+Aa-
    Zalo

    Chuyện về chú voi Bạc Nòi được phong hàm “thiếu úy” và án “tử” bất đắc dĩ

    ĐS&PL Chú voi Bạc Nòi được phong quân hàm “thiếu úy” vì có thành tích xuất sắc khi tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954)…

    Chú voi Bạc Nòi được phong quân hàm “thiếu úy” vì có thành tích xuất sắc khi tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954)… hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến trường, Bạc Nòi được chuyển về phục vụ sản xuất kéo gỗ tại một lâm trường ở Quảng Bình. Tuy nhiên, sau đó Bạc Nòi đổi tính, chuyên phá phách, quật chết người… nên phải nhận án “tử”. Đây là câu chuyện có thật về chú voi nhưng rất ít người biết đến…

    Bức ảnh voi “thiếu úy” Bạc Nòi do tác giả Đình Lượng chụp năm 1973, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình.

    Kỳ lạ chú voi được phong quân hàm

    Trong biên chế của Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) những năm đầu mới thành lập có một chiến sĩ đặc biệt, đó là chú voi “thiếu úy” có tên gọi Bạc Nòi. Sở dĩ Bạc Nòi được phong hàm “thiếu úy” bởi có nhiều đóng góp to lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

    Hoàn thành sứ mệnh vận chuyển phục vụ chiến trường, Bạc Nòi được chuyển về phục vụ sản xuất kéo gỗ tại Lâm trường Ba Rền, đóng ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, thuộc công ty Liên hiệp Lâm công nghiệp Long Đại. Trong trong lịch sử của đường 559 đã viết: “Mùa hạ năm 1959, từ khe Hó phía Tây Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tiểu đoàn 301, đơn vị đầu tiên Bộ đội Trường Sơn bí mật xuất quân mở đường giao liên vận tải bằng phương thức mang vác, gùi thồ, bằng xe đạp và dùng sức ngựa, voi. Chỉ trong 4 năm kể từ ngày thành lập, đoàn 559 đã đưa được 4.400 tấn vũ khí, đạn dược và hơn 31.000 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.”.

    Trong thành tích đó, có một phần đóng góp không nhỏ của Bạc Nòi... Trong hành trình tìm hiểu về Bạc Nòi, thật đáng tiếc, hồ sơ gốc về chú voi này không được lưu giữ đầy đủ do nhiều nguyên nhân. Theo thông tin từ Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, hiện ở đây chỉ còn lưu giữ bức ảnh được cho của Bạc Nòi do tác giả Đình Lượng chụp năm 1973 và một ít thông tin rất sơ sài.

    Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đến bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, nằm ở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Trong chuyến đi, chúng tôi may mắn gặp già làng Hồ Vượng. Mặc dù đã ở ngưỡng 80 tuổi, nhưng trông cụ còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Theo già làng, thời tuổi trẻ, ông đã cùng dân bản và bộ đội xuyên rừng gùi hàng tiếp tế cho chiến trường.

    Thời kỳ này, có một chú voi được chuyển đến địa phương phục vụ sản xuất kéo gỗ tại Lâm trường Ba Rền, đóng ở xã. Theo lời kể của già làng Hồ Vượng, Bạc Nòi còn có tên gọi khác là voi ngà “thiếu úy”; nó được đưa đến Làng Ho từ cuối năm 1959 bởi một quản tượng người Thanh Hóa.

    “Nghe cán bộ quản tượng nói, sở dĩ Bạc Nòi còn có tên gọi là voi ngà “thiếu úy” vì trước đó Bạc Nòi từng tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ, lập được nhiều chiến công xuất sắc nên được phong quân hàm “thiếu úy”...”, già làng Hồ Vượng nhớ lại. Già làng cho biết, Bạc Nòi có mặt trong những ngày đầu mở đường Hồ Chí Minh, tham gia mở đường, gùi thồ nhu yếu phẩm, đạn dược phục vụ cho chiến trường Trị - Thiên.

    “Hồi đó một mình “đồng chí” Bạc Nòi làm bằng cả trăm người. Mỗi lần được đi cùng chuyến với Bạc Nòi, sướng nhất là không phải mất sức mở đường, vì Bạc Nòi đi trước làm hết việc rồi”, già làng Hồ Vượng cho biết. Voi ngà “thiếu úy” khi đến Làng Ho, được mọi người thương yêu, gần gũi. Ngoài tên gọi voi ngà “thiếu úy”, người Vân Kiều còn trìu mến gọi bằng một tên khác: Bạc Khun.

    Ông Hồ Vai (72 tuổi) trú xã Kim Thủy, giải thích, sở dĩ bà con gọi nó là Bạc Khun là vì nó rất khun (khôn - PV), thông minh. “Bạc Khun to lớn lắm, hắn có cặp ngà cong vút nhìn rất dữ tợn. Lần đầu thấy hắn, dân bản ai cũng sợ không dám lại gần. Nhưng ở lâu thì biết hắn hiền và khôn lắm. Có lần hắn đứng ngang đường, chắn hết lối đi. Mình lại gần, nói: “Bạc Khun cho bà con đi với”, rứa là nó ép sát vào bụi để mọi người qua!”, ông Hồ Vai kể lại.

    Giây phút “tử hình” đầy nước mắt

    Năm 1967, khi phương thức vận chuyển thô sơ không còn nhiều hiệu quả, Bạc Nòi được chuyển giao về Lâm trường Ba Rền để tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, như khai thác gỗ phục vụ sản xuất, làm cầu, mở đường chiến đấu...

    Lần theo manh mối của voi “thiếu úy” Bạc Nòi, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Lộc, cán bộ Lâm trường Ba Rền trong những năm 1965-1971, được giao nhiệm vụ làm quản tượng của Bạc Nòi, hiện ông Lộc đang sinh sống tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, (Quảng Bình).

    Ông chia sẻ: “Suốt 4 năm quản nó, tôi chưa bao giờ dùng búa, bởi Bạc Nòi rất hiền lành và dễ mến. Nó như đọc được suy nghĩ của tôi, hiểu quản tượng cần nó làm gì chỉ qua ánh mắt”. Cho đến đầu năm 1971, ông chuyển công tác, Bạc Nòi lần lượt qua tay một số quản tượng khác. Năm 1973, ông Trương Đình Đá là người được giao nhiệm vụ quản Bạc Nòi cho đến lúc nó chết vào đầu năm 1982. Nhà ông Trương Đình Đá nằm cạnh đường 11, ngay địa phận Lâm trường Ba Rền.

    rong 9 năm trực tiếp quản Bạc Nòi, ông luôn đối xử với nó như một người bạn. Cũng giống như những quản tượng chúng tôi đã gặp, ông Đá luôn dành những lời khen ngợi đối với Bạc Nòi. Về công việc, ông khẳng định, nó có thể kéo được cây gỗ khoảng 10m3 đi trên mọi địa hình.

    Mỗi lần hạ cây to, Bạc Nòi luôn lựa thế, dùng hai chân sau làm trụ, hai chân trước gập lên sát cổ kết hợp với cặp ngà dài, từ từ cho cây đổ xuống, tránh làm gãy những cây nhỏ xung quanh. Sau câu chuyện, ông Đá và những người bạn cùng thời ở Lâm trường Ba Rền dẫn chúng tôi đến nơi Bạc Nòi nằm lại.

    Đó là một khoảng đất trống cạnh con suối ngay dưới ngầm Cờ Đỏ, cánh nhà ông Đá khoảng 1km. Ông Đá trầm ngâm kể lại khoảng thời gian Bạc Nòi trở nên hung dữ: “Đầu năm 1982, Bạc Nòi bỗng nhiên bị điên, trở tính, khó bảo, thường xuyên phá phách và rượt đuổi công nhân khiến cho hàng trăm con người ở Lâm trường Ba Rền phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

    Đỉnh điểm, Bạc Nòi đã phá tan nhiều chiếc xe, máy của lâm trường và quật chết 2 người. Không còn cách nào khác, dù không muốn, lãnh đạo lâm trường vẫn phải báo cáo lên cấp trên, làm văn bản gửi bộ Lâm nghiệp (cũ) xin lệnh “tử hình” Bạc Nòi...”, ông Đá xúc động nhớ lại.

    Ông kể: “Chiều hôm đó, tôi và Bạc Nòi từ rừng ra sau một ngày làm việc cật lực. Tôi xích nó vào gốc cây như thường lệ và về kho lấy thức ăn cho voi. Khi tôi cho nó ăn, bỗng dưng nó nổi điên dùng vòi quật tôi ngã nhào ra đất. Tưởng nó lỡ, tôi mắng vài câu rồi về phòng ở khu tập thể. Sáng ra, tôi bàng hoàng khi không thấy Bạc Nòi đâu, một phần dây xích sắt bị đứt còn lại ở gốc cây. Tôi vội vàng chạy đi tìm.

    Trên đường gặp một số công nhân hốt hoảng thông báo Bạc Nòi đã chạy vào rừng, trên đường đi gặp người và xe là nó lao vào một cách hung dữ. Tôi theo hướng mọi người chỉ dẫn, đến nơi thấy Bạc Nòi đứng cạnh một con suối. Tôi lên tiếng, không như mọi khi, nó gầm lên lao về phía tôi. Thấy không ổn, tôi chạy men theo bìa rừng về báo lại sự việc với lãnh đạo lâm trường để có hướng xử lý, tránh nguy hiểm cho mọi người”.

    Dù việc chẳng thể đừng, nhưng đã gần 40 năm trôi qua, trong lòng ông Đá cũng như những người đã từng sống, chăm sóc và gắn bó với chú voi vẫn chưa nguôi ngoai day dứt. Với họ, Bạc Nòi như một người anh em thực sự, đồng cam cộng khổ cùng dân làng, vượt qua biết bao nhiêu tai ương trong cuộc chiến tranh ác liệt và trong hoạt động sản xuất.

    “Khi Bạc Nòi bị bắn, lúc đầu tôi cũng mừng vì đã trút được nỗi lo công nhân và người dân bị nó tấn công. Nhưng những ngày sau đó, tôi bắt đầu có cảm giác như mất một người thân; nỗi đau và sự mất mát ấy cứ lớn dần theo năm tháng và theo tôi trong suốt 40 năm qua”, ông Đá day dứt.

    Ngô Huyền

    Bài đăng trên Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 27

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-chu-voi-bac-noi-duoc-phong-ham-thieu-uy-va-an-tu-bat-dac-di-a283097.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan