Bàn tay tím tái của những người làm nghề khuân đá lạnh trong thời tiết rét buốt


Thứ 3, 12/01/2021 | 11:44


Cùng sự kiện

Tại các xưởng sản xuất đá cây, chợ hải sản, nhiều người lao động vẫn phải gồng mình tiếp xúc với đá, nước lạnh từ sáng tới tối.

Những ngày này, người dân thủ đô khi ra đường luôn phải “ủ kín” để chống chọi với thời tiết rét buốt. Dù vậy, tại các xưởng sản xuất đá cây, chợ hải sản, nhiều người lao động vẫn phải gồng mình tiếp xúc với đá, nước lạnh từ sáng tới tối.

Có mặt tại cơ sở sản xuất đá lạnh tại xã Hoàng Long (Phú Xuyên, Hà Nội), PV Đời sống & Pháp luật chứng kiến anh Lê Ngọc Quyền (40 tuổi, chủ xưởng) đang một mình bê các phiến đá lạnh vào vị trí, rồi dùng chăn phủ lên nhằm bảo quản cho đá không tan. Cứ khoảng 10 phút làm việc, anh Quyền lại phải dừng lại để chà sát đôi bàn tay đã tê cứng vì hơi lạnh.

“Mùa lạnh thế này thì xưởng sản xuất cầm chừng do nhu cầu sử dụng đá giảm mạnh. Để di chuyển đá buộc phải dùng tay trần bởi đeo găng tay cao su rất dính, còn găng len thì bị thấm nước”, anh giải thích. Trong những ngày rét buốt, anh Quyền cho biết nhiều lúc đứng bên ngoài trời còn có cảm giác "nóng người” hơn là ngồi trong xưởng. Quả thực, chỉ đứng yên một lúc cũng có thể cảm nhận rõ từng luồng hơi lạnh bốc lên từ các phiến đá có trọng lượng lên tới 50kg.

Anh Quyền dùng tay trần để bê đá. 

Cứ khoảng 10 phút làm việc, anh Quyền lại phải dừng lại để chà sát đôi bàn tay đã tê cứng vì hơi lạnh.

Tại một cửa hàng hải sản ở chợ Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), theo quan sát, hầu hết những người lao động đều dùng tay trần để tiếp xúc với đá và nước lạnh. Mới chỉ xuống Hà Nội được vài ngày, anh Hạng A Lanh (18 tuổi, quê Điện Biên) vẫn chưa thực sự làm quen với công việc. Hàng ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, anh Lanh có nhiệm vụ vác đá lạnh, sau đó lại dùng dụng cụ xúc đá đã xay nhuyễn vào các kho hải sản.

“Cách chống lạnh duy nhất là di chuyển, hoạt động chân tay liên tục. Dù lạnh nhưng vẫn phải cố gắng vì đó là công việc kiếm tiền”, anh Lanh chia sẻ.

Anh Lanh cúi gập người, gồng mình khuân các tảng đá lạnh có kích thước lớn.

Đôi bàn tay anh Lanh tím tái, tê cứng sau khi liên tục tiếp xúc với đá lạnh.

“Đồng nghiệp” của anh Lanh là anh Quy, cho biết công việc tuy vất vả khi thời tiết rét buốt nhưng cũng mang lại thu nhập khoảng 200.000 đến 300.000/ngày, đủ để trang trải cuộc sống: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 nên có việc là tốt rồi, lạnh chút cũng không sao”, anh Quy nói.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Nhung (43 tuổi, làm nghề bán cá) đang miệt mài dùng dao để chia nhỏ tảng đá lớn nhằm thuận tiện cho việc di chuyển, Theo chị, vào mùa lạnh, lượng đá nhập về giảm từ 400 cây xuống chỉ còn hơn 100 cây.

Để thuận tiện cho việc di chuyển, những phiến đá lớn được chặt nhỏ.

“Mặc kín người để giảm bớt giá lạnh nhưng vẫn cảm thấy buốt lắm. Mỗi khi làm việc, tôi phải trang bị cho mình tất chân và ủng cổ cao để không bị thấm nước" - chị Nhung cho biết. Theo chị, hơi lạnh bốc lên rất dễ khiến người tiếp xúc bị cảm, lâu dần ảnh hưởng tới hệ hô hấp và xương khớp.

Đối với những người lao động làm nghề vận chuyển hải sản, trời rét cũng khiến công việc của họ trở nên vất vả hơn. Để giữ ấm, họ mặc áo mưa và cố gắng làm việc thật nhanh rồi tranh thủ sưởi lửa, làm nóng đôi bàn tay tím tái, tê cứng vì lạnh.

Hiếu Nguyễn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-tay-tim-tai-cua-nhung-nguoi-lam-nghe-khuan-da-lanh-trong-thoi-tiet-ret-buot-a352449.html