Tiếng thở dài của sân khấu kịch


Chủ nhật, 29/10/2017 | 07:24


Mấy năm trở lại đây, sự bùng nổ của các gameshow, phim truyền hình làm khán giả thờ ơ với sân khấu kịch.

Mấy năm trở lại đây, sự bùng nổ của các gameshow, phim truyền hình làm khán giả thờ ơ với sân khấu kịch, thậm chí nhiều nghệ sĩ đã dùng từ “thoi thóp” để nói về sức sống của các vở diễn ở nhà hát của mình.

Tính đến cảnh... “con lai”

Đạo diễn Bùi Như Lai – Trưởng đoàn Kịch 1, nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Khán giả hiện nay rất kén sân khấu kịch, người ta sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua vé xem ca nhạc, hay ngồi ở nhà xem gameshow nhưng ít người lựa chọn đến nhà hát để xem kịch. Đây cũng là trăn trở của những người làm nghệ thuật như chúng tôi. Vì thế, sân khấu kịch cần có sự đổi mới thật sự thì mới có người xem. Ai cũng biết, bây giờ, khán giả có quá nhiều mối quan tâm như: Mạng xã hội, gameshow, phim truyền hình... Vì vậy, chúng tôi cũng “đau đầu” để tìm hướng đi mới cho sân khấu kịch”.

Theo đạo diễn Bùi Như Lai, để mang màu sắc mới cho kịch, mới đây, nhà hát Tuổi trẻ đã kết hợp với đạo diễn Vũ Minh - gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch Idecaf - TP.HCM dàn dựng vở Tôi đẹp, tôi có quyền. Đây là một sự kết hợp thú vị giữa một đạo diễn phía Nam với các diễn viên phía Bắc.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, diễn viên Thu Trang cho biết: “Việc kết hợp giữa hai miền Nam – Bắc là một nét mới của sân khấu kịch. Trong Nam, các diễn viên thường có kiểu diễn đối đáp, đối thoại quay mặt vào nhau, còn ở miền Bắc thì diễn viên thường quay mặt xuống khán giả, vì sợ khán giả không nhìn thấy mặt diễn viên. Khi hướng dẫn diễn viên tập vở cho chúng tôi, đạo diễn Vũ Minh đã sửa cho chúng tôi thói quen ấy. Có lẽ, thay đổi từ những điều nhỏ nhất như thế, chúng tôi sẽ tiếp cận khán giả dễ dàng hơn”.

Vở kịch Tôi đẹp, tôi có quyền là sự kết hợp giữa đạo diễn miền Nam và diễn viên miền Bắc.

Khi được hỏi về tình hình sân khấu kịch hiện nay, ông Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam cho PV báo ĐS&PL biết: “Khán giả hiện nay không còn mặn mà đi xem kịch nên các nhà hát phải tự đổi mới mình nếu không sẽ bị thụt lùi. Những tác phẩm “con lai” với các nhà hát kịch các miền, hay đạo diễn nước ngoài mang một “hơi thở” mới cho tác phẩm kịch.

“Giờ vàng” của diễn kịch là từ 8h - 10h tối, nhưng khung giờ đó, khán giả bị chi phối bởi các gameshow trên VTV hay phim truyền hình. Vì vậy, không chỉ diễn viên mà cả nhà hát cũng phải vận động nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau”.

NSND Hoàng Dũng – nguyên Giám đốc nhà hát kịch Hà Nội cho biết: “Trong thời đại hiện nay, việc cạnh tranh giữa sân khấu và truyền hình là rất khốc liệt. Thậm chí, có thời gian các diễn viên kịch nói đã “khủng hoảng” vì thấy sân khấu kịch vắng khán giả. Chúng tôi vẫn động viên diễn viên phải nỗ lực, bằng cách diễn tốt hơn, với những kịch bản hay, có bản sắc. Bởi, vẫn có những khán giả lớn tuổi trung thành với sân khấu kịch, chỉ còn có khán giả xem thì chúng tôi vẫn nỗ lực sáng tạo nghệ thuật”.

Ông Nguyễn Thế Vinh nói thêm, nhà hát kịch Việt Nam cũng đã bắt tay với đạo diễn người Singapore - Chua Soo Pong dựng vở Hồng lâu mộng, dựa theo tác phẩm văn học nổi tiếng của tác giả Tào Tuyết Cần. Vở kịch kể lại câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc.

Nhưng, theo ông Vinh, cái mới nhất ở vở kịch “con lai” này là đạo diễn sẽ kể một câu chuyện tình yêu hoàn toàn khác với mô – típ cũ. Đó là một câu chuyện tình của phương Đông với những nút thắt đầy kịch tính và nhân văn.

Bắt tay với doanh nghiệp để làm xã hội hóa?

NSƯT Trịnh Kim Chi – người đứng đầu sân khấu Trịnh Kim Chi bày tỏ: “Hồi xưa, một vở diễn có thể tồn tại được cả chục năm, diễn đi diễn lại vẫn thu hút khán giả đến rạp, nhưng giờ đây chỉ tồn tại trên dưới khoảng 1 năm, may mắn thì được 2 - 3 năm”.

Nghệ sĩ Kim Chi tâm sự: “Thực ra, kịch nói hiện nay phát triển theo mùa. Nếu vào mùa mưa, tôi còn phải bỏ tiền túi bù lỗ. Qua mùa mưa thì mới bắt đầu lấy lại được chút kinh phí dựng vở. Còn bình thường, trong một đêm diễn chỉ cần đủ tiền trả cát- xê cho diễn viên là vui lắm rồi. Để có chút lời hay dư ra thì rất khó! Có thể nói, các sân khấu kịch hiện tại vẫn đang trong tình trạng “ngoi ngóp”, cố xoay xở nhưng khó khăn vẫn chồng khó khăn. Sân khấu kịch hiện tại đang đứng trước câu hỏi: “Tồn tại hay không tồn tại” và nếu hoạt động tiếp, thì phải làm thế nào?”.

NSƯT Trịnh Kim Chi (bên trái) – Giám đốc sân khấu kịch Trịnh Kim Chi trong một vở diễn.

“Bà bầu” Trịnh Kim Chi chia sẻ thêm, chị đến với sân khấu kịch nói bằng đam mê, vì muốn được thỏa sức sáng tạo của mình với công việc này, nên dù khó khăn đến mấy vẫn không thể khiến chị nản lòng.

“Đến bây giờ, dù kịch nói đang trong tình trạng khó khăn nhưng đam mê, nhiệt huyết vẫn “cháy” trong tôi. Thế nên, bản thân tôi chưa hề có suy nghĩ rằng sẽ bỏ hay dẹp sân khấu để theo đuổi một lĩnh vực mới. Thực ra, những công việc bên lề cũng đang hỗ trợ rất vững cho sân khấu kịch của tôi. Tuy nhiên, cũng có những “ông bầu”, “bà bầu” khác họ lại lâm vào tình cảnh khó khăn hơn vì không biết lấy chỗ nào để bù lỗ và tồn tại được với sân khấu” – nghệ sĩ Trịnh Kim Chi trải lòng.

NSƯT Chí Trung - Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho rằng: “Người đứng đầu lãnh đạo sân khấu kịch như tôi cũng rất đau đầu tìm mọi cách đổi mới để kéo khán giả đến rạp. Nhiều khi, chúng tôi thấy “thở dài” bất lực trước “cơn bão” của phim truyền hình, gameshow. Nếu không vận động, chúng tôi sẽ bị “chết” tại chỗ”.

Bên cạnh sự kết hợp giữa các nhà hát, các miền hay đạo diễn nước ngoài, thì các nhà hát hiện nay còn bắt tay với các doanh nghiệp trong guồng quay xã hội hóa. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với những nhà hát dựng vở, phía nhà hát có một khoản tiền kha khá để làm vở, còn doanh nghiệp được tăng độ nhận diện cho thương hiệu với đông đảo công chúng.

Tuy nhiên, NSƯT Chí Trung cũng tâm sự, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho các đêm nhạc, gameshow nhưng lại do dự khi tài trợ cho các vở kịch hàn lâm. Bởi, khán giả đến nhà hát không nhiều, nếu có nhãn hàng thì việc quảng cáo thương hiệu không nhiều người biết.

“Mấy năm trở lại đây, nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với một số doanh nghiệp để có thêm vở diễn. Tuy nhiên, sự kết hợp này cũng là do lãnh đạo “tự thân vận động” kêu gọi các doanh nghiệp thân thiết tài trợ. Nhưng, sự tài trợ này chỉ theo đợt và từng vở diễn, vì thế cả diễn viên và lãnh đạo nhà hát vẫn phải cố gắng gấp 4-5 lần để có thể kéo được khán giả đến xem kịch nói” – NSƯT Chí Trung thẳng thắn.

NSND Trung Hiếu – Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội cho hay: “Các nhà hát hiện nay thực hiện cơ chế tự chủ chứ không còn chờ bao cấp ngân sách như ngày xưa nữa, vì thế, lãnh đạo các nhà hát phải đau đầu để mang việc và thu nhập về cho anh em. Chúng tôi là những nghệ sĩ có tự trọng, vì thế, việc đi xin tiền tài trợ cũng phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng, nếu có doanh nghiệp kết hợp làm kịch thì sẽ có thêm chi phí đầu tư cho vở kịch của mình”.

Lạc Thành - Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 129

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-tho-dai-cua-san-khau-kich-a207042.html