Có hay không sự buông lỏng quản lý các bệnh viện, phòng khám gắn mác "Quốc tế" (Kỳ 2)?: Đi tìm sự thật về tên gọi “quốc tế”


Chủ nhật, 03/11/2019 | 02:12


Cùng sự kiện

Với mong muốn hiểu rõ hơn về tên gọi có hai từ “quốc tế” tại các bệnh viện, phòng khám, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo bệnh viện.

Với mong muốn hiểu rõ hơn về tên gọi có hai từ “quốc tế” tại các bệnh viện, phòng khám, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo bệnh viện. Thế nhưng, để đưa ra một khái niệm chính xác về cụm từ “quốc tế” vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí không có tiêu chí, nhận định một cách cụ thể.

Hệ thống phòng khám Nhi khoa quốc Tế The MedCare liên tục từ chối không làm việc với PV - Ảnh: Internet

Bệnh viện “né” PV, chưa sắp xếp được thời gian

Với mong muốn hiểu rõ hơn về tên gọi “quốc tế”, chúng tôi đã liên hệ đặt lịch làm việc với nhiều phòng khám, bệnh viện có từ quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng sẵn lòng trao đổi, thậm chí còn “né” phóng viên khi chúng tôi sang đặt lịch hoặc liên hệ lại để trao đổi cụ thể.

Với lời quảng cáo không chỉ thành công trong việc xây dựng một hệ thống phòng khám nhi khoa chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hải Phòng và đang dần mở rộng ra nhiều thành phố khác, chúng tôi liên hệ làm việc tại hệ thống phòng khám Nhi khoa quốc Tế The MedCare (C17 Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội). Thế nhưng, quy trình làm việc lại thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.

Khi đề cập đến nội dung PV muốn tìm hiểu về tiêu chuẩn, khái niệm bệnh viện quốc tế, nữ nhân viên ở quầy thông tin trả lời vòng vo rằng lãnh đạo không có nhà, hẹn khi khác gọi lại và cho số hotline. Tuy nhiên, khi đến hẹn, chúng tôi liên hệ lại 5 lần 7 lượt thì nhân viên tư vấn đều nói rằng lãnh đạo đi vắng, đi công tác. Lần cuối cùng chúng tôi liên hệ, nhưng chúng tôi lại nhận được câu trả lời thiếu trách nhiệm: “Lãnh đạo không rảnh, cũng không việc gì phải tiếp phóng viên”; “Bên em chưa sắp xếp được hôm nào để tiếp phóng viên qua phỏng vấn. Cái này để em trao đổi lại hoặc có thể mình gọi điện lại vào tuần sau, hoặc tuần sau nữa. Vậy em cứ chốt với chị chưa đặt lịch được phía mình”, nữ nhân viên qua số hotline cho biết.

Đến làm việc tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Thiên Đức (Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội), tiếp chúng tôi, Giám đốc kinh doanh của bệnh viện có tên Nguyễn Hồng Tâm.

Đặt câu hỏi về tên gọi quốc tế của bệnh viện, thế nhưng vị đại diện bệnh viện này cho rằng “nên hỏi cơ quan chức năng”. “Tôi cũng chia sẻ, cái tên của bệnh viện cũng có từ lâu đời rồi từ năm 2009, đến năm 2017 từ địa chỉ cũ chuyển sang bên Phùng Hưng cũng vẫn giữ tên gọi là bệnh viện Đa khoa quốc tế Thiên Đức. Hiện nay, không phải nguyên Thiên Đức có tên quốc tế mà tôi được biết cũng có nhiều bệnh viện khác và rất nhiều các đơn vị khác gắn tên quốc tế”, ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay.

Nói về nguyên tắc đặt tên, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết: “Trong doanh nghiệp theo Nghị định 78, còn trong tất cả các lĩnh vực khác đều có quy chuẩn của Nhà nước về tên riêng của từng đơn vị. Tuy nhiên, để được các cơ quan chức năng đồng ý để tên đó cũng cần quy chiếu, quy chuẩn như: Tên tránh gây nhầm lẫn... Về lĩnh vực này liên quan đến pháp lý nên tôi đề xuất phía quý báo có câu hỏi bằng văn bản và chúng tôi sẽ chuyển xuống cho bộ phận pháp lý sẽ trả lời chính thức hơn, đầy đủ hơn bằng công văn”.

“Tôi chỉ là đại diện bên kinh doanh, còn về tên gọi thuộc bên vấn đề pháp lý, các chị có thể gửi công văn, chúng tôi sẽ trả lời trên giấy tờ đàng hoàng. Liên quan đến tiêu chuẩn thì tôi xin phép không trả lời vì không phải nhiệm vụ của một người chỉ đạo về chủ trương”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Ông Lucien Blanchard Giám đốc điều hành của bệnh viện Việt - Pháp lý giải về từ "quốc tế" của bệnh viện.

Lý giải của bệnh viện về từ “quốc tế”

Trao đổi với chúng tôi về khái niệm “quốc tế”, bà Kim Thoa, đại diện truyền thông bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc cho biết: “Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc có quy định của ngành y tế. Thứ nhất, phân theo loại bệnh viện chuyên khoa hay đa khoa thì bệnh viện Thu Cúc là bệnh viện đa khoa. Bệnh viện có mô hình, bệnh viện công lập hay là tư nhân thì Thu Cúc là bệnh viện tư nhân. Từ “quốc tế” nôm na là danh từ riêng của bệnh viện, cái này đã được cấp phép của sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như giấy phép của bộ Y tế. Nó là tên đầy đủ, chúng tôi hoạt động theo đúng tên chứ không tự gắn vào. Ví dụ, bản thân mình là người Việt thì mình cũng có thể gọi tên nước ngoài vào được, tương tự như bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc, chứ không gắn mác chữ quốc tế”.

Nói về tiêu chuẩn đáp ứng theo chuẩn quốc tế, đại diện truyền thông cho hay: “Bệnh viện của chúng tôi luôn luôn hướng đến cái gì làm chuẩn, chuẩn cao nhất là hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Còn mọi thứ tiêu chuẩn đều theo quy định của ngành y tế, bộ Y tế bệnh viện Thu Cúc là một trong những cơ sở y tế thuộc hệ thống y tế Hà Nội được bộ Y tế quản lý, hoạt động theo đúng chức năng, theo đúng quy định được cấp phép. Phòng khám khác thì tôi không biết, nhưng chúng tôi hoạt động theo đúng chức năng cấp phép, hoạt động doanh nghiệp được sở Kế hoạch và Đầu tư. Về chuyên môn thì được ngành Y tế Hà Nội, bộ Y tế cấp phép”.

Cũng trong buổi làm việc với PV, ông Trương Kiều Nghị, Giám đốc bộ phận hành chính và ông Lucien Blanchard, Giám đốc điều hành của bệnh viện Việt – Pháp cũng đã trao đổi về khái niệm “quốc tế” của bệnh viện này. “Theo tôi hiểu là như thế. Từ quốc tế là thuật ngữ để mọi người thấy được tính toàn cầu, ở từng quốc gia, từng nước nhỏ đều tuân thủ, như chúng tôi ở bệnh viện này chúng tôi làm việc với trung tâm Năng suất Việt Nam, thiết kế ra các quy trình, quy phạm về chất lượng ISO và họ là người áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế vào. Đó là tiêu chuẩn quốc tế ai cũng hướng tới, mọi người đều chấp nhận được thì đó là quốc tế”, ông Lucien Blanchard lý giải.

Nói về những quy trình quy phạm về hành nghề, ông Lucien Blanchard cho hay: “Có những quy định hành nghề của nước sở tại, ở đây thì chúng tôi tuân thủ theo quy định của bộ Y tế”.

Bàn thêm về tiêu chuẩn quốc tế, ông Lucien Blanchard cho hay cá nhân ông không biết quốc gia có tiêu chuẩn nào quy định về tiêu chuẩn quốc tế hay không: “Với tư cách của nhà đầu tư, chúng tôi hiểu rằng quốc tế chính là đáp ứng được mọi dịch vụ, tương tác với người dân bản địa, khách du lịch, khách thương mại... Nhu cầu của từng quốc gia sẽ khác nhau giữa người Pháp, Mỹ, Nhật, Việt Nam và họ có những mong đợi khác nhau. Còn các quy trình khác, phác đồ điều trị thì phải được thế giới chấp nhận, công nhận để áp dụng”.

So sánh với bệnh viện Việt Đức hoặc bệnh viện Bạch Mai, vị Giám đốc điều hành Lucien Blanchard cho rằng: “Lấy ví dụ Việt Đức hay Bạch Mai là tổ chức ở trong nước nhưng không thể nói bệnh viện này không quốc tế, thậm chí rất quốc tế, rất hoàn hảo. Chỉ có điều, mục tiêu, sứ mệnh của các bệnh viện này là phục vụ cộng đồng, người dân địa phương. Còn chúng tôi là tư nhân nên chúng tôi thiết kế, phục vụ đối tượng khác”.

Đem thắc mắc về quy trình khám bệnh tại bệnh viện Việt – Pháp theo như lời của nữ nhân viên tư vấn rằng “chi phí khám là gần 1,2 triệu đồng dành cho phí gặp bác sĩ”, ông Trương Kiều Nghị tỏ ra bất ngờ: “Khi nào bệnh nhân khám xong, bệnh viện mới thu tiền, không thu tiền trước”. Ông Nghị khẳng định không có chuyện thu 1,2 triệu đồng trước rồi mới khám. “Bệnh nhân không trả tiền trước mà sau khi gặp bác sĩ xong mới ra thanh toán tiền khám”, ông Lucien Blanchard nói thêm. Ông Lucien Blanchard giải thích thêm lý do thu tiền xét nghiệm trước rằng, trước kia rất nhiều bệnh nhân vào khám, gặp bác sĩ xong không trả tiền, chính vì thế bệnh viện thay đổi chính sách, khi đăng ký khám, bệnh nhân sẽ trả tiền sau, còn xét nghiệm chụp chiếu bệnh nhân sẽ phải trả trước số tiền đó. Ông Nghị khẳng định không có chuyện bệnh viện thu trước phí khám 1,2 triệu đồng và hứa sẽ kiểm tra lại phía nhân viên tư vấn.

Thanh Lam - Di Hân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 175

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-hay-khong-su-buong-long-quan-ly-cac-benh-vien-phong-kham-gan-mac-quoc-te-ky-2-di-tim-su-that-ve-ten-goi-quoc-te-a299267.html