Thương hiệu nổi tiếng nhựa Bình Minh sắp về tay người Thái


Thứ 3, 06/03/2018 | 06:52


Cùng sự kiện

Trong đợt thoái 29,51% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh của SCIC vào ngày 9/3 tới, nhiều khả năng nhà đầu tư Thái Lan The Nawaplastic Industries (Saraburi)

Trong đợt thoái 29,51% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh của SCIC vào ngày 9/3 tới, nhiều khả năng nhà đầu tư Thái Lan The Nawaplastic Industries (Saraburi) sẽ “hốt” trọn lô cổ phần này.

Nhà đầu tư Thái Lan sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Nhựa Bình Minh với tỷ lệ sở hữu lên 49,91% và quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp nhựa chiếm 25% thị phần ống nhựa cả nước.

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chính thức thông báo đăng ký bán toàn bộ hơn 24 triệu cổ phiếu (tương ứng 29,51% vốn của SCIC tại công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh).

Giao dịch thực hiện theo hình thức chào bán cạnh tranh vào ngày 9/3/2018,với giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu.

Thương hiệu nổi tiếng nhựa Bình Minh sắp về tay người Thái

Hiện Nawaplastic Industries đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 20,4% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nhựa Bình Minh. Nếu mua thành công, Nawaplastic Industries sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên 49,91%.

Các nhà phân tích cho rằng, Nhựa Bình Minh chắc chắn sẽ về tay người Thái, bởi mới đây nhà đầu tư này đã rút hoàn toàn khỏi Nhựa Tiền Phong và thu về số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh có địa chỉ tại 240 Hậu Giang, phường 9, quận 6, TP.HCM, vốn điều lệ 81,8 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đã có 40 năm hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nhựa, sản phẩm chủ chốt là nhựa vật liệu xây dựng (ống nhựa PVC, ống nhựa PPR ống nhựa HDPE)…

Hiện Nhựa Bình Minh có 4 nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Hưng Yên với tổng năng lực sản xuất đạt 130.000 tấn/ năm.

Về tình hình kinh doanh, năm 2017 BMP đạt sản lượng tiêu thụ hơn 94.000 tấn, tăng 15% so với 2016. Doanh thu thuần 2017 đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2016. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 2017 của doanh nghiệp lại chỉ đạt hơn 471 tỷ đồng, sụt giảm 24,9% so với năm 2016 (hơn 627 tỷ đồng).

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam nổi tiếng đã rơi vào tay của các doanh nghiệp Thái Lan như: Prime Group, Nguyễn Kim, Tổng công ty Cổ phần Rượu - Bia - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco)... Với dòng vốn mạnh và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, trong thời gian sắp tới thị trường sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt sẽ rơi vào tay của nước ngoài nói chung và người Thái nói riêng.

Kiều Trang (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-hieu-noi-tieng-nhua-binh-minh-sap-ve-tay-nguoi-thai-a221586.html