+Aa-
    Zalo

    Đám cưới đặc biệt của đôi vợ chồng già ngoài 70 tuổi

    ĐS&PL (ĐSPL) - Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hai con người với những tổn thương tình cảm đã đến với nhau trong sự chúc phúc của tất cả mọi người…

    (ĐSPL) - Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hai con người với những tổn thương tình cảm đã đến với nhau trong sự chúc phúc của tất cả mọi người…

    Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn (GDTMC-NGCĐ) TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang dường như là nơi “đơm hoa kết trái” chuyện tình cho những cụ già nơi đây.

    Cuộc hôn nhân của vợ chồng ông Bùi Văn Rơi và bà Hồ Thị Phủ khiến nhiều người bất ngờ, bởi ở cái tuổi ngoài 70, không ai nghĩ hai ông bà mới tìm được nửa kia thật sự của đời mình.

    Người ta nói, trên đời có hai thứ làm con người ta hạnh phúc là làm việc bản thân thích và lấy được người mình yêu. Tuy có hơi muộn nhưng đối với ông Rơi - bà Phủ được mọi người chúc phúc, được về chung một nhà đã là hạnh phúc hiếm có đáng trân trọng.

    Bà Phủ sinh ra trong gia đình có 4 chị em ở phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, bố mẹ chỉ làm ruộng nhưng cũng cố gắng cho các con ăn học để biết chữ. Đến năm 18 tuổi, bà học thêm nghề may để phụ giúp gia đình rồi 22 tuổi cũng do bố mẹ mai mối mà kết hôn, nhưng không lâu sau người chồng đầu tiên qua đời. Vượt qua nỗi đau, bà tái giá lần hai để kiếm tìm hạnh phúc song trớ trêu thay, khi bà mang thai đứa con gái đầu lòng thì người chồng này cũng qua đời.

    Ảnh vợ chồng bà Phủ chụp trong ngày cưới.

    Sinh con xong, bà bế con qua phường Mỹ Đức, TP. Long Xuyên thuê một căn nhà trọ giột nát để ở tạm. Hàng ngày bà vừa địu con vừa đi bán vé số, nhưng số tiền này cũng chỉ đủ để nuôi hai miệng ăn và trả tiền nhà trọ. Mỗi khi ốm đau bà chẳng biết chạy vạy đâu ra tiền. Không có tiền nên con lớn một chút, bà cũng cho đi bán vé số cùng.

    Tiền kiếm đã ít, tuổi già lại thường xuyên ốm đau, mẹ con chẳng nuôi nổi nhau, thương con cũng không muốn con khổ, bà đăng kí vào trung tâm GDTMC-NGCĐ TP. Long Xuyên để con gái đi bán vé số kiếm sống nuôi thân.

    Rồi ông trời dường như thương cho cuộc đời bà nên cuối đời đã ban cho bà một món quà vô giá. Đó là ông Rơi - người bạn tri kỷ của cuộc đời.

    Về phần ông Rơi, ông cũng từng phải trải qua cuộc sống khó khăn. Trước đây, việc kết hôn hầu hết đều do cha mẹ mai mối chứ chẳng có yêu đương gì. Ông từng kết hôn và có 2 con gái nhưng cuộc sống khó khăn nên không lâu sau vợ ông qua đời. Một mình gà trống nuôi con biết bao cực khổ nhưng ông cũng chẳng còn muốn nghĩ đến chuyện đi bước nữa.

    Gia đình cũng không khá giả gì, các con ông sau khi lập gia đình cũng kéo nhau lên Bình Dương lập nghiệp. Ông một thân một mình ở quê nhà sống cô đơn.

    Đến khi tuổi càng ngày càng cao, sức ngày càng yếu, một thân một mình cô đơn không ai bầu bạn chăm sóc khi ốm đau, chán nản, ông sang lại miếng đất rồi xin vào Trung tâm GDTMC-NGCĐ TP. Long Xuyên. Ở đây, ông gặp bà Phủ và câu chuyện tình yêu cảm động của họ bắt đầu.

    Vào trung tâm được chục năm trời, bà Phủ ốm lên ốm xuống không biết bao nhiêu lần. Một lần tình cờ đang phụ nhà bếp nhặt rau, bà lên cơn ho không dừng, ông Rơi cuống quýt chạy đi lấy nước cho bà Phủ uống.

    Sau tìm hiểu bà Phủ mới biết, ông Rơi cũng đã để ý đến bà nhưng vì sợ mọi người nói ra nói vào nên không dám bắt chuyện.

    Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng bà Phủ.

    Sau lần mang nước đó, cả hai nói chuyện với nhau nhiều hơn, tình cảm ngày càng lớn dần. Hơn nữa, cả hai đều mong muốn có người bầu bạn sớm khuya quan tâm chăm sóc cho nhau nên quyết định tiến xa hơn.

    Ban đầu, vì sợ mọi người dị nghị nên ông bà không nghĩ đến chuyện đăng kí kết hôn. Nhưng sự thiếu thốn tình cảm biết bao nhiêu năm qua đã làm cho hai người cảm thấy sống không thể tách rời.

    Nhiều cụ trong trung tâm gia sức phản đối nói không đúng thuần phong mỹ tục, để con cháu cười chê. Tuy nhiên, khi biết chuyện tình cảm của hai cụ, con cái hai bên đều vui vẻ chấp thuận và vun vén cho hai cụ làm đám cưới để danh chính ngôn thuận.

    Nói về chuyện làm giấy đăng ký kết hôn, bà Phủ cười móm mém nói: “Khi được trung tâm đưa ra chính quyền, các cô chú ở chính quyền ban đầu cũng ngỡ ngàng nhìn mọi người mà không biết ai làm giấy tờ, biết được là hai vợ chồng tôi ai cũng cười nói có thật hay không nhưng cuối cùng mọi người đều chúc phúc cả”.

    Đám cưới sau đó được diễn ra dưới sự chứng kiến của các con ông bà, những người trong trung tâm và cả những bà con hiếu kỳ tới xem và mừng cho hai ông bà.

    Niềm hạnh phúc của ông bà còn là buổi sáng phụ tiếp nhặt rau, gọt củ quả, làm các công việc giúp nhà bếp, đến trưa thì cùng nhau xem phim. Rảnh rỗi, họ đi dạo cùng nhau. Với họ, giờ đây chẳng còn nỗi buồn tủi nào nữa, bây giờ là lúc hưởng niềm vui cuộc sống, bởi tại trung tâm này, họ được lo ăn, lo ở, chăm sóc y tế chu đáo. Họ đã quá mệt mỏi với cuộc sống mưu sinh ngoài kia và có thể coi những điều này là hạnh phúc nhỏ nhoi, là niềm an ủi lúc cuối đời.

    Ông Trần Hồng – Giám đốc Trung Tâm GDTMC-NGCĐ TP. Long Xuyên cho biết: “Đối với các cụ có ý muốn kết hợp với nhau trung tâm đều hết sức tán thành và ủng hộ. Ban đầu, nhiều cụ trong trung tâm cũng phản đối nhưng chúng tôi đều giải thích cho mọi người hiểu rằng điều nay không trái pháp luật. Ngoài ra, trung tâm còn tạo điều kiện để các cụ kết hôn đúng quy định nhà nước, tổ chức mâm cơm ấm cúng để tuyên bố với mọi người. Thêm nữa, trung tâm cũng cung cấp thêm cho các cụ chỗ ở riêng để các cụ có giây phút riêng tư. Các cụ tuổi cao sức yếu, không có sự quan tâm của con cái nên việc các cụ muốn có người bầu bạn chăm sóc lúc tuổi già là điều đáng hoan nghênh”.

    PHẠM VÂN

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-cuoi-dac-biet-cua-doi-vo-chong-gia-ngoai-70-tuoi-a116950.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.