Buổi phỏng vấn đầu tiên…


Thứ 6, 26/02/2021 | 08:18


Cùng sự kiện

5 năm làm báo cũng là từng ấy khoảng thời gian bản thân tôi được gắn bó với Báo Đời sống & Pháp luật, nay chuyển thành tạp chí.

5 năm làm báo cũng là từng ấy khoảng thời gian bản thân tôi được gắn bó với Báo Đời sống & Pháp luật, nay chuyển thành tạp chí.

Hà Nội vào đông, những cơn gió se lạnh bất chợt lướt qua và cái nắng vàng lãng đãng dễ khiến người ta lạc vào nốt trầm bất chợt xuất hiện trong khuông nhạc vội vã của cuộc sống. Giữa bầu không khí làm con người hoài niệm, thời gian bỗng như trôi chậm hơn và cuốn băng kí ức của mỗi người dần tua ngược để nhớ về những sự kiện, cảm xúc đã trải qua. Mỗi người khi lạc vào nốt trầm ấy lại tự chọn cho mình một miền hồi ức riêng, có thể là mối tình đầu ngây ngô hay những khúc gồ ghề trên con đường đời của mỗi người. Tôi cũng từng như vậy nhưng hôm nay sẽ khác đi bởi tôi lại chọn cho mình về miền thời gian thanh xuân, cũng là thời khắc tôi bén duyên với nghề báo.

5 năm làm báo cũng là từng ấy khoảng thời gian bản thân tôi được gắn bó với Báo Đời sống & Pháp luật, nay chuyển thành tạp chí. Trải qua 5 mùa đông, dù chỉ là một nửa của thập kỷ nhưng cũng là khoảng thời gian quan trọng để bản thân tôi được trưởng thành, phát triển và hòa mình vào cỗ máy vận hành của tòa soạn.

5 năm làm báo cũng là từng ấy khoảng thời gian bản thân tôi được gắn bó với Báo Đời sống & Pháp luật, nay chuyển thành tạp chí.

5 năm trôi qua, những buổi tác nghiệp, các cuộc phỏng vấn để theo kịp dòng thời sự từ lúc bắt đầu học nghề đến giờ có lẽ chính bản thân tôi cũng không nhớ hết được. Tuy nhiên, trong những ký ức thanh xuân lộn xộn của mình, có lẽ buổi phỏng vấn đầu tiên mãi là ấn tượng mà tôi không thể nào quên, vì đó cũng là ngày tôi được nhận vào tòa soạn.

Hồi hộp

Có người sẽ thắc mắc, tại sao một năm có đến 4 mùa mà bản thân tôi lại lấy mùa đông làm mốc thời gian đánh dấu những năm tháng được gắn bó với tờ báo này. Đơn giản thôi, vì ngày tôi được nhận vào tòa soạn cũng là một ngày đông đặc trưng của Hà Nội, với làn sương lãng đãng khi đi qua sông Hồng và những cơn gió lạnh táp vào mặt.

Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc trong sáng ngày đông ấy. Suốt quãng đường 25km đến tòa soạn, tim tôi đập nhanh hơn mọi ngày vì rất hồi hộp. Hồi hộp vì một sinh viên mới ra trường như tôi được làm việc trong một tòa soạn rất lớn, chuyên nghiệp và đầy cạnh tranh vì đội ngũ phóng viên hùng hậu. Hồi hộp vì bản thân sẽ phải làm quen với tập thể mới,  phải bắt nhịp với công việc và quan trọng nhất là sẽ được học, được làm công việc mà tôi yêu thích.

Ngay ngày đầu tiên, sau phần chào hỏi làm quen với mọi người, tôi đã được anh trưởng ban phóng viên lúc ấy giao thực hiện cuộc phỏng vấn TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), theo đề tài sinh con thứ 3 phải “tự nguyện” nộp tiền ở Nghệ An. Một cuộc phỏng vấn nghe chừng rất đơn giản nhưng với một người vừa tập tễnh bước chân ra khỏi giảng đường vừa không học về báo chí, lại chỉ quen ngồi tổng hợp tin, bài để làm quen với nghề báo thì thực sự là khá khó khăn và hồi hộp.

Quá khứ và hiện tại của tôi gắn liền với nơi đây và tương lai chắc tôi còn trải qua nhiều mùa đông ở nơi đây nữa.

Tôi hồi hộp từ cuộc điện thoại đầu tiên liên hệ với nhân vật để được gặp phỏng vấn cho đến khi kết thúc buổi trò chuyện. Rồi đến khi viết bài và gửi cho trưởng ban để chờ duyệt thì cảm xúc hồi hộp, xen lẫn lo lắng vẫn còn còn nguyên. 

Trong ký ức của tôi, ngay sau khi liên hệ và nhận được sự đồng ý của nhân vật có cuộc gặp vào buổi chiều cùng ngày, tôi đã rất vui mừng. Ngay sau đó, tôi vẫn nhớ đã dành cả buổi sáng hôm ấy để đọc những thông tin mà những anh, chị trong Ban tìm hiểu và đăng trong những bài viết trước để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Suốt cả quãng đường đi từ tòa soạn lên đường Hùng Vương- nơi nhân vật hẹn gặp, cảm xúc hồi hộp, lo lắng đan xen khiến tâm trạng của tôi lúc lên lúc xuống. Lo lắng là bởi đây là buổi phỏng vấn đầu tiên của bản thân, lại tự đi tác nghiệp mà không có chút kinh nghiệm nào khiến tôi tự đặt ra hàng loạt câu hỏi: Sẽ làm gì khi gặp sự cố? Bắt đầu cuộc phỏng vấn ra sao? Quan trọng hơn là câu hỏi mình đặt ra có đúng, có trúng và khai thác được thông tin đặc biệt để truyền tới độc giả không?...

Rất may mắn, khi gặp được nhân vật thì buổi phỏng vấn của tôi diễn ra rất suôn sẻ trong khoảng 40 phút. Nó suôn sẻ đến nỗi khiến bản thân tôi rất bất ngờ, kèm theo một chút vui sướng. Bất ngờ là bởi nhân vật phỏng vấn của tôi rất cởi mở và dễ bắt nhịp để mở đầu buổi trò chuyện. Vui sướng là do những câu trả lời của chú khiến tôi thán phục vì kiến thức uyên bác về lĩnh vực pháp luật và rất dễ hiểu để tôi có thể viết bài, truyền tải nội dung tới người đọc. Cho đến khi ngồi ở tòa soạn viết bài, tôi mới tin rằng bản thân vừa thực hiện xong buổi phỏng vấn đầu tiên trong nghiệp làm báo của mình.

… vỡ òa

Những tưởng cảm xúc hồi hộp của tôi sau khi kết thúc buổi phỏng vấn và viết bài sẽ bình ổn lại nhưng thực tế lại không hề như vậy. Sau khi đắn đo từng chữ, gạn lọc câu chữ để truyền tải ý kiến của nhân vật phỏng vấn được đầy đủ nhất, tôi hồi hộp và đắn đo, ngồi lặng nhìn vào màn hình máy tính vài phút đồng hồ trước khi ấn vào nút gửi bài lên hệ thống CMS để trưởng ban duyệt bài.

Bước chân ra khỏi tòa soạn khi trời đã tối mịt, tôi bất ngợt nhận ra ngày đầu tiên của tôi ở cơ quan mới trôi qua nhanh đến vậy. Suốt cả quãng đường trở về nhà, những cơn gió lạnh táp vào mặt cũng không làm dịu trái tim hồi hộp của tôi với bài viết trong trạng thái đang chờ duyệt của mình trên hệ thống của tòa soạn.

Suốt quãng đường dài, cứ chốc lát tôi lại cầm điện thoại để kiểm tra tin nhắn phản hồi về chất lượng bài viết của mình từ trưởng ban. Lúc ấy, bản thân tôi rơi vào trạng thái nửa muốn nhận tin nhắn, nửa lại không. Muốn nhận được tin nhắn phản hồi về bài viết của mình xem chất lượng ra sao? Có đăng bài được hay không? Còn lý do không muốn nhận vì tôi sợ bài của mình có nội dung kém, không đủ chất lượng để được xuất hiện trên trang Doisongphapluat.com.vn. Nghe thì rất mâu thuẫn, nhưng giờ ngẫm lại mới thấy điều đó là bình thường, vì dù sao đó cũng là bài báo đầu tiên của tôi tự hoàn thành từ đầu đến cuối mà!

Đến tận khi trở về nhà, việc đầu tiên tôi làm là bật máy tính để mở trang để tìm bài viết của mình. Đến lúc khi nhìn thấy tên bài viết mình đặt tôi phải nhìn lại đến 10 giây để nhớ lại có đúng bài viết của mình không. Thậm chí, khi click vào bài viết, việc tôi làm đầu tiên đó là kéo xuống dưới để tìm tên tác giả. Sau khi xác định đúng là bút danh của mình thì cảm giác của tôi vỡ òa vì vui sướng. Vội cầm chiếc điện thoại vẫn nằm trong chiếc cặp, tôi mở lên thì thấy tin nhắn phản hồi từ trưởng ban về bài viết khiến tôi khá tích cực khiến tôi càng vui hơn nữa.

Tôi vẫn nhớ cảm giác buổi tối hôm ấy, dù nằm trên giường đi ngủ tâm trạng tôi vẫn vui vẻ, mỉm cười không ngớt. Vừa đọc bài đăng trên trang đã được biên tập vừa so với bài viết của mình, nghiền ngẫm những gì đã được các anh, chị trong ban sửa để rút kinh nghiệm. Khi ấy, đêm đông Hà Nội dù có lạnh lẽo nhưng cũng không khiến tôi mệt mỏi sau ngày dài, chỉ muốn trời sáng thật nhanh để được đến tòa soạn làm việc.

5 mùa đông đã trôi qua cũng là 5 năm gắn bó với công việc đầy duyên nợ. Vui có, buồn có, tai nạn nghề nghiệp cũng có nhưng với tôi đó là những kỷ niệm đẹp gắn liền với nghề. Quá khứ và hiện tại của tôi gắn liền với nơi đây và tương lai chắc tôi còn trải qua nhiều mùa đông ở nơi đây nữa. Đến chỗ làm việc, nói vài câu bắt đầu ngày mới với những gương mặt thân quen, ngồi xuống nơi mình đã gắn bó nhiều năm tôi bỗng vui vì lại có thêm một ngày đẹp trời để vẽ thêm vào ký ức của mình bên cạnh bức tranh trong trẻo về buổi đầu làm báo của tôi với tờ Đời sống & Pháp luật.

Nhân Văn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buoi-phong-van-dau-tien-a357383.html