó trong việc mang lại hiệu quả nghệ thuật về diễn đạt.

    Ngoài ra, học sinh cần nằm lòng các kiến thức về tu từ từ vựng; Tu từ ngữ âm; Tu từ cú pháp; các phương thức biểu đạt và các phong cách ngôn ngữ trong tiếng Việt; các thao tác lập luận và thao tác tạo lập văn bản; nhận biết nội dung và  phân tích được nội dung tác phẩm để tìm ra ý nghĩa (tác dụng, hiệu quả nghệ thuật của đoạn văn bản).

    2. Nghị luân xã hội

    Để xây dựng chất liệu bài viết hay và có sức thuyết phục, thí sinh cần đọc báo, xem thời sự, bám sát các sự kiện đời sống xã hội. Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến học sinh, tinh thần yêu đất nước, yêu gia đình, sự đoàn kết, lối sống lành mạnh…

    Xác định đúng yêu cầu về kĩ năng, phương pháp và kiến thức cần huy động khi làm bài. Mục tiêu của đề Nghị luận xã hội muốn khai thác góc nhìn cá nhân của thi sinh thông qua việc trình bày ý kiến đánh giá, suy nghĩ, cảm nhận. Tránh sa đà đưa nhiều dẫn chứng để chứng minh vấn đề đó.

    Dẫn chứng là một điều không thể thiếu để cho một bài nghị luận xã hội đạt yêu cầu. Song, cần dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc, giàu sức thuyết phục và được nêu khéo léo, ngắn gọn.

    Dẫn chứng không phải là điểm quan trọng nhất của bài nghị luận xã hội. Trong đó, tập trung đưa ra các lập luận, lý lẽ, bày tỏ được suy nghĩ của người viết mới là điều thi sinh cần làm.

    3. Nghị luận văn học

    Đây là phần chiếm số điểm rất cao trong bài thi (5 điểm). Ngữ liệu của nó gồm các tác phẩm trong chương trình 11 và 12 với các thể loại sau: Truyện, thơ, tùy bút, bút ký, văn chính luận, kịch,... (lưu ý với cấu trúc đề thi năm nay thì còn có 2 bài văn nghị luận nữa là: "Một thời đại trong thi ca" của Hoài Thanh, thuộc chương trình 11 và bài "Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ dân tộc" của Phạm Văn Đồng, thuộc chương trình 12).

    Những chủ đề chính là: chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa yêu nước anh hùng. Đây là 2 mảng thường ra thi trong nhiều năm. Ngoài ra còn những tác phẩm thiên và trữ tình trong thơ và vừa tự sự vừa trữ tình trong tùy bút và bút ký.

    Vậy đề làm tốt, học sinh cần nắm chắc những kiến thức cơ bản ở mỗi tác phẩm văn học như: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng…

    Nắm chắc các thao tác nghị luận về đoạn văn, bài thơ, đoạn trích, tác phẩm văn xuôi. Biết cách xâu chuỗi kiến thức, so sánh, khái quát, tổng hợp về các tác phẩm đã học theo chủ đề, tìm ra điểm giống và khác nhau giữa chúng.

    Đối với thơ, cần chú ý đến hình thức thể hiện (hình ảnh, nhịp điệu, cấu trúc, biện pháp tu từ,…)

    Đối với tác phẩm văn xuôi: Chú ý đến cốt truyện, nhận vật, tình tiết, các dẫn chứng chính xác, tình huống, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của truyện.

    Hình thức trình bày khi làm bài thi Ngữ văn

    Để bài Ngữ văn đạt điểm cao, ngoài việc các em học sinh cần nắm vững kiến thức mà đề yêu cầu một cách toàn diện, sâu sắc và đầy đủ thì thí sinh cần học cách trình bày bài viết thật sạch đẹp, rõ ràng, sáng tạo.

    Chẳng hạn, khi hết đoạn văn, thi sinh nhớ viết đầu dòng lùi vào 3-4 cm. Thêm nữa, thi sinh nên viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch, câu chủ đề đặt ở đầu đoạn để các ‎ý trong bài văn nổi bật, thu hút người chấm.

    Trước khi viết, nên lập dàn ý chung bao gồm các ý chính để triển khai thay vì lập dàn ý chi tiết hay viết nháp mở bài, thân bài, kết bài nhằm tiết kiệm thời gian cho thi sinh.

    Nguyễn Phượng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ky-nang-lam-bai-mon-ngu-van-thpt-quoc-gia-de-dang-dat-duoc-diem-cao-a233316.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan