Dự thảo mới về kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ quyền hạn: Không trung thực có thể bị mất chức!


Thứ 7, 22/02/2020 | 00:54


Cùng sự kiện

Thanh tra Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để lấy ý kiến góp ý.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để lấy ý kiến góp ý. Nhiều ý kiến cho rằng, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, Nghị định này cần đưa ra hàng loạt chế tài "rắn" để giám sát, xử lý đối với việc quan chức kê khai tài sản.

Có trọng tâm vào đối tượng kê khai để kiểm soát chặt chẽ

ĐBQH Nguyễn Đức Sáu - Ảnh: TTXVN

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập, giám sát việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là biện pháp rất quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng.

Vị Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận: "Phòng, chống tham nhũng là một chủ trương lớn, cần thiết. Thông qua chức vụ công tác, quan hệ từ vị trí công tác mà một số cán bộ đã chiếm đoạt tài sản không phải do mình làm ra, đó là sở hữu tài sản không hợp pháp. Nếu nhiều hành vi như thế diễn ra ở những cơ quan, đơn vị khác nhau thì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến việc phát triển đất nước. Ví dụ như việc "rút ruột" các dự án, công trình lớn, đầu tư vào phúc lợi xã hội... thì sẽ gây hậu quả thiệt hại rất lớn. Nó không chỉ gây thiệt hại ở một số tiền lớn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ảnh hưởng đến những chính sách lớn của Nhà nước chăm lo cho an sinh xã hội... Cho nên vấn đề ban hành luật Phòng, chống tham nhũng; nghị định về Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị... được đưa ra để thực hiện thì phải đảm bảo hạn chế ở mức thấp nhất việc thất thoát tài sản của Nhà nước là cần thiết.

Đối với các cơ quan có thẩm quyền, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Còn đối với quan chức, cần thiết phải bảo đảm kê khai trung thực. Còn nếu như cán bộ kê khai không trung thực thì phải bị xử lý nghiêm khắc".

ĐBQH Nguyễn Đức Sáu chia sẻ thêm: "Có lẽ Thanh tra Chính phủ đã có những tổng kết khi họ nêu vấn đề rằng, vừa qua vẫn còn những nơi kê khai tài sản chỉ mang nặng tính hình thức, chính bởi vậy mà thông qua việc kê khai tài sản hàng năm nhưng vẫn chưa phát hiện ra dấu hiệu bất thường về việc sở hữu tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Thứ hai là trước đây mở rộng quá nhiều về đối tượng phải kê khai tài sản, nhưng lại không kiểm soát được. Lần này, dự thảo Nghị định đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai tài sản, có trọng tâm hơn. Tuy nhiên, cần phải giám sát làm sao cho bảo đảm, có chế tài xử lý nghiêm. Tôi tin, nếu Thanh tra Chính phủ làm chặt chẽ, đưa ra các quy định cụ thể như trong dự thảo Nghị định thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Tôi lấy ví dụ trong các vụ án lớn như vừa qua, chắc rằng, các cựu quan chức, cán bộ có chức vụ, quyền hạn trước khi bị khởi tố, họ cũng từng kê khai tài sản, nhưng đến khi bị khởi tố, xét xử thì mới phát hiện ra họ chiếm đoạt những khối tài sản lớn, thậm chí "lót tay" cả vài triệu USD... Vì vậy, để phòng ngừa ngay từ đầu, thì việc kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn là rất cần thiết".

Chế tài xử lý khi cố tình "giấu" tài sản

Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, theo dự thảo Nghị định, có 2 hình thức kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đó là kê khai lần đầu và kê khai hằng năm. Kê khai tài sản lần đầu sẽ áp dụng với tất cả cán bộ, công chức, viên chức từ cấp phó phòng trở lên. Còn kê khai hằng năm sẽ áp dụng với chức danh Giám đốc sở (hoặc tương đương) trở lên hoặc các cán bộ, công chức làm việc ở những vị trí "nhạy cảm", có điều kiện thuận lợi, nguy cơ cao về tham nhũng.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định lần này sẽ "chữa được bệnh hình thức" về kê khai tài sản - Ảnh: Minh họa

Đối với những trường hợp cố tình kê khai tài sản không trung thực thì sẽ có những chế tài xử lý nghiêm. Cụ thể, phải giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, tùy vào tính chất mức độ vi phạm thì có thể bị xử lý từ cảnh cáo cho đến miễn nhiệm chức vụ. Còn đối với những trường hợp cố tình cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền trong kê khai tài sản thu nhập, tẩu tán tài sản... thì có thể bị xử lý cách chức, giáng chức, buộc thôi việc, hoặc giáng cấp bậc quân hàm...

Còn đối với những trường hợp thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng lại chậm kê khai mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc. Thậm chí, trong việc kê khai tài sản, đối với những trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Vị này nhấn mạnh: "Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn lần này chặt chẽ hơn, cụ thể hơn so với các quy định trước đây. Kể cả đối với người thực hiện kê khai tài sản; người có trách nhiệm quản lý người thực hiện kê khai tài sản; cũng như người đi xác minh người kê khai tài sản... đều có chế tài xử lý nghiêm, từ các mức độ xử lý hành chính cho đến cả việc xử lý hình sự. Về xử lý hành chính thì mức độ cao nhất là buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức; đối với lực lượng vũ trang thì có thể đến mức cao nhất là tước danh hiệu Công an Nhân dân, tước danh hiệu Quân nhân...

Cùng với đó, để tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn thì hàng năm sẽ lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh việc kê khai tài sản xem có trung thực hay không. Tới đây sẽ đưa về một đầu mối quản lý việc kiểm soát tài sản, thu nhập".

Đối với đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định trước đây, những trường hợp phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm gồm một số cán bộ cấp xã và cán bộ từ phó phòng của UBND cấp huyện hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định lần này sẽ phân biệt hai nhóm kê khai lần đầu và kê khai hàng năm. Theo đó, nhóm thứ nhất là kê khai lần đầu, gồm tất cả cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội, công an, người có chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp Nhà nước đều phải kê khai tài sản, thu nhập.

Đối với diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm sẽ thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ giám đốc Sở (hoặc tương đương) trở lên; người làm công tác tổ chức cán bộ; quản lý tài chính công, đầu tư công; hoặc tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao tham nhũng.

Nguyễn Hường

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 30

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-thao-moi-ve-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-nguoi-co-chuc-vu-quyen-han-khong-trung-thuc-co-the-bi-mat-chuc-a312590.html