Liên tiếp những vụ sát hại người yêu: Hồi chuông cảnh báo về kỹ năng sống


Thứ 7, 13/04/2019 | 00:06


Cùng sự kiện

Liên tiếp trong những ngày gần đây đã xảy ra 3 vụ sát hại bạn gái do mâu thuẫn trong tình cảm. Điều đáng nói, các nghi phạm đều được đánh giá là hiền lành.

Liên tiếp trong những ngày gần đây đã xảy ra 3 vụ sát hại bạn gái do mâu thuẫn trong tình cảm. Điều đáng nói, các nghi phạm đều được đánh giá là hiền lành, nhưng họ lại ra tay sát hại người yêu một cách tàn nhẫn...

Những vụ án đau lòng

Lực lượng chức năng có mặt ở hiện trường vụ án ở Thái Nguyên.

Chỉ trong một tuần lễ, liên tiếp xảy ra 3 vụ án mạng nghiêm trọng tại Ninh Bình, Hải Phòng và Thái Nguyên với cùng một nguyên nhân là: Sau khi sát hại người yêu, hung thủ cũng tự kết liễu cuộc đời mình.

Vào 19h30 ngày 1/4, tại khu vực đường 14, Khu Công nghiệp VSIP Hải Phòng, thuộc xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến một cô gái tử vong tại chỗ. Nạn nhân là chị Đặng Thu H., sinh 1996, ở thôn 5, xã Thủy Triều, Thủy Nguyên.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định: Chu Văn Hùng và chị Đặng Thu H. từng làm việc chung ở một công ty tại Khu Công nghiệp VSIP Hải Phòng và có quan hệ tình cảm nam nữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây giữa hai người phát sinh mâu thuẫn, Hùng xin nghỉ việc ở nhà.

Vào tối 1/4, Hùng chủ động tìm gặp chị H. để nói chuyện thì xảy ra cãi vã. Bị bạn gái đòi chia tay, Hùng kéo xe máy lại rồi bất ngờ dùng dao bầu chuẩn bị từ trước sát hại chị H.

Mới đây, khoảng 20h40 ngày 2/4, gia đình ông Lê Văn Lương (SN 1960) tại tổ 4 phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là chủ nhà trọ phát hiện hai thi thể chết trong phòng trọ tầng 2 của khu nhà. Thông tin nhanh chóng được thông báo cho lực lượng Công an.

Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan Công an xác định thi thể nữ là N.T.N (SN 2000), trú Sóc Sơn, Hà Nội, sinh viên năm nhất của đại học Thái Nguyên, là người thuê trọ. Thi thể nam là Phạm Văn Nhi (SN 1995), trú xã Tân Lập, Đầm Hà, Quảng Ninh, là sinh viên Học viện Phòng không không quân đang đi thực tập tại Sóc Sơn.

Qua khám nghiệm tử thi cho thấy, chị N. bị nhiều vết dao đâm ở ngực và lưng dẫn đến tử vong. Nhi chết trong tư thế thắt cổ bằng dây điện. Ngoài ra trong phòng có bình ga 12kg đang trong tư thế mở, cửa phòng được chốt trong... Vụ việc đã được thông báo cho gia đình hai bên. Bước đầu cơ quan Công an xác định, giữa chị N. và Phạm Văn Nhi có quan hệ yêu đương, có thể do mâu thuẫn tình cảm nên Nhi đã sát hại chị N. rồi tự tử.

Hiện trường vụ nam thanh niên sát hại bạn gái ở Hải Phòng. 

Thông tin ban đầu cho thấy, hầu hết các vụ án trên là do mâu thuẫn tình cảm yêu đương giữa hai bên, dẫn đến cự cãi, xô xát hoặc do phía nạn nhân (nữ giới) nói lời chia tay, muốn chấm dứt quan hệ tình cảm còn hung thủ (nam giới) thì không đồng ý, muốn níu kéo...

Để xảy ra những vụ việc đau lòng trên có thể nói xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về phía người phạm tội, ở độ tuổi thanh niên mới lớn thì suy nghĩ chưa thể chín chắn, đồng thời cảm xúc có nhiều thay đổi, khó kiểm soát. Khi yêu thì người ta thường sẵn sàng hy sinh vì nhau, dành tất cả mọi thứ cho nhau nhưng khi bị phản bội hoặc tình yêu tan vỡ họ rất dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, không thiết sống nữa dẫn đến hành động và suy nghĩ tiêu cực.

Vào thời điểm chia tay, người ta cảm thấy tuyệt vọng khi nghĩ rằng mình mất hết, không thiết sống nữa và tính ích kỷ cao độ của cá nhân có cơ hội bộc lộ, họ không muốn người yêu của mình hạnh phúc với người khác nên nhẫn tâm ra tay sát hại để cùng chết. Đó là biểu hiện tiêu biểu nhất của sự ích kỷ trong tình yêu và hành động thiếu kiểm chế cảm xúc của giới trẻ.

Độ tuổi trẻ đang trong quá trình phát triển về mặt tâm sinh lý, đang trong quá trình hình thành nhân cách, chưa có được những trải nghiệm cần thiết trong cuộc sống để hành động chín chắn hơn, bình tâm hơn nên trong độ tuổi này họ rất dễ xáo trộn và bùng nổ về mặt cảm xúc, nhận thức dẫn đến hành động không kiểm soát.

Trong một số trường hợp, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người thường thiếu kỹ năng sống, sinh ra trong môi trường gia đình thiếu sự quan tâm trong chăm sóc, giáo dục của bố mẹ. Mặt khác, những đối tượng này thường xuyên tiếp xúc với những bạn bè xấu, dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc, có thái độ coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Khi có điều kiện là tính ích kỷ đó sẽ bùng nổ trở thành hành vi vi phạm pháp luật.

Ảo tưởng về lối sống?

Mẹ nữ sinh bị bạn trai sát hại tại Thái Nguyên rơi nước mắt khi nhắc tới vụ việc. 

Việc học tập, rèn luyện kỹ năng sống rất cần thiết trong giới trẻ để chúng biết ứng xử trong các tình huống bất ngờ, trong những sự cố sao cho chuẩn mực nhất, khôn ngoan nhất. Có kỹ năng sống tốt chính là đã được thử nghiệm phải trải nghiệm qua những cảm xúc, những tình huống có vấn đề để khi sự việc xảy ra người ta biết lựa chọn cách xử lý cho phù hợp và kiểm chế được cảm xúc bản thân.

Thông thường, những đối tượng giết người yêu thương trong trạng thái tuyệt vọng, lúc đó họ không sợ sự trừng phạt của pháp luật mà sẵn sàng tự tử sau khi thực hiện hành vi giết người. Trong những vụ việc này thì nguyên nhân chính thường là bế tắc về tình cảm, rối loạn cảm xúc, thiếu kỹ năng sống để kiềm chế cảm xúc lựa chọn hành vi đúng mực cho bản thân, cảm xúc chi phối lý trí dẫn đến quẫn trí làm liều.

Sự bế tắc trong lối suy nghĩ bởi thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc khiến nhiều người trẻ giải quyết mâu thuẫn trong tình yêu một cách tiêu cực và thường là sử dụng bạo lực một cách chủ quan, cảm tính để giải quyết...

Không được thường xuyên giáo dục đức tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng chịu đựng sức ép hoặc các cú sốc tình thần nên trong cách cư xử dễ dẫn đến tâm lý hận thù, đố kị, ích kỉ, hẹp hòi và lựa chọn cách giải quyết thỏa mãn bản thân nhanh nhất bằng con đường bạo lực.

Ngoài ra có một số đối tượng sống trong gia đình được bố mẹ nuông chiều, luôn quen với việc được chiều chuộng cũng dễ dẫn đến tâm lý hẹp hòi, nhỏ nhen, đề cao lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích của người khác lên trước. Khi thấy lợi ích cá nhân của mình bị ảnh hưởng thì rất dễ nổi nóng và sẵn sàng giành lại công bằng cho chính mình bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật.

Giới trẻ vẫn thường có quan niệm cho rằng chuyện tình yêu là việc cá nhân, không ai có thể hiểu được mình dẫn đến quyết định giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “tự xử”. Mặt khác, nhiều đối tượng ảo tưởng về bản thân, luôn nghĩ mình đứng vị trí “trung tâm” số một trong quan hệ yêu đương nên khi xảy ra cãi vã, chia tay họ thấy bản thân khó chịu, “ngứa mắt”.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khách quan của xã hội hiện nay mang lại như: Do tác động của những mặt trái các thông tin từ internet, truyền thông với những pha bắn giết đẫm máu đầy bạo lực cũng phần nào đó gieo rắc tính hung bạo vào tâm trí của đối tượng. Do vậy, khi xảy ra mâu thuẫn trong tình yêu dù là nhỏ nhất, các đối tượng dễ bế tắc trong suy nghĩ dẫn tới hành xử theo cảm tính.

Để giảm bớt tình trạng chia tay là sát hại người yêu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tâm lý, xã hội cũng như về pháp luật. Cần tăng cường sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội, tăng cường kỹ năng sống, rèn luyện con người có nhân cách, có trách nhiệm phải biết tôn trọng người khác. Cần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, biết kiềm chế cảm xúc, sống có trách nhiệm với cộng đồng thì mới giảm thiểu được những vụ việc đau lòng như vừa qua.

Mạnh Lê

(Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 15)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lien-tiep-nhung-vu-sat-hai-nguoi-yeu-hoi-chuong-canh-bao-ve-ky-nang-song-a270832.html