74 cây xanh có thể bị chặt để xây nhà ga metro TPHCM


Thứ 6, 14/08/2015 | 02:37


(ĐSPL)- Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc đốn hạ, di dời các cây xanh hiện hữu để xây dựng nhà ga Bến Thành-Suối Tiên.

(ĐSPL)- Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (Ban Quản lý) vừa có văn bản gửi UBND TP về việc đốn hạ, di dời các cây xanh hiện hữu phục vụ thi công gói thầu số 1a thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành –  Suối Tiên.

Theo Dân trí, nhà ga Bến Thành và đường hầm nối với nhà ga Nhà hát Thành phố được thi công theo phương pháp đào hở và lấp lại nên buộc phải đốn hạ, di dời 74 cây xanh tại công viên 23/9, đường Lê Lợi và vỉa hè vòng xoay Quách Thị Trang.

Nhiều cây xanh sẽ bị đốn hạ để xây dựng đoạn ngầm tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Theo đó, có 74 cây gồm Sao đen, Lim sét, Bằng lăng, Dầu,… trong công viên 23/9 (khu vực gần giao lộ Phạm Ngũ Lão – Trần Hưng Đạo), trên dải phân cách bên trái của đường Lê Lợi và vỉa hè vòng xoay Quách Thị Trang sẽ bị đốn hạ, di dời. Trong đó, có cây dầu cổ thụ cao đến gần 17 m và đường kính hơn nửa mét.

Theo Ban Quản lý, gói thầu 1a bao gồm các hạng mục thi công nhà ga Bến Thành và đường hầm chạy tàu nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố (đi bên dưới đường Lê Lợi), là gói thầu xây lắp cuối cùng thuộc dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Gói thầu số 1a sẽ được thi công toàn bộ theo phương pháp đào hở và lấp lại với trình tự thi công kết cấu chịu lực từ dưới lên trên. Do đó, trong quá trình thi công, ngoài việc phải đốn hạ, di dời một số cây xanh thì các đơn vị thi công buộc phải di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu để thi công hạng mục ngầm ở độ sâu 30 m.

Riêng đối với các cây xanh trên vỉa hè đường Lê Lợi, Ban Quản lý sẽ nghiên cứu, bố trí hàng rào công trường hợp lý nhất để đảm bảo toàn hiện trạng hàng cây này. Đồng thời, sau khi kết thúc xây dựng, các đơn vị liên quan sẽ khôi phục lại mảng xanh trên dải phân cách đường Lê  Lợi cho phù hợp theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu vực này.

Thiết kế kỹ thuật gói thầu 1a xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã được UBND TP phê duyệt vào tháng 7/2015. Dự kiến, công tác thi công sẽ bắt đầu từ năm 2016 nên việc đốn hạ, di dời cây xanh và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi thi công phải được hoàn thành trong năm 2015.

Khu trung tâm TP.HCM có 3 nhà ga metro

Thông tin trước đó từ Tuổi trẻ, khu trung tâm TP.HCM có 3 nhà ga metro trong đó, tuyến metro trên cao (đi trên mặt đất) từ nhà ga Ba Son đến Suối Tiên dài 17,1 km bố trí 11 nhà ga trên cao. Riêng đoạn metro đi ngầm dài 2,6 km được bố trí ba nhà ga ngầm là nhà ga trung tâm Bến Thành (từ công viên 23/9 đến chợ Bến Thành), nhà ga Nhà hát TP và nhà ga Ba Son (khu Nhà máy Ba Son hiện hữu)

Khoảng cách giữa hai nhà ga Bến Thành và nhà ga Nhà hát TP dài khoảng 800 m. Đây là khoảng cách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho hành khách từ nhà hoặc từ trụ sở cơ quan, doanh nghiệp đến nhà ga đi metro.

Trong đó, nhà ga Bến Thành là nhà ga trung tâm TP, được thiết kế kết nối các tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, quận 12), tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân, quận 12 - Nguyễn Văn Linh và dự kiến kéo dài đến khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè).

Sở dĩ bố trí tuyến metro đi ngầm 2,6 km với ba nhà ga ngầm trong lòng đất là do đoạn đường này nằm trong khu vực trung tâm TP, việc đi ngầm không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, môi trường, dù chi phí xây dựng nhà ga ngầm khá cao so với xây dựng trên mặt đất.

Trung tâm này còn kiểm soát các thiết bị phòng hỏa hoạn và hướng dẫn thoát hiểm. Các biện pháp phòng chống hỏa hoạn được áp dụng tại đây gồm: lắp đặt các thiết bị báo cháy tự động trong nhà ga và trung tâm kiểm soát thảm họa, lắp đặt thiết bị hút khói.

Về chống ngập nước ở nhà ga ngầm: do nước mưa trên vỉa hè không thoát kịp tràn vào cửa ga, trong tình huống này thì hệ thống cửa ngăn được bố trí sẵn ở cửa ga sẽ được dựng lên, đảm bảo nước không thể tràn vào. Các cửa ngăn nước này được cấu tạo từ các tấm rời có thể lắp ghép dễ dàng.

Đồng thời, trong đường hầm tuyến metro và nhà ga ngầm đều lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại xử lý nước ngầm hoặc nước tràn vào nhà ga nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi metro trong nhà ga ngầm.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]PFWlARPSLW[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/74-cay-xanh-co-the-bi-chat-de-xay-nha-ga-metro-tphcm-a106197.html