2.290 kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời theo quy trình


Thứ 2, 20/05/2019 | 12:16


Cùng sự kiện

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIVTrưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã đọc báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong số trên, có 57 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,49%); 2.174 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 94,81%); 56 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 2,44%); sáu kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,26%).

Đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định, đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển.

Nhìn chung, cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng có hiệu quả rất cao, qua tiếp xúc cử tri các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp lắng nghe và trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, giải đáp được nhiều phản ánh, kiến nghị cử tri nêu..., tạo niềm tin tưởng trong cử tri và Nhân dân cả nước.

Trong công tác xây dựng pháp luật, cử tri cho rằng nội dung của các báo cáo thẩm tra, ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn, trí tuệ, vừa mang tính phản biện vừa mang tính xây dựng cao.

Cử tri cũng đánh giá cao hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội, công tác điều hành kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, hiệu quả, nhiều hoạt động đổi mới của Quốc hội trong thời gian gần đây, có tính lan tỏa mạnh tới hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đặc biệt, để đảm bảo tính kịp thời trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, đáp ứng mong muốn của cử tri, trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp, những vấn đề mới, “nóng” được dư luận và cử tri cả nước quan tâm như vấn đề xâm hại tình dục trẻ em; vấn đề tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia; vấn đề xử lý sai phạm trong gian lận thi cử; vấn đề sụt lún, sạt lở dọc bờ sông, bờ biển tại một số địa phương; vấn đề ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý nước mắm; vấn đề khiếu nại, tố cáo đông người do mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư, ... các cơ quan của Quốc hội đã chủ động xem xét tổ chức nhiều cuộc làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia; tổ chức khảo sát, giám sát thực tế để nắm bắt tình hình cụ thể, đồng thời tổ chức một số phiên giải trình về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý Nhà nước, từ đó kiến nghị với các Bộ, ngành một số giải pháp để tháo gỡ những vấn đề bức xúc mà dư luận cử tri nêu.

Nỗ lực tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của cử tri

Nhìn chung, cử tri cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực trong công tác điều hành, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Nhiều bộ, ngành đã thực hiện tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng trong phục vụ nhân dân.

Đến nay, 2.172/2.174 kiến nghị gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã được xem xét, giải quyết, trả lời (chiếm 99,90%). Các kiến nghị về nhiều vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc làm và an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng, sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... đã được các bộ, ngành giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri.

Qua quá trình xem xét, có 191 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết xong (chiếm 8,79%). Tiếp thu kiến nghị của cử tri, có 29 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung; Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực, một số hiện tượng tiêu cực diễn ra trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực trong giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, tuy nhiên có nhiều vấn đề mà cử tri nêu chưa thể giải quyết được ngay trong một thời gian ngắn (giữa hai kỳ họp) mà cần thời gian để tổng kết, đánh giá thực tiễn hoặc cần có nguồn lực để tổ chức thực hiện, do vậy đến nay vẫn còn 272 kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6 chưa được giải quyết nhưng đã được các bộ, ngành tiếp thu xây dựng lộ trình để giải quyết (có 205/272 kiến nghị có lộ trình).

Các kiến nghị này có nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật, như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh ưu đãi người có công và sửa đổi 96 văn bản quy phạm pháp luật (có danh mục tại Phụ lục 3) hoặc cần kinh phí để giải quyết, như nâng cấp, xây dựng một số tuyến quốc lộ; đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ chính sách đối với người có công...

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết, trả lời đối với 56/56 kiến nghị của cử tri các địa phương (đạt 100%).

Nội dung các kiến nghị liên quan đến việc đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự năm 2015... về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân các cấp; về quản lý và thu hồi tài sản nhà nước trong và sau khi xét xử đối với vụ án kinh tế; về tăng biên chế thẩm phán cho Tòa án nhân dân tỉnh.

Qua việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân nguyện đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành kết hợp với nhận xét, đánh giá của 63/63 Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy về cơ bản các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.

Ngoài ra, việc trả lời các vấn đề mà cử tri nêu, một số bộ, ngành còn thông tin cho cử tri thêm về các quy định của pháp luật có liên quan khác cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký.

Một số kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 phản ánh về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương như: một số công trình hạ tầng xuống cấp cần sửa chữa nhỏ; một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật cần sửa đổi, bổ sung; hay kiến nghị thanh tra kiểm tra, xử lý ngay một số vi phạm,... đã được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quan tâm giải quyết nhanh chóng, nên cử tri và các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Còn nhiều bất cập trong trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri của một số Đoàn đại biểu Quốc hội.

Nhiều kiến nghị cử tri mặc dù đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội, hoặc đã được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục gửi tới các bộ, ngành giải đáp, hướng dẫn; có Đoàn đại biểu Quốc hội còn tập hợp cả những kiến nghị cử tri yêu cầu sửa đổi văn bản đã hết hiệu lực thi hành; kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết nhưng vẫn tổng hợp, chuyển đến cơ quan Trung ương giải quyết.

Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng do số lượng kiến nghị tập hợp lớn, thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc tổng hợp, phân loại kiến nghị đôi khi còn thiếu chính xác.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, ý kiến cử tri cho rằng, chất lượng trả lời một số kiến nghị cử tri còn bất cập; một số quyền lợi của người dân đã được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa được thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện nên người dân chưa được thụ hưởng.

Việc tiếp thu kiến nghị cử tri sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp thực tiễn, còn chậm dẫn đến một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng (quá nặng hoặc quá nhẹ gây bức xúc).

Một số kiến nghị cử tri mặc dù đã được các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp để thực hiện, tuy nhiên còn chưa hiệu quả, chuyển biến chậm nên cử tri bức xúc tiếp tục có kiến nghị. Kết quả giải quyết một số tồn tại, hạn chế đã nêu tại báo cáo các kỳ trước còn bất cập.

Để góp phần hạn chế những tồn tại, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, đảm bảo phản ánh đúng, trúng và rõ các vấn đề mà cử tri quan tâm; tăng cường giải đáp, thông tin cho cử tri đối với các vấn đề đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, các vấn đề đã được các bộ, ngành giải đáp, trả lời tại nhiều kỳ họp ngay tại các buổi tiếp xúc cử tri, khắc phục tình trạng các kiến nghị đã được giải quyết, đang tổ chức thực hiện hoặc đã được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục chuyển đến cơ quan Trung ương yêu cầu trả lời, giải quyết.

Ngoài các hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giám sát của các cơ quan Quốc hội và các hoạt động chất vấn theo chương trình kế hoạch, cần tăng cường tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đối với những vấn đề mới, vấn đề “nóng” được cử tri và xã hội quan tâm.

Cử tri mong muốn Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề mới đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ người dân tra cứu thông tin trên môi trường mạng đối với các quy định pháp luật về chế độ, chính sách, các quy định mới của pháp luật trong kinh doanh, sản xuất mang tính chất chuyên môn, chuyên ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình, kết quả giải quyết kiến nghị để cử tri biết, hạn chế nêu kiến nghị lặp lại... qua đó giảm dần số kiến nghị, yêu cầu cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể giải quyết các tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực./.

Nguồn: TTXVN/VietnamPlus

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/2290-kien-nghi-cua-cu-tri-duoc-giai-quyet-tra-loi-theo-quy-trinh-a276230.html