Con cựu quan chức du học không về: Khó khăn khi đòi lại gần chục tỷ đồng


Chủ nhật, 09/05/2021 | 00:12


Cùng sự kiện

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đang khó khăn khi đòi lại số tiền gần chục tỷ đồng mà tính chi phí cho con của 4 nguyên lãnh đạo tỉnh này.

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đang khó khăn khi đòi lại số tiền gần chục tỷ đồng mà tính chi phí cho con của 4 nguyên lãnh đạo tỉnh này, khi được đưa đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không về tỉnh làm việc như cam kết.

Ảnh minh họa.

Nhiều lần gửi văn bản đôn đốc

Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Dụng, Giám đốc sở Nội Vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã 2 lần gửi văn bản đôn đốc việc hoàn trả kinh phí với 4 người được đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng không quay về tỉnh làm việc như cam kết.

"Theo quy định, đến cuối năm 2021 là hết thời hạn nộp lại toàn bộ số kinh phí đào tạo đó nhưng đến bây giờ, 4 người được đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài và không quay về tỉnh làm việc như cam kết vẫn chưa trả được nhiều. Chỉ còn mấy tháng nữa mà tiền vẫn còn nhiều, họ mới trả được ít quá nên chúng tôi mới gửi văn bản đôn đốc. Nếu cuối năm nay, 4 người này không trả đủ số tiền theo quy định thì Sở sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh khởi kiện", ông Dụng cho biết thêm.

Trước đó, tháng 11/2019, sở Nội vụ tỉnh đã ra quyết định thu hồi gấp đôi kinh phí hỗ trợ 4 trường hợp đi du học thạc sĩ. Đây là những người được đưa đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhưng không về tỉnh làm việc sau khi kết thúc việc học tập. Quyết định của sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ 4 cá nhân phải trả lại tiền cho ngân sách trong 2 năm và chia làm 10 lần. Mỗi lần nộp tối thiểu 1/10 tổng kinh phí phải hoàn trả.

Cụ thể, bà H.T.L.V. (con ông Huỳnh Chánh - nguyên Giám đốc sở Tài chính Quảng Ngãi) buộc phải hoàn trả 2,05 tỷ đồng; Ông P.T.V. (con ông Phạm Tấn Hoàng - nguyên Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi) phải trả lại số tiền hơn 1,95 tỷ đồng. Bà N.L.N.H. (con ông Nguyễn Chín - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi) phải hoàn trả gần 2,4 tỷ đồng; Bà P.T.M.H. (con ông Phạm Thanh Hải - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi) phải trả gần 3,5 tỷ đồng.

Tuy vậy, đến ngày 13/4/2021, một số cá nhân vẫn chưa hoàn trả kinh phí đào tạo theo đúng quyết định của sở Nội vụ. Cụ thể, 4 người trên chỉ nộp tổng cộng gần 2,78 tỷ đồng, trong khi số tiền phải hoàn trả là hơn 9,8 tỷ đồng. Trong đó, ông P.T.V. trả 5 đợt với tổng số tiền 1 tỷ đồng, bà N.L.N.H trả 5 đợt với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, bà P.T.H. chỉ trả 1 đợt với số tiền 170 triệu đồng, bà H.T.L.V. đã trả 2 đợt với tổng số tiền 410 triệu đồng.

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi vưới PV ĐS&PL, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, người trực ngôn với các chất vấn gai góc trên diễn đàn Quốc hội khoá XI, XII nhận định: “Những trường hợp được cử đi du học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước nhưng không về địa phương làm việc sau khi kết thúc học tập, nghiên cứu ở nước ngoài thì rõ ràng đã vi phạm cam kết, và họ buộc phải đền bù lại số tiền theo quy định. Nhà nước bỏ tiền ra là để đào tạo người tài phục vụ đất nước. Nếu ngay từ đầu, bản thân những người đó không có ý định quay trở về thì tốt nhất đừng đi bằng tiền ngân sách, tiền đó là thuế của dân. Thu lại tiền là việc phải làm, đấy là lẽ tất nhiên. Nhưng tôi thấy rằng, những người đã phá vỡ cam kết trước đó là những người không đứng đắn, ý thức về đạo đức rất kém. Như vậy, khác gì đánh lừa nhân dân, đánh lừa Nhà nước?”.

Còn nói về cơ chế, GS. Nguyễn Minh Triết cho rằng, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong cơ chế chính sách, môi trường phát triển để tạo động lực đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện cho “nhân tài” quay về.

Câu chuyện được cử đi học nhưng không về địa phương phục vụ thì tôi thấy đó là chuyện không còn xa lạ. Chưa bàn đến việc, người được lựa chọn đi du học có năng lực thực sự, thì đấy lại là thực tế đáng buồn trong việc “chảy máu chất xám”. Còn điều đáng tiếc nữa, là những người “phá vỡ” cam kết đã làm mất cơ hội đối với những người thực sự xứng đáng hơn.

“Trong câu chuyện sử dụng cán bộ thì mình làm chưa được tốt. Vì có nhiều cơ chế bố trí công việc cho họ khi trở về không hợp lý, công việc chưa phù hợp, chưa đúng theo nội dung đã cam kết trước đó. Cũng có trường hợp là do chế độ lao động ở nước ngoài tốt hơn, môi trường công tác cũ không níu kéo được họ và chủ trương thu hút, giữ chân nhân tài của các địa phương còn nhiều hạn chế. Khi phát sinh những bất cập, vướng mắc thì chúng ta cần xây dựng pháp luật hoàn thiện hơn. Do đó các vụ việc xảy ra như vậy cũng là điều kiện để chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vấn đề này và có phương án, kế hoạch xử lý”, GS. Nguyễn Minh Triết nêu quan điểm.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, những người trong câu chuyện chúng ta đang nói đến đều là con của lãnh đạo thì điều đó lại càng khó chấp nhận. Vậy thì, trách nhiệm của những vị lãnh đạo đó lại càng được chú ý hơn. Trách nhiệm nêu gương về giáo dục con cái, trách nhiệm với tư cách là người lãnh đạo địa phương cũng sẽ khác. Đã làm cán bộ thì lại phải có trách nhiệm, phải làm gương cho các thế hệ sau, nhất là làm gương để dân noi theo.

M.H (T/h)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (70)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-cuu-quan-chuc-du-hoc-khong-ve-kho-khan-khi-doi-lai-gan-chuc-ty-dong-a365060.html