Các ca phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin COVID-19 đều đã ổn định


Chủ nhật, 14/03/2021 | 03:16


Cùng sự kiện

Trong số gần 1.600 người được tiêm vắc-xin COVID-19, có 11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3. Hiện, sức khỏe các trường hợp này đã ổn định.

Trong số gần 1.600 người được tiêm vắc-xin COVID-19, có 11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3. Hiện, sức khỏe các trường hợp này đã ổn định, hầu hết đã trở lại với công việc hằng ngày.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Sức khỏe&Đời sống

Liên quan đến những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin COVID-19 tại TP.HCM, Hải Phòng và Gia Lai, sau khi nắm bắt được thông tin, bộ Y tế đã yêu cầu 3 sở Y tế khẩn trương xác minh thông tin, lập hội đồng đánh giá tai biến vắc-xin sau tiêm chủng; kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.

Người Lao Động dẫn lời GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong số gần 1.600 người được tiêm vắc-xin COVID-19 có 410 người phản ứng thông thường (chiếm 26%); 11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3 như: nổi mề đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản) (chiếm 0,7%).

Những ca phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3 được tiêm tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (6 người), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng (4 người), Bệnh viện Dã chiến Gia Lai (1 người). Đến nay, sức khỏe các trường hợp này đã ổn định, hầu hết đã trở lại với công việc hằng ngày.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phản ứng độ 2 (được đánh giá là nặng) ở người tiêm vắc-xin là có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan như: mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

Phản ứng độ 3 (được đánh giá là nguy kịch) biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như: đường thở có tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn); tuần hoàn (sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp).

Sau 5 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19, tính đến ngày 12/3, đã có 5.248 người được tiêm vắc-xin tại TP.Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.Hải Phòng, TP HCM, Gia Lai, Long An, TP.Đà Nẵng và Hòa Bình.

Theo Sức khỏe & Đời sống, tính riêng trong ngày 13/3, có thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vắc xin phòng COVID-19, nâng tổng số người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam lên 10.041 người.

Dự kiến trong tuần tới, tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ bắt đầu triển khai vắc-xin COVID-19 trên địa bàn. Các trường hợp tiêm vắc-xin trong đợt này là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như: lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế như các bệnh nền, các bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng.

Các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hàng ngày cho thấy công tác triển khai được thực hiện tốt, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực và vắc xin tiếp tục được triển khai an toàn.

Công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu.

Bạch Hiền (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-ca-phan-ung-nang-sau-tiem-vac-xin-covid-19-deu-da-on-dinh-a359125.html