+Aa-
    Zalo

    Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người khám BHYT sẽ có lợi

    ĐS&PL (ĐSPL) - Liên quan đến việc giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 2- 7 lần, Bộ Y tế cho rằng: "Với việc tăng giá này, những người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ có lợi".

    (ĐSPL) - Liên quan đến việc giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 2- 7 lần so với giá viện phí hiện hành bắt đầu từ ngày 14/11 tới đây, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính-Bộ Y tế cho rằng: "Với việc tăng giá này, những người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ có lợi".

    Người cận nghèo sẽ được hỗ trợ 70\% để mua thẻ BHYT

    Ngày 11/11, Báo điện tử Vnexpress đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính-Bộ Y tế về tăng giá khám chữa bệnh. Theo ông Nguyễn Nam Liên, việc tăng giá lần này sẽ áp dụng cho tất cả các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm y tế, cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, cả bệnh viện công và bệnh viện tư có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trước mắt chỉ áp dụng với người có thẻ bảo hiểm y tế, đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn thực hiện mức giá như hiện nay.

    Trong năm 2016, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội để trình Chính phủ việc áp dụng cho người không có thẻ bảo hiểm y tế tại thời điểm phù hợp, tức về lâu dài sẽ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đối với cả người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Được biết, trong thời gian tới, cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu bảo hiểm y tế.

    Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế. (Ảnh: VnExpress)

    Giá dịch vụ lần này áp dụng để thanh toán bảo hiểm y tế nên người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tư còn được lợi,vì bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn, do đó số tiền chênh lệch giữa giá của bệnh viện tư và giá do bảo hiểm y tế thanh toán sẽ giảm đi. Vì thế, người bệnh phải chi trả ít hơn.

    Ông Liên cho hay, theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng quy định. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn; người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, huyện đảo... được Nhà nước cho phép mua thẻ bảo hiểm y tế nên khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 100\% chi phí khám chữa bệnh. Đối với người cận nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ 70\% để mua thẻ bảo hiểm y tế.

    “Như vậy, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30\% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 186.000 đồng), khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 95\% chi phí khám chữa bệnh nên việc tăng giá dịch vụ y tế thì không ảnh hưởng đối với nghèo vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán”, ông Liên nói.

    Ông Liên cũng cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị địa phương mới thực hiện mức giá bằng khoảng 70-80\% chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, trong khi ngân sách Nhà nước thì không đủ chi lương cho các bệnh viện nên nhiều trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh chi trả thêm hoặc phải mua thêm một số vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ.

    Giá dịch vụ lần này sẽ tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương nên người dân sẽ không phải chi trả thêm hoặc phải mua thêm một số vật tư, hóa chất mà sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán. Mặt khác, khi tính đủ chi phí trực tiếp thì các bệnh viện tuyến dưới sẽ có kinh phí để thực hiện các dịch vụ, người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thụ hưởng dịch vụ ngay tại địa bàn nơi cư trú và được bảo hiểm y tế thanh toán.

    Đề cập đến việc tăng giá dịch vụ y tế dẫn đến bội chi, thâm hụt quỹ khiến tăng mức đóng BHYT, tại buổi giao lưu trực tuyến về việc "Điều chỉnh giá dịch vụ y tế và quyền lợi người tham gia BHYT" diễn ra ngày 12/11 do Bộ Y tế tổ chức, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN cho báo Thanh Niên biết:

    Sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này có tác động đến nhiều con người, nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan đã có sự tính toán, chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thận trọng.

    Theo lộ trình, đến 2018 khi mà cả 7 cấu phần dịch vụ y tế được tính và giá dịch vụ thì bài toán cân đối quỹ mới được đặt ra. (Ảnh: Báo Dân Sinh)

    Kể từ 2010, thông qua các biện pháp quản lý của Bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, các cơ sở khám chữa bệnh tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm tiết kiệm được ngàn nghìn tỉ đồng.

    Như vậy, quỹ Bảo hiểm y tế đã chuẩn bị một nguồn lực tài chính để chi trả phần kinh phí tăng thêm do áp dụng giá dịch vụ y tế mới. Vì thế, lần điều chỉnh này chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế của người dân.

    Theo lộ trình, đến 2018 khi mà cả 7 cấu phần dịch vụ y tế được tính và giá dịch vụ thì bài toán cân đối quỹ mới được đặt ra và khi đó chúng ta mới cân nhắc việc có điểu chỉnh mức đóng hay không.

    Còn khi đề cập đến vấn đề giá các dịch vụ liên quan tới thiết bị xã hội hóa, tại buổi giao lưu trực tuyến ông Phạm Lương Sơn cũng cho rằng:

    Các dịch vụ xã hội hóa được Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 15/2007/TT-BY ngày 12/12/2007, theo đó thì Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức giá dịch vụ xã hội hóa trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí, bao gồm cả chi phí khấu hao máy móc, trang thiết bị.

    Khi đơn vị đã thu hồi đủ vốn, tính đủ khấu hao cho trang thiết bị, máy móc nhưng trang thiết bị, máy móc vẫn tiếp tục được sử dụng thì đơn vị vẫn tiếp tục được thanh toán với mức giá có tính khấu hao. Số tiền trích khấu hao được kết cấu trong giá sẽ được đơn vị đầu tư tái tạo tài sản sử dụng cũng như tích lũy theo quy định.

    Đối với các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật từ nguồn xã hội hóa, Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo mức giá của dịch vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phần chi phí chênh lệch do người bệnh tự trả.

    Lần điều chỉnh giá lần này, giá dịch vụ Khám chữa bệnh đã được tính thêm chi phí tiền lương, phụ cấp do đó phần chênh lệch mà người bệnh Bảo hiểm y tế phải nộp thêm của các dịch khám, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ và sử dụng máy xã hội hóa cũng sẽ được giảm.

    Theo đó, các đơn vị phải công khai phần chênh lệch giữa giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá của các dịch vụ được cung cấp từ các trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa với giá được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán để người bệnh biết, lựa chọn.

    Chỉ áp dụng tăng giá cho người khám BHYT liệu có mất công bằng

    Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến với báo Thanh Niên sáng nay, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế trả lời về việc chưa thể áp dụng điều chỉnh giá với mọi đối tượng mà chỉ áp dụng với người khám chữa bệnh BHYT. Ông Toàn cho biết:

    Theo quy định của luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế và Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định giá dịch vụ y tế được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên cả nước.

    Đối với người không có thẻ Bảo hiểm y tế, do UBND tỉnh, thành phố quy định trong khung giá dịch vụ y tế do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định.

    Còn theo Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế: Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là từng bước chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT nhằm thực hiện BHYT toàn dân, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhà nước sẽ dành phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện sang chi cho y tế cơ sở, y tế dự phòng và hỗ trợ người dân tham gia BHYT để sớm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

    Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 75\% dân số tham gia BHYT, vẫn còn 25\% chưa có BHYT, nên để hạn chế tác động đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân chưa có thẻ BHYT, liên Bộ Y tế - Tài chính đã cân nhắc và đưa ra lộ trình trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, làm cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho bệnh viện.

    Đối với người chưa có thẻ BHYT, trong năm 2016 tùy điều kiện kinh tế xã hội, liên Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Việc thực hiện đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn, nhằm để họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.

    Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ theo lộ trình, thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng xã đảo, huyện đảo, trẻ em dưới 6 tuổi... tham gia BHYT, không bao cấp tràn lan như hiện nay.

    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] QT4059w3Lg[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-nguoi-kham-bhyt-se-co-loi-a119236.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.