Chuyện chưa kể về những đêm trắng của bác sỹ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội


Thứ 2, 27/02/2017 | 03:08


Bất kể ở đâu, cho dù nắng nóng 40 độ C hay những đêm đông mưa phùn gió bấc... chỉ cần nhận được thông báo là những bác sỹ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội lại nhanh.....

Bất kể ở đâu, cho dù nắng nóng 40 độ C hay những đêm đông mưa phùn gió bấc... chỉ cần nhận được thông báo là những bác sỹ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội lại nhanh chóng lên đường, cứu chữa cho người bệnh.

Cấp cứu ở mọi nơi

Tiếng còi hú của những chiếc xe cứu thương từ lâu đã trở thành âm thanh quen thuộc trong lòng thành phố Hà Nội. Quen thuộc là vậy, thế nhưng rất ít người hiểu hết được công việc, cũng như những vất vả và cống hiến thầm lặng mà các bác sỹ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đang hàng ngày hàng giờ thực hiện. 

Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, trung tâm có 5 cơ sở, với hơn 190 nhân sự, 14 xe cấp cứu chuyên dụng, hàng ngày thực hiện công việc cấp cứu tại công đồng trên toàn thành phố.

Tin trong nước - Chuyện chưa kể về những đêm trắng của bác sỹ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội


Những chiếc xe cứu thương sẵn sàng chờ lệnh điều động đi cấp cứu bệnh nhân.

Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho hay, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng trên dưới 300 cuộc điện thoại gọi đến. Trung bình, các y bác sỹ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thực hiện hơn 100 lượt cấp cứu trước bệnh viện mỗi ngày.

Ông Chánh cho hay, các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đặc biệt và vất vả hơn so với các đồng nghiệp làm việc cấp cứu tại các bệnh viện. Nếu như tại bệnh viện, các bác sỹ cấp cứu được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, với các trang thiết bị đầy đủ thì nơi làm việc của các bác sĩ tại trung tâm cấp cứu Hà Nội rất đa dạng. Các y, bác sỹ tại trung tâm có thể cứu chữa người bệnh ở nhiều địa điểm khác nhau như: nhà dân, nhà vệ sinh, công trường, thậm chí là cấp cứu giữa đường trong đêm hôm mưa gió... chỉ cần người bệnh ở đâu thì đó cũng là nơi làm việc của các bác sỹ tại trung tâm.

Cùng chia sẻ thêm về công việc tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, bác sỹ Bình, Đội trưởng đội cấp cứu tại trung tâm cho biết, chị gắn bó với trung tâm từ năm 2009. Hơn 8 năm làm việc tại trung tâm, việc phải trực đêm với chị đã quá quen thuộc, giống như những đồng nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện trên cả nước. 

Chị Bình cho biết, mỗi ngày, chị và kíp trực của mình thực hiện khoảng 10 chuyến cấp cứu tại cộng đồng. Có những đêm trực cao điểm, chị Bình và đồng nghiệp thức trắng để tham gia hơn 15 chuyến cấp cứu cho người bệnh.

Chị Bình nhớ lại, có lần chị và một đồng nghiệp nữ phải vào cấp cứu cho một “con nghiện” sốc thuốc vì tiêm quá liều trong nhà vệ sinh công cộng. Là phụ nữ lại không có ai hỗ trợ, ca cấp cứu ấy khiến chị Bình khá bối rối. Tuy nhiên, với tinh thần luôn đặt công tác cứu chữa người bệnh lên hàng đầu, chị và đồng nghiệp đã nhanh chóng cứu tỉnh được người bệnh. Thế nhưng, khi tỉnh lại, “con nghiện” lại mắng chị rằng đang phê cứu tỉnh làm gì. Một lần khác, chị Bình và đồng nghiệp phải đi cấp cứu lúc 1-2h sáng tại những “xóm liều” trong những con ngõ nhỏ, sâu hun hút không ánh đèn. Các chị vừa bước vừa run, nắm chặt tay nhau để tìm địa chỉ của bệnh nhân thực hiện cấp cứu.

"Các y, bác sỹ tại trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội ai cũng “ngấm vào máu” phản xạ khi có tiếng chuông thông báo. Cho dù ngủ say đến đâu, chỉ cần có chuông điện thoại là các bác sỹ tỉnh ngủ ngay lập tực để sẵn sàng lên xe", chị Bình nói.

Cũng theo tâm sự của chị Bình, bản thân chị và đồng nghiệp có những đêm mệt quá, kíp trực cấp cứu lên xe cứu thương lại ngủ gà gật, nhưng khi xuống xe, gặp bệnh nhân là tỉnh táo hoàn toàn. Sau khi cấp cứu xong, đưa người bệnh vào viện được các bác sỹ tiếp nhận quay lên xe là các chị lại "gà gật" cho đến khi về trung tâm. 

Sức khỏe bệnh nhân ổn định là niềm vui lớn nhất

Theo chị Bình, làm công việc cấp cứu đòi hỏi các y, bác sỹ phải dày dặn kinh nghiệm và luôn có một cái đầu đủ “lạnh” để bình tĩnh xử lý, cứu chữa cho bệnh nhân.

Chị Bình kể lại, ngay trong tuần vừa qua, chị thực hiện một ca cấp cứu khá đặc biệt tại khu vực Xã Đàn (Hà Nội). Điều khiến chị nhớ nhất về ca cấp cứu này là khi nghe nhân viên trung tâm thông báo người bệnh bị chảy máu mũi thì chị nghĩ chỉ là ca chảy máu mũi thông thường. Tuy nhiên, khi kíp cấp cứu đến nơi mới thấy bệnh nhân chảy máu mũi liên tục, không cầm được. Máu từ mũi trào ra ồ ạt, người nhà bệnh nhân không hiểu thao tác sơ cứu đã lấy giấy ăn nhét vào mũi  người bệnh khiến máu ướt hết cả khuôn mặt bệnh nhân. Thêm vào đó, nhà bệnh nhân ở trong ngõ sâu 600-700 mét, xe ô tô không vào được khiến cho công tác di chuyển bệnh nhân của các bác sỹ càng thêm khó khăn, mất sức.

Dù bất ngờ nhưng chị Bình và đồng nghiệp trong kíp cấp cứu nhanh chóng triển khai các thao tác nghiệp vụ cứu chữa người bệnh. Chị Bình vừa phải dùng tay bịt mũi nạn nhân đề ngăn máu ngừng chảy, vừa phải lay tỉnh bệnh nhân liên tục, không để người bệnh hôn mê vì mất máu nhiều.

Chị Bình cho hay, khi dùng tay ngăn không cho máu chảy ra ở mũi thì bệnh nhân tiếp tục chảy ra ở họng và tuyến lệ. Chị phải vất vả đặt ống dịch để lấy máu ra ngoài, ngăn không cho chảy xuống dạ dày. Đến khi bệnh nhân dần ổn định, chị và kíp trực vận chuyển bệnh nhân vào viện. Khi vào đến nơi thì bệnh nhân đã ngừng chảy máu, sức khỏe diễn biến khá ổn định.

“Những ca bệnh cấp cứu như vậy đòi hỏi các bác sỹ phải bình tĩnh xử lý. Đôi lúc, các bác sỹ vừa phải cấp cứu bệnh nhân, lại vừa phải chịu những sức ép tâm lý từ người nhà. Nếu không bình tĩnh xử lý thì rất dễ luống cuống tay chân”, chị Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Chánh chia sẻ, trên đây chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm ca cấp cứu mà các bác sỹ tại trung tâm thực hiện mỗi ngày. Anh em bác sỹ tại trung tâm luôn nhắc nhở nhau, dù trong trường hợp thì các bác sỹ cũng phải giữ ổn định để đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân luôn luôn là ưu tiên số một.

Vất vả là thế nhưng chính những điều này lại khiến các y, bác sỹ tại trung tâm cấp cứu càng gắn bó với nghề. Họ cho rằng, công việc hàng ngày họ đang làm có cái thú vị riêng mà không phải bác sỹ nào đang làm việc tại các bệnh viện có cơ hội được trải qua. Với các bác sỹ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, niềm vui và đông lực lớn nhất đối với họ là cứu chữa kịp thời, giúp người bệnh ổn định, giảm được các di chứng để sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh nhất, ông Chánh nhấn mạnh.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-nhung-dem-trang-cua-bac-sy-trung-tam-cap-cuu-115-ha-noi-a182261.html