Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất "đường bay vàng"


Thứ 5, 28/08/2014 | 09:23


Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị được khởi động lại và quyết tâm thực hiện đường hàng không thẳng Hà Nội

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị được khởi động lại và quyết tâm thực hiện đường hàng không thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh qua không phận Lào, Campuchia...

 - Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất 'đường bay vàng'

Bộ GTVT đề nghị cho Vietnam Airlines bay thử nghiệm đường bay thẳng. (Ảnh: Vietjet Air).

Vietnam Airlines sẽ bay thử nghiệm

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan phụ trách về hàng không dân dụng của Lào, Campuchia và Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị các bước để mở đường hàng không thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, về góc độ kỹ thuật, công nghệ dẫn đường hiện nay đã cho phép thực hiện việc mở đường hàng không thẳng mà không phải đầu tư hàng loạt thiết bị dẫn đường trên mặt đất. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay của Lào và Campuchia lập phương án xử lý giải quyết các điểm nút giao cắt với các đường hàng không khác, bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian trước đây, do nhiều nguyên nhân, việc nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh dọc theo kinh tuyến 106 độ Đôngchưa có tính khả thi. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo chấm dứt việc nghiên cứu đề xuất này.

Để có cơ sở báo cáo Chính phủ về đề nghị trên, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các bên liên quan. Được sự tạo điều kiện, thống nhất của các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công an... vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không phối hợp với các cơ quan của Lào, Campuchia cho phép Vietnam Airlines lập kế hoạch bay sử dụng không phận Lào và Campuchia khai thác các tuyến nội địa của Việt Nam (đường bay Nội Bài-Phú Quốc).

Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đàm phán với Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban Nhà nước Hàng không dân dụng Campuchia thống nhất việc mở đường hàng không thẳng và các yếu tố kỹ thuật, tài chính liên quan đến hoạt động bay vận chuyển nội địa qua vùng trời các nước Lào và Campuchia của các hãng hàng không Việt Nam. 

Hai nước bạn đều đã bày tỏ sự ủng hộ đề xuất này và cam kết tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án đồng thời Lào và Campuchia sẽ xem xét tích cực việc giảm phí điều hành bay qua vùng trời đối với các chuyến bay vận chuyển nội địa của các hãng hàng không Việt Nam.

Còn lắm băn khoăn

Trước đó, ý tưởng "đường bay vàng" Bắc-Nam được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra năm 2009 đã bị các chuyên gia hàng không bác bỏ sau nhiều cuộc hội thảo. Năm 2012, ông Trần Đình Bá tiếp tục đề xuất và lại bị bác bỏ.

Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục hàng không nghiên cứu lại đề án đường bay thẳng như đề xuất của ông Trần Đình Bá nhằm rút ngắn chặng bay Bắc-Nam, giúp các hãng hàng không giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu.

Hiện tại, theo tính toán của Cục Hàng không, đường bay nối Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà các hãng sử dụng hàng ngày dài 1.274km. Một chiếc Airbus A320 sẽ mất một tiếng 42 phút, tiêu thụ gần 4,7 tấn nhiên liệu để đi hết đoạn đường trên. 

Nếu bay theo kinh tuyến 106 độ Đông sẽ rút ngắn được 142 km, tương đương con số mà cựu phi công Mai Trọng Tuấn-người đầu tiên có ý tưởng về “đường bay vàng” là 110 km. Song, “phương pháp” Trần Đình Bá lại cho ra con số 412 km, tương đương tiết kiệm 26 phút bay và 1/4 nhiên liệu do không phải bay qua đường gấp khúc nhiều.

Theo đó, hãng hàng không sẽ bay chủ lực trên đường bay thẳng là Vietnam Airlines, chi phí phải trả khi bay qua Lào và Campuchia được tính theo từng chuyến bay và loại máy bay khai thác.

Trên thực tế, phí trả cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho lộ trình Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam là 3,5-4 triệu đồng). Ngược lại, nếu quá cảnh qua Lào và Campuchia, với máy bay Boeing 777 mỗi chuyến sẽ tốn 836 USD (17,7 triệu đồng) và 622 USD (13 triệu đồng) với máy bay Airbus A320.

Để đảm bảo không bị lỗ khi khai thác bay thương mại trên đường bay mới, Vietnam Airlines đề nghị Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đàm phán để Lào và Campuchia giảm giá 50\% cho mỗi chuyến bay. Đề nghị về chi phí này đã được 2 nước láng giềng tiếp nhận nhưng chưa chấp thuận vì phải chờ Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng chưa có con số cụ thể để so sánh hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng. Không thể chỉ kẻ một đường thẳng từ Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh mà phải tính toán mực bay, hành lang bay, điểm tiếp cận…

“Đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh không được coi là đường bay trục của Lào, Campuchia, nên sẽ không được giành mực bay ưu tiên. Cụ thể, đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay trục của Việt Nam, nên mực bay trên 33.000 feet (tương ứng 10.000 km), nếu không được ưu tiên máy bay sẽ phải bay dưới 10.000 km, tốn thêm nhiên liệu và không đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng,” ông Minh nhìn nhận.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, đến nay, chưa ai hình dung được "đường bay vàng" sẽ có độ dài như thế nào vì trên thực tế vẫn có những vùng không thể đi qua và phải bay vòng để tránh cũng như phải đi thêm hàng chục km để vào luồng hạ cánh...

Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm thì cho rằng, kể cả khi phía nước bạn giảm phí quá cảnh thì liệu đã hiệu quả hay chưa vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bởi ngay cả việc tính toán chiều dài của đường bay thẳng còn cho ra đáp án là những con số khác nhau thì cũng cần phải xem xét kỹ.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-y-kien-trai-chieu-xung-quanh-de-xuat-duong-bay-vang-a48489.html