'Dũng cảm xin lùi’ nếu dự luật thiếu tính khả thi


Thứ 3, 28/07/2015 | 12:18


Tại phiên họp Chính phủ,Thủ tướng cho rằng công tác xây dựng pháp luật cần cố gắng hết sức, tuy nhiên, nếu tính khả thi không cao thì có thể xin lùi, nhận lỗi.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật diễn ra trong 2 ngày (27-28/7), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: “Chúng ta hết sức cố gắng, hết sức nỗ lực làm theo chương trình, nhưng tính khả thi, tính đồng thuận chưa cao thì ta cũng dũng cảm xin lùi; nhận khuyết điểm…”.

Tại phiên họp này, có 9 dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ cho ý kiến, bao gồm các dự án Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Ban hành quyết định hành chính; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật Quy hoạch; Luật Đấu giá tài sản và Dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ ngày 28/7.

Dự án Luật về Hội quy định chi tiết về hội; quyền lập hội; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội; điều kiện thành lập hội; đăng ký thành lập hội; nội dung chủ yếu của điều lệ hội; quyền của hội viên; nghĩa vụ của hội viên; đơn vị, tổ chức thuộc hội; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ, giải thể hội; quản lý Nhà nước về hội...

Các thành viên Chính phủ đã tập trung làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quan điểm xây dựng luật; cơ chế, chính sách đối với hội; trình tự, thủ tục thành lập hội; công tác quản lý Nhà nước đối với hội…

Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, bám sát tinh thần của Hiến pháp năm 2013; quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo.

Dự luật này kế thừa nội dung của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tập trung điều chỉnh 3 vấn đề lớn là quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Về dự án Luật Tiếp cận thông tin, quy định cụ thể về công khai thông tin; cung cấp thông tin theo yêu cầu; cung cấp thông tin hạn chế tiếp cận; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và xử lý vi phạm…

Thảo luận về Dự án Luật Tiếp cận thông tin, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào một số phương án liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; phạm vi thông tin cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo yêu cầu; về các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin…

Dự án Luật Quy hoạch điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước được thống nhất từ Trung ương tới địa phương…

Thủ tướng lưu ý, dự án Luật Quy hoạch nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Nếu chuẩn bị tốt, phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 sẽ đưa dự án luật này vào chương trình để tiếp tục thảo luận. Nếu thấy chưa ổn thì chúng ta tiếp tục xây dựng.

“Chúng ta hết sức cố gắng, hết sức nỗ lực làm theo chương trình nhưng tính khả thi, tính đồng thuận chưa cao thì ta cũng dũng cảm xin lùi, nhận khuyết điểm xin lùi để chuẩn bị thêm còn hơn là đưa ra nhưng không khả thi, còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, khó thực hiện” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng dự án Luật Quy hoạch cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch, những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế… để đề ra những giải pháp khắc phục.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Đấu giá tài sản, các thành viên Chính phủ cho rằng dự án luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên cũng như chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; thúc đẩy dịch vụ đấu giá tài sản phát triển trong hệ thống các ngành, lĩnh vực dịch vụ theo cơ chế thị trường.

Các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án luật liên quan đến doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; chi phí đấu giá tài sản; việc xử lý vi phạm, công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo Công an nhân dân

Xem thêm: [mecloud]IAv5kQTvx7[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-cam-xin-lui-neu-du-luat-thieu-tinh-kha-thi-a103868.html