Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Cần tiếp cận từ góc độ văn hóa


Thứ 5, 23/05/2019 | 12:12


Nhiều đại biểu băn khoăn với các tiếp cận của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nhiều đại biểu băn khoăn với các tiếp cận của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi rượu từng là sản phẩm văn hóa, nên “kiểm soát” chứ không nên coi nó hoàn toàn độc hại để rồi có cái nhìn cực đoan.

Trong buổi thảo luận sáng nay tại hội trường Quốc hội về luật Phòng chống tác hại rượu bia, ĐBQH Phạm Văn Tuân, đoàn Thái Bình cho rằng: “Tôi băn khoăn về tên gọi của Dự án Luật vì trong quá trình triển khai thực hiện chưa có cơ sở nào khẳng định tác hại của rượu, bia nếu sử dụng ở mức độ hợp lý mà chỉ có lạm dụng rượu, bia mới có tác hại. Mặt khác, bia rượu là đều nằm trong những loại đồ uống lâu đời nhất loài người tạo ra, tồn tại phổ biến ở các quốc gia trên thế giới và đã trở thành nét văn hóa bản xứ".

ĐBQH Phạm Văn Tuân.

Chúng ta phải nhìn nhận rượu, bia khác thuốc lá nên không thể đồng nhất tác hại của rượu, bia với tác hại của thuốc lá. Tôi đề nghị thay đổi tên cho dự luật vì khái niệm rượu, bia được giải thích ngay tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 đã bao hàm và khái quát tên gọi của nó là đồ uống có cồn. Mặt khác, qua tham khảo tài liệu trên thế giới hiện nay chưa có quốc gia nào ban hành đạo luật và có tên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Một số quốc gia đã ban hành luật riêng về đồ uống có cồn nhưng họ lấy tên là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn. Tôi đề nghị lấy tên Luật Kiểm soát đồ uống có cồn, từ tên gọi xác định được mục tiêu, phạm vi điều chỉnh và những biện pháp thực hiện luật với 2 mục đích chính: Một là bảo vệ sức khỏe của người dân; Hai là thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng rượu, bia.

Các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý trong sử dụng rượu bia, tên gọi thể hiện các nội dung nhằm điều chỉnh đạt mục tiêu của dự án luật đồng thời phù hợp với chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại, lạm dụng đồ uống có cồn do Chính phủ ban hành và chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại việc lạm dụng đồ uống có cồn của Tổ chức y tế thế giới”.

ĐBQH Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cũng cho rằng: “Theo dõi các phiên thảo luận liên quan đến luật này tôi cảm nhận được một điều là chúng ta tiếp cận sai. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đại biểu Phong Lan và đại biểu Phạm Văn Tuân, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận từ văn hoá. Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan.

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Ai cũng nhớ nằm lòng câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu, cũng không hoa”, để nói con người bị tước đoạt tự do là không được ngắm hoa, không được uống rượu. Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, “khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu”, nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này.

Tôi xin nói tôi sẽ thẩm tra lại một văn bản được được lưu truyền ở Quốc hội do Tổ chức y tế thế giới ở Việt Nam trên bìa đề chữ “Uống rượu, bia có hại cho sức khoẻ”.

Đấy có phải là thông điệp của thế giới không? Trong khi đó là một văn hoá tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung.

Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến là đây là luật rất cần có lúc này, chúng ta cần nhận thức được tất cả những tác hại mà mặt trái của rượu, bia, thậm chí cá nhân tôi đề nghị chế tài còn nặng hơn nhưng chúng ta nên coi năng lực quản lý là hàng đầu. Hình như cách đặt vấn đề của chúng ta né tránh mặt yếu nhất của chúng ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của nhà nước và mỗi một con người tự kiểm soát mình, từ vấn đề sản xuất, tiêu thụ, sử dụng. Nếu chúng ta được làm như thế thì sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của bia, rượu trên thị trường cũng như trong đời sống.

Câu hỏi lần trước tôi hỏi Bộ trưởng bộ Y tế chưa trả lời, chúng ta xếp thứ ba, vậy thứ nhất, thứ hai là ai, họ có phải là những nước lạc hậu không. Liệu bộ Y tế còn sản xuất rượu bổ không, liệu tất cả những sản phẩm có gắn hình ảnh tai nạn giao thông và các căn bệnh vì rượu như chúng ta đối xử với với thuốc lá hay ma tuý.

Tôi rất mong rằng, chúng ta hết sức tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn, có hiệu quả, có lộ trình, có thể lúc ban đầu hiệu ứng còn hạn chế, ta nâng dần lên. Tôi xin nói là nếu chúng ta thông qua thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá, vì Heniken là tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới. Người dân rất cần sức khoẻ nhưng họ vẫn sẵn sàng thức đêm xem đá bóng và họ mong muốn có đá bóng, truyền hình trung ương bỏ cả triệu đô để đáp ứng người dân. Sức khoẻ không chỉ thuần túy là sức khoẻ về thể trạng mà còn sức khoẻ về tinh thần, chất lượng sống.

Chúng tôi mong chúng ta nhìn nhận một cách hết sức khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoan, đừng cục bộ vì nó sẽ không có hiệu ứng xã hội”.

Bên ngoài hành lang Quốc hội, chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Dương Trung Quốc tiếp tục khẳng định quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, không chỉ lĩnh vực này mà các lĩnh vực khác cũng cần tăng cường chế tài. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với cách tiếp cận của luật này. Nên dùng là kiểm soát vì rượu bia không xấu, nó là một sản phẩm văn hóa. Dùng từ lạm dụng thì không thật chuẩn nhưng dùng từ kiểm soát là đúng. Kiểm soát từ khâu sản xuất, phân phối, người uống rượu bia cũng phải tự kiểm soát”.

Thành Huế

Nguồn: Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-thao-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-can-tiep-can-tu-goc-do-van-hoa-a276772.html