Những sai lầm đáng tiếc về tiền bạc khi bước sang tuổi 40


Thứ 3, 12/12/2017 | 04:14


Ở tuổi 40 nhiều người luôn cho rằng mình đã đủ chín chắn và đúng đắn trong mọi quyết định. Thế nhưng, sự thật có không ít người bước sang tuổi 40 vẫn có những sai lầm.

Ở tuổi 40 nhiều người luôn cho rằng mình đã đủ chín chắn và có những bước đi vững chãi, đúng đắn trong mọi quyết định. Thế nhưng, sự thật có không ít người bước sang tuổi 40 vẫn có những sai lầm không tưởng, gây hại cho tương lai sau này.

Vay tiền để xây nhà lớn

Gia đình đông thêm hay các con lớn hơn, ngôi nhà ban đầu không còn đáp ứng đủ nhu cầu nữa. Bỗng nhiên, bạn muốn có thêm không gian cho con vui chơi và muốn con lớn lên ở nơi có nhiều bạn bè cùng tuổi. Ý muốn này khiến bạn nghĩ tới việc mua nhà rộng hơn, có vườn to thêm và ở khu vực dân trí cao. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc khoản vay sẽ lớn hơn, tăng chi phí bảo trì và thuế bất động sản.

Theo học sau đại học với những lý do sai lầm

Học thạc sĩ, tiến sĩ có thể sẽ khiến bạn thành công hơn trong sự nghiệp, đó là lý do tích cực để bạn móc hầu bao trả tiền cho việc học tiếp, trong trường hợp không kiếm được học bổng.

Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn rằng việc học tập phải giúp đỡ cho sự nghiệp của bạn. Nếu bạn không biết mình nhắm tới mục tiêu gì sau khi lấy bằng MBA thì việc học là sai lầm. Nếu tấm bằng đó giúp bạn đảm bảo được vị trí mà bạn muốn cho một công việc lâu dài thì đó là lựa chọn hoàn hảo. Nên coi học như một công việc thứ hai, không nên vì đi học mà nghỉ làm, nếu như bạn vẫn có thể đảm nhận cả hai nhiệm vụ một lúc.

Dồn tất cả tiền bạc cho con cái

Ngày nay, nhiều người dồn hết mọi nguồn lực cho con cái: học thêm, đi du lịch, tham gia các cuộc thi, vào trường tư đắt tiền, đi trại hè....

Thật khó để nói không với những thứ con mình mơ ước và bạn thực sự muốn mang đến cho con tất cả không chỉ vì tình yêu với con mà còn bởi áp lực đến từ những phụ huynh khác, hàng xóm, đồng nghiệp...

Đây là thời điểm tốt để đánh giá lại các giá trị tiền bạc của bản thân và dạy con cái về việc tự tạo ra giá trị sống cho trẻ. Với cách đó, cả gia đình sẽ dùng tiền và thời gian vào những thứ thực sự quan trọng với mỗi người thay vì vào những điều mà hàng xóm đang làm.

Không tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu

Đặt con cái lên trên hết là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, sẽ đáng ngại khi vì thế mà cha mẹ quên tiết kiệm cho mình khi về hưu.

Thực tế là con cái bạn có thể mượn tiền để vào đại học nhưng bạn thì lại chẳng thể vay nữa lúc không còn làm việc. Bạn nghĩ rằng mình lo cho con thì con sẽ hỗ trợ mình khi tuổi già mà quên rằng lúc đó trẻ có khi còn bận chăm lo cho con cái của chính mình. Và như vậy đó có thể trở thành một gánh nặng lớn cho con cái trong tương lai. Món quà thực sự dành cho con chính là sự chuẩn bị vừa đủ cho mình khi về hưu và sau đó là tiết kiệm cho con học hành.

Đầu tư quá nhiều vào phương tiện đi lại

Egan nhận xét: Mọi người dễ cảm thấy nhàm chán với những chiếc xe cũ, họ muốn đổi xe và vì vậy họ luôn phải chi tiền cho việc này. Tuy nhiên, cũng như đồ high-tech, xe là một tài sản vô cùng mất giá. Bạn không nên đặt quá nhiều tiền vào một món đồ mà sẽ không còn bao nhiêu giá trị sau một số năm nhất định.

Egan cho rằng thuê, mua xe đã qua sử dụng thực ra cũng không phải là một ý tưởng tồi.

Không chuẩn bị một khoản tiết kiệm lớn phòng trường hợp khẩn cấp

Khoản quỹ 50 triệu khi tuổi 22 có thể đủ khi bạn chỉ có một mình nhưng bây giờ bạn đã có gia đình lớn với rất nhiều vấn đề phát sinh có thể cần chi phí cao. Khi đó khoản dự phòng cũng phải to thêm. Chẳng hạn, khi trẻ, nếu mất việc, bạn có thể lang thang vài tháng, trả nhà thuê để chuyển về ở với bố mẹ. Thử tưởng tượng cảnh bạn mất việc lúc đang phải trả khoản vay mua nhà mỗi tháng và nuôi 3 đứa con tuổi ăn học.

Để không rơi vào cảnh bấn loạn như vậy, hãy luôn duy trì khoản quỹ đủ cho 3-6 tháng sinh hoạt của gia đình và có một khoản thu thụ động hay đầu tư nào đó để có thể rút từ từ trong khoảng thời gian dài.

Dự đoán mình sẽ có nhiều tiền hơn trong tương lai

“Dù lạc quan là rất tốt nhưng quá lạc quan có thể gây nguy hiểm, đặc biệt trong vấn đề tài chính”, chuyên gia quản lý tài chính người Mỹ, ông Michael Egan (làm việc tại Egan, Berger & Weiner, LLC) cảnh báo. Mọi người thường cho rằng đến tuổi 40 họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn đáng kể để bào chữa cho việc bội chi trong hiện tại.

Quy tắc là bạn nên chi tiêu ít hơn khả năng kiếm tiền của mình. Egan nhấn mạnh. Ví dụ nếu không đủ tiền mua xe mới, bạn nên mua xe cũ. Số tiền kiếm được, đầu tiên bạn nên dành một phần để tiết kiệm, sau đó chi tiêu với khoản còn lại. Tiếc rằng, đa số mọi người thường làm ngược lại: Họ nghĩ mình sẽ mua cái này cái kia, và khoản tiền thừa mới để tiết kiệm. “Hãy trả tiền cho tương lai trước và đảm bảo rằng cuộc sống của bạn hiện tại là an toàn”, Egan khuyên.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-sai-lam-dang-tiec-ve-tien-bac-khi-buoc-sang-tuoi-40-a212611.html