Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Phương án của hai Bộ chênh nhau hơn 32 tỷ USD


Thứ 3, 09/07/2019 | 13:17


Cùng sự kiện

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với khoảng 26 tỷ USD, tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có thể xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn khoảng 26 tỷ USD, tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Ảnh: Japantourist/Kyotostation.

Báo Tin Tức đưa tin, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan cho rằng, với chiều dài hàng nghìn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200 km/giờ là hiệu quả, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất trước đó của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia Hà Lan và Đức tính toán, nếu tính các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm.

Các chuyên gia Hà Lan và Đức cũng khẳng định, với tốc độ khai thác 200 km/giờ, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP. HCM sẽ vào khoảng 8 tiếng, như vậy là khá hợp lý.

Theo VnExpress, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, để bảo đảm tính khả thi về mặt kỹ thuật, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thực hiện dự án, không để các công ty nước ngoài thâu tóm các hợp đồng có giá trị lớn thuộc dự án để tránh bị lệ thuộc. Cùng đó, dự án cần tránh độc quyền công nghệ của đối tác nước ngoài, tạo khả năng hợp tác đa phương làm giảm chi phí công nghệ, tăng khả năng xã hội hóa đầu tư.

Đoàn tàu khách chất lượng cao tại ga Hà Nội. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Trước đó, theo báo Lao động Thủ đô, tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/2/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị phương án lựa chọn thực hiện đầu tư dự án theo kịch bản 3 với các nội dung chính:

Dự án có mục tiêu để cụ thể hóa chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; Quy mô Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.559 km, khổ đường 1.435m gồm 24 ga, 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 đề - pô, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng;

Tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác 320 km/h; Tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng (tương đương 58,7 tỷ USD), vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân chiếm 20%;

Thời gian thực hiện 2 giai đoạn: từ năm 2020 – 2032 thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh và Nhà Trang – TP.HCM, từ 2032-2050 thực hiện đầu tư đoạn Vinh – Nha Trang.

Nếu theo hai phương án mà hai bộ đưa ra tổng tiền đầu tư chênh lệnh nhau lên tới 32,7 tỷ USD (tính theo giá đô- la hiện hành chênh lệnh lên tới trên 700 nghìn tỷ đồng) là điều đáng bàn.

Đại diện liên danh tư vấn lập dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nói gì?

Chiều nay (9/7), trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - đại diện liên danh tư vấn lập dự án) nói: “Tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 58,7 tỷ USD đã được các đơn vị tư vấn tính toán kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ và đã cập nhật đơn giá thời điểm hiện tại.

Theo ông Sơn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện nay có quy mô và các thông số tương tự dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM đã được Quốc hội xem xét từ năm 2010. Khi đó, trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thẩm định và dự án có tổng mức đầu tư khoảng 55,8 tỷ USD.

“Thời điểm ấy, dự án chưa được làm rõ như bây giờ về hướng tuyến, thỏa thuận vị trí nhà ga, GPMB… Sau khi cập nhật đơn giá, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 58,7 tỷ USD với suất đầu tư khoảng 38 triệu USD/km, thấp hơn rất nhiều so với suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị hiện nay tại Việt Nam”, ông Sơn nói và cho biết, đơn giá của Việt Nam áp vào đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng thấp hơn so cả của Trung Quốc và Nhật Bản khoảng 30%.

Theo ông Sơn, số liệu về tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được liên danh tư vấn tính toán rất chi tiết và được kiểm soát chặt chẽ. Đối với phần xây lắp hạ tầng, theo tính toán, nếu xây dựng dự án để cho tàu chạy vận tốc 350km/h giá trị xây lắp sẽ tăng khoảng 10% so với tàu chạy 200km/h. Còn về phần mua sắm phương tiện, thiết bị để chạy tàu 350km/h cũng sẽ tăng khoảng 26% so với tàu chạy 200km/h.

Tàu cao tốc là phương tiện đi lại thuận tiện, hiện tại. Ảnh : Getty

“Rõ ràng, khi xây dựng hạ tầng và mua sắm phương tiện, thiết bị để phục vụ chạy tàu 350km/h cũng chỉ tăng khoảng 5 tỷ USD so với xây dựng hạ tầng, mua sắm phương tiện, thiết bị cho tàu chạy 200km/h”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, trong cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có rất nhiều thành phần, gồm: Xây lắp hạ tầng, thiết bị, thông tin tín hiệu, công trình kiến trúc, GPMB,… nên số liệu 26 tỷ USD mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra có thể chỉ là giá trị xây lắp của dự án.

Liên quan đến khuyến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công nghệ của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Sơn khẳng định, đối với phần hạ tầng của dự án, các nhà thầu trong nước hoàn toàn đủ năng lực để làm. Riêng phần thiết bị của dự án, với xu thế hiện nay của một số doanh nghiệp, việc nghiên cứu để đưa ra sản xuất các thiết bị phụ trợ, có sử dụng một số vật tư đặc chủng của nước ngoài thì hoàn toàn có thể kiểm soát được.

“Để có những con số cụ thể, cơ quan chức năng cần đưa tổ chức tư vấn, chuyên gia độc lập vào cùng với liên danh tư vấn nghiên cứu dự án để làm rõ số liệu, không nên đưa ra những con số không có cơ sở, tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận xã hội”, ông Sơn chia sẻ.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-sat-cao-toc-bac---nam-phuong-an-cua-hai-bo-chenh-nhau-hon-32-ty-usd-a283529.html