Làm sao để "diệt tận gốc" thực phẩm bẩn?


Thứ 5, 12/11/2015 | 00:25


(ĐSPL) - “Nếu chúng ta quản lý được từ gốc, từ chính nơi sản xuất hoặc ngay từ cửa khẩu thì lúc đó chúng ta mới mong muốn có được thực phẩm sạch", PGS.TS Côn nói.

(ĐSPL) - “Theo tôi, nếu chúng ta quản lý được từ gốc, từ chính nơi sản xuất hoặc các cơ quan chức năng quản lý được ngay từ cửa khẩu thì lúc đó chúng ta mới mong muốn có được một sản phẩm sạch nhất cho người tiêu dùng", PGS.TS Côn phân tích.

Hàng loạt chiêu thức "phù phép" thực phẩm bẩn bị lật tẩy

Vào đầu tháng 1/2015, Cục C49B và Chi Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã kiểm tra đột xuất cả 3 cơ sở kinh doanh tại phường Tân Thới Nhất (Q.12, TPHCM).

Tại các cơ sở, đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, thu giữ 43.720 kg măng ngâm hóa chất và 15kg hóa chất không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Trên nhãn phụ dán ngoài bao bì thùng hóa chất có hình ảnh cảnh báo nguy hiểm, cùng khuyến cáo "yêu cầu hỗ trợ y tế khi nuốt phải".

Loạt bài điều tra tháng 1/2015 của các phóng viên báo Lao Động cũng đã lật tẩy hành động dùng oxy già hoặc oxy già công nghiệp tẩy trắng mực bẩn. Mực đông lạnh được nhập về từ Đài Loan với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg, sau đó sẽ được các tiểu thương ngâm cho tan đá, rồi ngâm với oxy già và muối và bán ra thị trường.

Bằng mắt thường rất khó để phân biệt đâu là thực phẩm sạch, không hóa chất.

Đã có rất nhiều vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui và bị lên án, nhưng vì lợi ích cá nhân, nhiều chủ cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mới đây nhất, ngày 29/10, Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương tiến hành tiêu hủy 200kg chuối có sử dụng thuốc trừ cỏ CO 2,4D làm cứng trái của vựa chuối do ông Vũ Xuân Tiến làm chủ tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Vụ việc xảy ra khiến Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng phải thốt lên là “lạnh sống lưng” khi phát biểu tại hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trên hàng nông lâm thủy sản vừa qua.

Bao giờ thì có thực phẩm sạch?

Nhưng nguyên nhân là do đâu? Nói về điều này, PGS. TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa Học - Trường ĐH KHTN - ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết, qua thực tế cho thấy rằng, thực phẩm nhiễm bẩn chủ yếu là do 3 nguyên nhân:

Thứ nhất là do ý thức của người trồng trọt, chăn nuôi đã sử dụng những hóa chất không có trong các danh mục sử dụng nên gây ra nhiễm bẩn cho những thực phẩm này.

PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa Học - Trường ĐH KHTN - ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Thứ hai, do trong quá trình bảo quản những loại thực phẩm này, để cho hoa quả, thịt bán ra tươi ngon và hấp dẫn người tiêu dùng, nhiều chủ cơ sở dùng những loại thuốc sản phẩm bảo quản trôi nổi trên thị trường có nhãn mác Trung Quốc gây độc hại. Lý do bởi có nhiều hóa chất bảo quản rất an toàn, tuy nhiên giá cả đắt đỏ nên những cơ sở này vì lợi nhuận đã không sử dụng loại chất bảo quản an toàn đó để tốt cho người tiêu dùng mà không nguy hại đến sức khỏe.

Thứ ba, có thể do việc những người nông dân, những chủ cơ sở sử dụng những nguồn nước, phân bón không được phép sử dụng như thuốc trừ dịch hại, thuốc kích thích tăng trưởng...

Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiễm bẩn của chăn nuôi trồng trọt ở nước ta.

Theo PGS. TS Côn cho biết, vấn đề ATTP, thực phẩm bẩn là điều không thể nói chung chung, nó đang thực sự là mối lo ngại của tất cả người dân cũng như các cơ quan chức năng. Nhưng điều quan trọng vẫn là xuất phát từ cái tâm của những người làm ra chúng. Bản thân họ không dám sử dụng những sản phẩm họ làm ra nhưng lại ngang nhiên bày bán, tiêu thụ ra ngoài thị trường.

Đối với người tiêu dùng nói chung thì rất khó để đưa ra một lời khuyên chính xác cho việc lựa chọn thực phẩm sạch cho mình. PGS. TS Côn phân tích, nhiều người truyền tai nhau kinh nghiệm mua rau phải thế này, mua thịt phải thế kia… nhưng không phải lúc nào cũng chính xác.

Bởi, thứ thực phẩm chúng ta nhìn thấy có thể là một loại tươi ngon được trồng theo phương pháp hữu cơ, hoặc chăn nuôi theo phương pháp kinh điển thì rất là tốt, tươi ngon. Nhưng ví như cũng là miếng thịt, mớ rau đó nhưng được người ta tẩm hóa chất thì rất khó để người tiêu dùng phân biệt được, họ rất dễ bị đánh lừa bởi thị giác.

“Theo tôi, nếu chúng ta quản lý được từ gốc, từ chính nơi sản xuất hoặc các cơ quan chức năng quản lý được ngay từ cửa khẩu thì lúc đó chúng ta mới mong muốn có được một sản phẩm sạch nhất cho người tiêu dùng. Giữa một miếng thịt tươi chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ rất ngon với một miếng thịt ôi được phù phép thì rất khó phân biệt", PGS. TS Côn phân tích.

Ông Côn còn cho biết thêm, vệ sinh ATTP là vấn đề của cả một hệ thống, nếu chúng ta có một hệ thống kiểm soát tốt thì chúng ta mới có một hệ thống thực phẩm tốt, sạch và an toàn.

KIỀU LINH

Xem thêm: [mecloud]ghzjBtB1k7[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-sao-de-diet-tan-goc-thuc-pham-ban-a118888.html