+Aa-
    Zalo

    Ký ức 30/4: Người đứng giữa... "hai làn đạn"

    ĐS&PL (ĐSPL) - Những năm sau này, nhiều người gọi ông Nguyễn Hữu Thái là “người đứng giữa hai làn đạn”
    (ĐSPL) - Trước khi Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa ngày 30/4/1975, có một người thuộc “Ủy ban nhân dân cách mạng” khu vực Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn bỗng trở thành người dẫn chương trình bất đắc dĩ. Người ấy là ông Nguyễn Hữu Thái. Những năm sau này, nhiều người gọi ông là “người đứng giữa hai làn đạn”
    “Đời sống bình thường đã trở lại thành phố Hồ Chí Minh”
    Gần 2h chiều ngày 30/4/1975 (tính theo giờ Sài Gòn khi đó), trước khi Tướng Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, trên đài phát thanh, đồng bào Sài Gòn được nghe những lời sau đây:
    Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12h, và cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng, và cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Chúng tôi xin mời tất cả đồng bào hãy vui mừng vì ngày chiến thắng vĩ đại của dân tộc chúng ta. Và chúng tôi xin tất cả quý vị trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nên sinh hoạt bình thường. Đặc biệt, các anh em công nhân nhà đèn, nhà nước, xin tới để chiếm lại và sinh hoạt các trụ sở của chúng ta, để chuẩn bị cho ngày 1/5 sắp tới, và đem lại sinh hoạt bình thường cho đồng bào. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi tất cả anh em thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn quy tụ lại những địa điểm mà chúng tôi đã quy định, đặc biệt là Đại học Vạn Hạnh, và Khu đại học thành Cộng hòa cũ để chúng tôi phân phối những công việc cấp thiết cho anh em. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ mong đợi nay đã được giải phóng. Tôi xin giới thiệu ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn đưa ra lời kêu gọi về vấn đề đầu hàng không điều kiện".
    Giữa...
    Ông Nguyễn Hữu Thái (thứ hai từ phải sang) và tấm hình lịch sử trưa ngày 30/4/1975.
    Nhớ lại giây phút này, ông Thái thực sự xúc động. Tại đài phát thanh Sài Gòn khi ấy, vì tình thế cấp thiết, ông phải đứng ra làm phát thanh viên trong buổi phát thanh lịch sử ngay sau thời điểm thống nhất đất nước.
    Trước đó, sáng sớm 30/4, tại Đại học Vạn Hạnh (gần chợ Trương Minh Giảng), cơ sở chuẩn bị nổi dậy của sinh viên Sài Gòn, ông Thái thảo luận với người thân cận Thượng tọa Thích Trí Quang là Nguyễn Trực, rồi chạy vội lên chùa Ấn Quang (đường Sư Vạn Hạnh).
    Lúc gặp Thượng tọa Trí Quang, ông Thái nói: “Tình hình cấp bách quá rồi, xin Thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn, không còn thì giờ đưa giải pháp này nọ nữa đâu…”. Thượng tọa Trí Quang sang phòng bên gọi điện thoại một hồi, rồi cho ông Thái biết đã gặp được Thủ tướng Nội các mới Vũ Văn Mẫu. Ông Mẫu cho hay sẽ nhanh chóng hành động theo hướng đó.
    Giữa...
    Ông Nguyễn Hữu Thái và tấm hình lịch sử mà ông hiện diện trong đó.
    Ông Thái quay về Đại học Vạn Hạnh. Khoảng 9h, ông Thái nghe thấy Tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn ngưng bắn, chờ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đến để bàn giao chính quyền, tránh đổ máu đồng bào vô ích.
    Cắm cờ và kiêm nhiệm phát thanh viên
    Khi vừa nghe Tướng Dương Văn Minh yêu cầu binh lính buông súng, ông Thái cùng lực lượng sinh viên chia làm 2 mũi hướng về Đài phát thanh và Dinh Độc Lập. Ông Thái cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳnh Văn Tòng vào dinh Độc Lập thuyết phục những người quen biết trong chính quyền tướng Minh bàn giao chính quyền cho phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng một cách êm thấm nhất.
    Mọi người đang loay hoay thì từ đại lộ Thống Nhất (đường Lê Duẩn ngày nay) một đoàn xe tăng cắm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng rầm rộ húc đổ cổng sắt, băng qua thảm cỏ, tiến đến thềm dinh. Ông Thái và giáo sư Tòng giúp người bộ đội cầm cờ Giải phóng cắm lên nóc Dinh Độc Lập.
    Nhớ lại giây phút ấy, ông Thái cho rằng, đó là một sự tình cờ lịch sử. Trong ba người lên cắm cờ trên nóc dinh, Bùi Quang Thận là người miền Bắc, ông Thái là người miền Trung, còn giáo sư Tòng là người miền Nam. Ba thanh niên đại diện cho Bắc – Trung – Nam cùng hội tụ ở thời khắc mang tính biểu tượng của lịch sử thống nhất.
    Giữa...
    Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 (Ảnh do ông Thái cung cấp)
    Sau đó, ông Thái tháp tùng xe của Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng các nhà báo Tây Đức Von Boric Gallasch và Hà Huy Đĩnh đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh. Lúc ấy, sinh viên và bộ đội đã làm chủ đài nhưng không vận hành được và cũng không biết phát đi nội dung gì. Kỹ thuật viên đài phát thanh Trần Văn Bảng được mời đến, máy cassette của nhà báo Gallasch được dùng để ghi âm lời đầu hàng của Tướng Minh và tuyên bố chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi văn Tùng, do chính ông Tùng soạn thảo.
    Theo ông Thái, giữa tướng Minh và chính ủy Tùng có lời qua tiếng lại một chút về lời đầu hàng, vì tướng Minh không muốn dùng từ “Tổng thống”. Ông Tùng cho rằng dẫu sao thì tướng Minh cũng là Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nên phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Loay hoay đến gần hai giờ chiều tiếng nói đầu tiên của chính quyền cách mạng trên đài phát thanh Sài Gòn mới được phát đi. Sau lời kêu gọi và giới thiệu của ông Thái, tướng Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện do chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo.
    Sau đó, bộ đội đưa đoàn tướng Minh về lại Dinh Độc Lập. Ông Thái ở lại điều hành buổi phát thanh với sự tham gia sau đó của cả cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát mộc bài “Nối vòng tay lớn” trên đài phát thanh Sài Gòn. Đến 4h chiều, ông Thái giao lại quyền điều hành buổi phát thanh cho ông Hà Thúc Huy để trở về trường Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) nơi đóng quân của Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn gặp ông Mai Chí Thọ. Tối hôm đó, lực lượng sinh viên giao lại đài phát thanh cho ban phát thanh Giải phóng.
    Gian nan cùng thời cuộc
    Ngay buổi chiều ngày 30/4/1975, ông Thái vẫn còn nhớ, người dân Sài Gòn kéo nhau ra đường, hân hoan. Bộ đội và dân gặp gỡ nhau, hỏi thăm nhau rất vui vẻ. Đến bây giờ, sau 39 năm, ông Thái vẫn khẳng định: ngày 30/4 như là ngày đoàn tụ gia đình, Bắc – Nam xum họp. Thực tế ấy khác hẳn với lời tuyên truyền “sẽ có cả triệu người bị tắm máu” trước đó. Mặt khác, do nghe được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn” trên đài phát thanh, nên niềm xúc động, tin tưởng cứ dâng trào trong tâm hồn người dân Sài Gòn.
    Sau 30/4, ông Thái rất muốn đi học tiếp để hoàn thành chương trình đại học ngành kiến trúc. Thế nhưng, vì sự cấp thiết, ông nhận nhiệm vụ về công tác tại Thành Đoàn TP.HCM và hoàn thành chương trình đại học vào năm 1976, sau 18 năm tính từ ngày bắt đầu học đại học năm 1958.
    Trong suốt những năm theo học kiến trúc tại Sài Gòn, ông Thái luôn là người hăng hái xuống đường, đấu tranh… Bị chế độ Sài Gòn bỏ tù cả thảy ba lần, tổng cộng 4 năm tù. Hồi đó, ông Thái kể, ai cũng bị bắt phải đi lính. Nhưng ông hoạt động cách mạng. Bên ngoài ông mang lon thiếu úy quân đội Sài Gòn, được mang theo súng ngắn. Nhưng bên trong ông là người của cách mạng.
    Ông công tác tại Thành Đoàn TP.HCM cho đến năm 1980 thì về Viện Quy hoạch Kiến trúc thành phố. Thời gian này, cùng với những khó khăn về kinh tế, bản thân ông cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Ông tâm sự: đó là số phận của mình, vì mình đã chọn đứng “giữa hai làn đạn”. Nhiều bạn bè trong và ngoài nước, ở cả hai phía của ông cũng nói với ông điều đó. Có người còn bảo, ông hoạt động mạnh, giao thiệp rộng với cả nước ngoài, nên sự nghi ngờ trong thời điểm đó âu cũng là điều dễ hiểu.
    Năm 1995, sau 5 năm đoàn tụ với gia đình và học thêm về kiến trúc tại Canada, ông Thái trở về Việt Nam đem những kiến thức mới của mình về kiến trúc để giảng dạy tại các đại học và làm việc mưu sinh. Biết là còn đó những khó khăn, nhưng ông vẫn trở về, với mong ước đem những điều mình học được cống hiến cho nền kiến trúc của Việt Nam vốn đã rất lạc hậu thời đó.
    Những việc làm của ông thời còn đấu tranh, và nhất là tại thời điểm ngày 30/4/1975 đôi khi cũng được cân nhắc lại. Nhưng mãi cho đến năm 2000, lý lịch hoạt động của ông mới phần nào được sáng tỏ. Lúc ấy, ông bắt đầu được mời đi tham dự những ngày truyền thống của lực lượng tình báo an ninh T4.
    Ông Thái tâm sự, ông cũng có chút buồn lòng, nhưng sự công nhận muộn màng này cũng làm ông được an ủi phần nào. Hiện tại, ông đã cho ra đời hai cuốn sách, một cuốn về ngày 30/4 và một cuốn về quá trình đấu tranh của giới sinh viên, trí thức Sài Gòn cho tới năm 1975, mang tựa đề: Hành trình của một sinh viên Sài Gòn: từ chiến tranh đến hòa bình. Cuốn sách này, ông Thái viết trong suốt 20 năm, và quá trình duyệt sách cũng mất một nửa thời gian ông viết.
    Giữa...
    Kỷ niệm chương này đã chính thức công nhận ông Thái là cán bộ điệp báo an ninh T4.
    Ngày 22/2/2012, Trung tướng Trần Việt Tân, Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an đã ký quyết định số 474/QĐ-B11-B41 trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp tình báo cho “Đồng chí Nguyễn Hữu Thái, Kiến trúc sư, Cán bộ điệp báo, Cụm điệp báo A10 AN T4”. Kỷ niệm chương này, dù được trao sau thời điểm đất nước thống nhất 38 năm, nhưng cũng là sự công nhận chính đáng đối với những người như ông Nguyễn Hữu Thái. Cầm kỷ  niệm chương, ông Thái bảo: nhiều người còn có công lao hơn chúng tôi, nhưng vẫn chưa được công nhận.
    Điều trăn trở lớn nhất của ông Thái hiện nay là giới trẻ. Ông rất muốn tin và hy vọng rằng: giới trẻ Việt Nam sẽ chiến đấu và chiến thắng trong “Điện Biên Phủ kinh tế” hiện nay. Ông nói: thế hệ chúng tôi đã cố gắng đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, để đất nước thống nhất. Giờ chúng tôi già rồi, chỉ tin tưởng và hy vọng lớp trẻ sẽ thành công trong lĩnh vực kinh tế, để đất nước Việt Nam có thể ngẩng cao đầu, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn. Ông cũng đau đáu về hòa hợp hòa giải dân tộc. Ông Thái cho rằng: hòa hợp hòa giải chỉ thực sự có được khi cả hai phía xác định được những điểm chung như: mong muốn cho đất nước độc lập, thống nhất, phồn thịnh; mong cho dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên hùng cường
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-304-nguoi-dung-giua-hai-lan-dan-a31218.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chiến thắng 30/4: Kế hoạch ban đầu

    Chiến thắng 30/4: Kế hoạch ban đầu

    Cựu nhân viên CIA Merle L. Pribbenow phân tích lối đánh sáng tạo thần tốc của quân dân Việt Nam trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.