Parkson đóng cửa trung tâm thứ 4: Tấn công thị trường ồ ạt, rút lui âm thầm


Thứ 6, 02/03/2018 | 08:06


Cùng sự kiện

Với 4 trung tâm thương mại đóng cửa từ năm 2015 đến nay, Parkson lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam,

Với 4 trung tâm thương mại đóng cửa từ năm 2015 đến nay, Parkson lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam, nơi được chính thương hiệu này đánh giá đầy tiềm năng.

Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, vừa qua, trung tâm thương mại (TTTM) Parkon Lê Đại Hành (quận 11), TP.HCM đã chính thức đóng cửa.

Như vậy, đây là TTTM lớn thứ 4 của thương hiệu này đóng cửa ở Việt Nam, nối gót một loạt TTTM đình đám ngưng hoạt động trước đó; gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) đóng vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016.

Sau khi đóng cửa trung tâm ở Lê Đại Hành, hệ thống Parkson tại TP.HCM còn 4 TTTM gồm Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1), CT Plaza (Tân Bình), Cantavil (quận 2), Hùng Vương (quận 5).

Khó khăn chưa dứt với Parkson khi tập đoàn này tiếp tục báo lỗ cùng hiệu suất hoạt động suy giảm ở Việt Nam. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Ồ ạt tấn công thị trường Việt

Parkson là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB), Công ty đầu tư của Tập đoàn Lion (Malaysia) hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ngày 26/9/2005, đơn vị này đặt chân vào thị trường Việt Nam bằng việc mở trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM. Khai trương Parkson Saigon Tourist Plaza tại quận trung tâm TP.HCM, Parkson từng được đánh giá là “tay chơi” lớn nhất tại Việt Nam trong những năm đầu tiên gia nhập thị trường.

Parkson là thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ với các thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam như Coach, The Body Shop, Christian Dior, Estée Lauder, Shiseido, Gucci, Lacoste, CK Jeans, Esprit... đến các nhãn hiệu lớn trong nước như Vera, Nino Maxx, N&M, An Phuoc…

Suốt 7 năm sau đó, Parkson ồ ạt tấn công thị trường Việt, liên tiếp mở ra các trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2013, tập đoàn này chính thức có 11 trung tâm thương mại bao gồm cả hợp đồng quản lý.

Hiện tổng tài sản của doanh nghiệp này là 258 triệu USD. Trong đó nợ phải trả là gần 190 triệu USD và vốn chủ sở hữu là 68 triệu USD. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Những kinh nghiệm trong gần 3 thập kỷ qua giúp Parkson gây dựng thành công uy tín trong chuỗi cung ứng với mạng lưới nhà cung cấp, kinh nghiệm kinh doanh với các thương hiệu hàng đầu thế giới, "nuốt chửng" dễ dàng các mô hình tương tự ở địa phương, và vươn lên trở thành nhà bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp hàng đầu ở châu Á.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, những con số trong báo cáo tài chính của Parkson đang ngày càng xấu đi. Parkson Việt Nam lại chính là thị trường suy giảm mạnh nhất.

Từ năm 2010, Parkson Việt Nam đã bắt đầu chật vật cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mới, cả nội cả ngoại, cả cùng mô hình lẫn khác mô hình. Đó là sự có mặt của các đại gia bán lẻ ngoại đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Thái Lan như Lotte, Aeon, Robinsons (cùng mô hình Department Store) hay những tên tuổi như Vincom, Crescent Mall với mô hình Shopping Mall (Trung tâm mua sắm) quy mô lớn.

Trước thời điểm đóng cửa Parkson Keangnam ở Hà Nội hồi đầu năm 2015, đại diện Parkson, thời điểm đó là CEO Toh Peng Koon (đã nghỉ hưu) cho biết, Việt Nam là nơi chứng kiến mức suy giảm trầm trọng nhất của Parkson.

"Khoản lỗ chủ yếu là do chi phí từ việc xây dựng các cửa hàng mới. Tuy nhiên, việc đầu tư là cần thiết để xây dựng hệ thống của tập đoàn mạnh mẽ hơn" - ông Toh Peng Koon cho hay.

Khi đó, Parkson vẫn nhận định thị trường Indonesia và Myanmar vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, ngay cả 2 thị trường Indonesia và Myanmar, Parkson đều đang chịu lỗ.

Âm thầm rút lui

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những đối thủ cạnh tranh lớn mạnh, việc phải gánh chi phí mặt bằng đắt để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Không những thế, một số gian hàng bán tại Parkson còn từng nhận không ít phàn nàn về chất lượng hàng hoá. Điều này khiến lượng khách hàng ngày càng sụt giảm, đè nặng lên kết quả kinh doanh của công ty.

"Vận hạn" của Parkson vẫn chưa dứt khi thị trường TP.HCM, vốn được đánh giá khả quan hơn, đã bắt đầu theo chân miền Bắc. Khi rút khỏi Hà Nội (thị trường được đánh giá là kém hiệu quả), Parkson nói đây là bước đi trong nỗ lực tối ưu hóa hiệu suất hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Những khó khăn của Parkson tại thị trường Việt Nam, vốn không phải điều mới. Là một nhà bán lẻ hàng đầu, Parkson mang vào Việt Nam mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị hàng hiệu cao cấp chia theo từng nhãn hàng và hầu hết chỉ cung cấp duy nhất dòng sản phẩm này trong trung tâm thương mại của Parkson.

Theo báo cáo tài chính năm 2017, doanh nghiệp này có doanh thu 745 triệu USD, trong đó phần đến từ mảng kinh doanh chính là 312 triệu USD. Tuy nhiên, Parkson Retail Asia vẫn lỗ ròng 46 triệu USD.

Trong ba năm gần nhất, Parkson Retail Asia đã ghi nhận lỗ hai năm là 2015 và 2017. Năm 2015, doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ 40 triệu USD. Sau năm 2016 khởi sắc hơn khi có lợi nhuận ròng 21,6 triệu USD, Parkson Retail Asia lại quay đầu báo lỗ vào năm 2017.

Cổ phiếu của hãng trên sàn chứng khoán Singapore trong một năm trở lại đây cũng biến động theo chiều hướng giảm giá dần và đang ở mức khoảng 0,07 USD/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đạt 46,73 triệu USD, giảm khoảng 40% trong một năm qua

Hiện tổng tài sản của doanh nghiệp này là 258 triệu USD. Trong đó nợ phải trả là gần 190 triệu USD và vốn chủ sở hữu là 68 triệu USD.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy hiện tại đơn vị này còn vận hành 45 địa điểm tại Malaysia, 17 tại Indonesia, 7 tại Việt Nam và 1 tại Myanmar.

Vũ Đậu (T/h) 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/parkson-dong-cua-trung-tam-thu-4-tan-cong-thi-truong-o-at-rut-lui-am-tham-a220943.html