+Aa-
    Zalo

    Sự thật về những kiêng kỵ trong "tháng cô hồn"

    ĐS&PL Dịp rằm tháng 7 còn là một trong ba ngày kiêng kỵ dân gian, gồm mồng 5 tháng Giêng, 14 tháng Bảy và 23 tháng Mười Âm lịch.

    Dịp rằm tháng 7 còn là một trong ba ngày kiêng kỵ dân gian, gồm mồng 5 tháng Giêng, 14 tháng Bảy và 23 tháng Mười Âm lịch.

    Tháng 7 Âm lịch còn được gọi là "tháng cô hồn" hay tháng "mở cửa mả". Dân gian quan niệm, đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt ngày rằm trong tháng này là ngày xá tội vong nhân - ngày Quỷ Môn Quan mở để ma quỷ được tự do về dương thế.

    Ở Việt Nam, thời gian này kéo dài nguyên một tháng. Theo đó, ngoài việc sắm lễ cúng, người ta còn truyền tai nhau rất nhiều điều nên kiêng kỵ trong "tháng cô hồn" này.

    Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Dự án Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

    PV: Gần đây dân mạng truyền tay nhau những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn, xin ông cho biết thực hư chuyện này ra sao?

    Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Quản lý khoa học-Dự án Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

    Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ: Niềm tin tâm linh có ở tất cả các dân tộc trên hành tinh này.

    Nó đậm hay nhạt là tùy thuộc vào tính chất tâm lý, lối nhận thức của từng dân tộc, song chung quy nó xuất phát từ những khát vọng, ước vọng tưởng chừng như khó khăn lắm mới đạt được.

    Niềm tin này cũng xuất phát từ sự bất lực của con người, trước những khắc nghiệt của tự nhiên và xã hội (động đất, núi lửa, gió bão, lũ lụt, thú dữ…), hay từ sự bí ẩn của cái chết và thế giới sau cái chết dù khoa học có hiện đại đến mấy cũng chưa từng giải mã được.

    Như vậy, niềm tin tâm linh gắn liền với sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế và sự thiếu tự tin vào năng lực của bản thân mình.

    Ông bà xưa có “câu có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, ấy là quan niệm của thời kì tri thức xã hội và khoa học kỹ thuật còn kém phát triển.

    Quan điểm ấy bàng bạc trong dân, thể hiện thành những điều cấm kỵ ví như không được đi đêm, không đến những nơi hoang vắng….

    Có người tin, có người không tin hoặc chỉ tin một vài khía cạnh mà thôi.

    Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì một vài sự kiêng kỵ mang tính khoa học, không phải để ứng xử với thế giới siêu nhiên nào đó mà ta chưa biết, chẳng hạn: không thức khuya, không được hù dọa người khác đặc biệt là trẻ con...

    Ở các nước tiên tiến, người ta không bao giờ hù dọa trẻ con trong mọi trường hợp, mà ngược lại phải tìm cách giáo dục lòng gan dạ, dũng cảm ở chúng.

    Thưa ông, vậy nên hiểu thế nào cho đúng về "tháng cô hồn"?

    Dân gian coi tháng 7 là “tháng cô hồn”, tức là tháng của những “vong hồn cô đơn”, là dịp để cúng thí, “chăm lo” cho những linh hồn chưa có nơi thờ cúng.

    Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và Đông Á, ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân. Người xưa tin vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành.

    Vì tin là ngày mở cửa ngục ân xá cho vong linh nên dân gian sắm cỗ cúng các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa vào buổi chiều.

    Ở nhiều nơi nhiều vùng đất trên cả nước, dân gian tùy vào năng lực kinh tế của cộng đồng mình mà dựng miếu cô hồn và chuẩn bị đồ lễ cúng cô hồn rất tươm tất.

    Thời kì trước đổi mới, dân ở ven Quốc lộ 1A ở Tây Nam Bộ làm lễ cúng heo quay quanh trục quốc lộ với mong muốn cầu thoát sanh cho những người chết vì tai nạn giao thông.

    Ngoài ra, thôn xóm làm lễ cúng lớn ở các miếu Cô hồn dựng ngay cạnh chợ nổi – nơi có nhiều người chết vì sông nước, để cầu siêu cho vong linh.

    Các họat động ấy thể hiện triết lý nhân văn cao đẹp của tổ tiên, với mong muốn mọi linh hồn đều được cơ hội siêu thoát và mong muốn những ai từng lầm lỡ đều phục thiện.

    Trong văn hóa Phật giáo, ngày rằm tháng 7 là ngày lễ Vu lan, dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

    Như vậy, rằm tháng 7 là dịp để người còn sống cúng tế, hướng về người đã khuất, với quan niệm mọi vong linh đều được cầu siêu thoát, đều được cúng tế, quan tâm.

    Ở phương Tây, đặc biệt là Bắc Mỹ, họ dành hẳn ngày Halloween để hướng về thế giới sau cái chết. Thế nhưng, cách tiếp cận của họ khác với chúng ta.

    Người dân lựa chọn những con phố nhất định đề trang hoàng theo phong cách “địa ngục” trong suy nghĩ của họ.

    Họ hóa trang cho chính mình và trẻ con một cách kỳ dị. Đêm đến cùng kéo ra đường, khuyến khích trẻ con tiếp cận những con người hóa thân thành ma quỷ kỳ quái nhưng trong giỏ xách tay lại là những thanh sô cô la và những viên kẹo ngọt ngào.

    Người Bắc Mỹ muốn giáo dục trẻ con phải biết gan dạ, dũng cảm đối mặt và sống vô tư, kể cả khi gặp những đối tượng kỳ quái như đêm Halloween.

    Họ muốn trẻ con hiểu rằng, những đối tượng ấy vẫn có thể sống hòa bình với chúng ta, họ vẫn ngọt ngào như những viên kẹo sôcôla vậy.

    Từ xưa đến nay, trong văn hóa tâm linh của hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có những tập tục kiêng kỵ nhằm có được may mắn, tránh vận xui rủi. Tại Việt Nam, chúng ta có cần kiêng kị gì trong "tháng cô hồn" không thưa ông?

    Suy cho cùng, việc giữ một số kiêng kỵ nhằm hướng cuộc sống con người đến sự an lành, sức khỏe và hạnh phúc, dù cho người ta có thần bí hóa hay tâm linh hóa các tập tục kiêng kỵ ấy đến mức nào.

    Chẳng hạn, người Á Đông kiêng kỵ đặt gương soi ở giường ngủ để tránh giật mình khi phải nhìn thấy bóng của mình trong trạng thái không tươm tất, kiêng hù dọa trẻ con vì không muốn làm tổn thương chúng, không xoa đầu trẻ con vì tránh ảnh hưởng đến não bộ.

    Theo tôi, mỗi người Việt Nam tiến bộ đã đủ tự tin để làm chủ vận mệnh của mình, của gia đình mà không cần phải lo sợ về những điều mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học như quan niệm sợ cô hồn quấy phá hay làm tổn hại đến mình.

    Hãy nhớ rằng, rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, là dịp để thể hiện và giáo dục lòng nhân từ, vị tha, và vong nhân, nếu có, cũng hẳn sẽ có thiện chí với chúng ta chứ không làm hại ai cả (trên thực tế đã có ai trình báo là bị vong nhân làm hại đâu!).

    Hãy sống thánh thiện, đức độ, nhân từ và vị tha, chúng ta sẽ sống an lành, hạnh phúc, sẽ chẳng phải lo sợ điều gì cả. Nhà Phật nói, chỉ những kẻ gieo nghiệp báo mới sợ gặp phải luân hồi mà thôi.

    Một số người cho rằng để không bị chọn làm vật tế cùng linh hồn sang thế giới bên kia trong tháng cô hồn, các cô gái cần phải để cho các chàng trai sờ ngực. Ông nghĩ sao về điều này và hệ lụy của thông tin đó?

    Đây là một quan niệm cực đoan, lợi dụng, được một số kẻ xấu (thường là nam giới) đồn thổi với mục đích sàm sỡ, vụ lợi.

    Hãy nhớ rằng, ngày xưa với quan niệm Nho giáo khá nghiêm ngặt, nam nữ thụ thụ bất tương thân, các cô gái hết sức coi trọng công dung ngôn hạnh, giữ gia giáo, vậy liệu có hay chăng chuyện “để nam giới sờ ngực mới không bị cô hồn bắt cóc”?

    Quan niệm xấu này cần chóng được loại bỏ, bởi nếu không nó sẽ lây lan do tác động của mạng xã hội và đến một lúc nào đó sẽ phải đối mặt với quan niệm giật gân hơn thế.

    Trong tháng cô hồn người ta cũng nói nên kiêng nhặt tiền rơi, theo ông, điều này có đúng không?

    Quan niệm “không nhặt tiền rơi” vào tháng cô hồn xuất phát từ quan niệm dân gian cúng tế cầu phúc cho vong linh (cô hồn).

    Do vậy, những thứ đã cúng (tiền âm phủ, tiền thật, bánh trái...) đều thuộc về thế giới bên kia, người ta sợ khi nhặt những thứ ấy sẽ biến mình thành “đối thủ” của họ.

    Theo tôi, chúng ta nên giáo dục công dân không được nhặt tiền rơi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là ngày tháng nào trong năm, bởi việc nhặt tiền rơi có thể là nguồn cội của lòng tham.

    Chúng ta từng giáo dục con em “nhặt được của rơi trả người đánh mất”, thế nhưng hai hành động “nhặt của rơi” và “trả người đánh mất” không phải lúc nào được thể hiện đồng bộ.

    Từ việc “được nhặt của rơi” đến việc táy máy “nhặt” luôn của không rơi rất gần, chẳng hạn chuyện “cầm nhầm” điện thoại di động ở hải quan sân bay, việc “vặt hộ” trái cây nhà hàng xóm...

    Người Nhật kiên quyết dạy con cháu mình “cái gì không thuộc về mình thì không được sờ tới”, họ đã ngăn chặn bất kỳ mầm mống tiêu cực ngay từ thuở ban đầu.

    Theo ông, còn điều gì thế giới đã lãng quên hoặc chưa biết về "tháng cô hồn"?

    Tháng 7, cùng với tháng Giêng và tháng 10 Âm lịch là chuỗi ba khoảng thời gian gắn liền với tín ngưỡng thờ trăng của người Việt Nam nông nghiệp truyền thống.

    Rằm tháng Giêng (tết Nguyên tiêu) là dịp lễ hướng thiên cầu phúc, rằm tháng 7 là lễ địa quan xá tội (vong nhân), trong khi rằm tháng 10 là dịp thủy quan giải ách.

    Ngoài ra, dịp rằm tháng 7 còn là một trong ba ngày kiêng kỵ dân gian, gồm mồng 5 tháng Giêng, 14 tháng Bảy và 23 tháng Mười Âm lịch.

    Do vào những ngày này, có thể sự vận động cùa trái đất và các hành tinh khác (trời, trăng) đã làm cho con người chúng ta trở nên hơi khác thường, trở nên kém thông minh hơn ngày thường, do vậy các quyết định lớn có thể sẽ không chính xác.

    Bởi thế dân gian có câu: "Mồng năm mười bốn hăm ba/ Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn!".

    Xin cảm ơn ông!

    Theo Trí thức trẻ

    Xem thêm video:

    [mecloud]Pl7DzjNrrq[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-ve-nhung-kieng-ky-trong-thang-co-hon-a106606.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.