Tinh giảm biên chế: Cái ghế và trách nhiệm


Thứ 7, 25/04/2015 | 02:00


(ĐSPL) - Bộ Chính trị đã chính thức có Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

(ĐSPL) - Bộ Chính trị đã chính thức có Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ rõ đến năm 2021, tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10\%. Thông tin này vui quá, thực sự là nó mang theo đầy hy vọng. Nhưng thực tình, tôi thấy vẫn nửa mừng nửa lo.

Tin rằng, những công chức giỏi nghề, có trách nhiệm, làm được việc sẽ hoan hỉ lắm. Vì ít nhất, họ cũng sẽ tiến gần hơn tới nấc thang của sự công bằng – cho dù chỉ là tương đối.

Nhưng lo là bởi trong suốt mười năm qua, chúng ta đã có ba lần thực hiện tinh giản biên chế. Vậy mà, kết quả lại ở mức đáng buồn khi bộ máy không những không giảm mà lại ngày càng phình to hơn.

Bộ Chính trị yêu cầu phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10\% biên chế. Ảnh minh họa

Lâu nay, việc tinh giản biên chế còn nhiều trúc trắc cũng một phần vì hầu như khi rà soát, không có bất cứ cơ quan nào lại tự nhận mình thừa biên chế (nếu không muốn nói đến việc tất cả đều viện lý do này khác để xin thêm). Mà thông thường, việc tinh giản phải do chính cơ quan, đơn vị từ dưới đề xuất lên. Hơn nữa, điều quan trọng là chúng ta xác định được chỗ nào cần tinh giản và đối tượng tinh giản. Không loại trừ việc tinh giản nhiều khi lại loại bỏ những người thiếu vây cánh hay đi ngược với nhóm lợi ích nào đó trong guồng quay chung, còn những người có ô, có dù thì vẫn ung dung yên vị cho dù năng lực và cống hiến có hạn.Dễ dàng nhận thấy, trong các cơ quan công quyền hiện nay còn quá nhiều bất cập tồn tại. Nó không chỉ kìm hãm sự phát triển chung mà còn tạo ra tâm lý chán chường, bất mãn, tự ti với những người trong cuộc.

Lâu nay, chúng ta chưa có chế tài thực sự mạnh với người đứng đầu. Nếu cơ quan nào tinh giản không thành công thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và nghiêm túc xử lý, không phải chỉ kiểm điểm qua loa rồi đâu lại vào đấy. Trách nhiệm gắn liền với chiếc ghế ngồi. Nếu không hoàn thành trách nhiệm của mình thì chiếc ghế đó cũng nên nhường lại.

Có lẽ, mấu chốt của tinh giản biên chế đi liền với việc chống tham nhũng. Nếu chúng ta chống tham nhũng thành công nghĩa là bộ máy công quyền đã thanh sạch, gọn gàng.

Hy vọng rằng, với Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, câu chuyện tinh giản biên chế sẽ không chỉ còn là một lời hứa của Bộ trưởng bộ Nội vụ như đã từng nhiều lần đăng đàn trước dư luận. Bởi lời hứa suy cho cùng cũng chỉ là lời nói, mà “lời nói gió bay”. Lời nói phải đi đôi với hành động thì nó mới phát huy được hết những tinh tú tốt đẹp mà nó bao hàm.

Hàng triệu người dân Việt Nam vẫn ngày ngày mơ về một bộ máy công quyền tinh gọn, hiệu quả, sạch, gần dân, không quan liêu, không quan tham, không tham nhũng. Là một người dân, tôi cũng mơ đến một cuộc tinh giản thực sự công bằng, hiệu quả, không làm theo kiểu hô hào “đánh trống bỏ dùi”. Có như vậy, dư luận mới thôi không còn phải nhức nhối nghi ngại nhiều hơn con số 30\% công chức cắp ô như thời gian qua.

Người ta vẫn nói, hy vọng chính là một nghệ thuật sống! Vậy thì không có cớ gì, chúng ta không hy vọng.

PHONG THU

Xem thêm clip: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo làm giả con dấu Nhà nước


 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-giam-bien-che-cai-ghe-va-trach-nhiem-a92256.html