Một huyện nghèo ở Bình Định xây được tượng đài 48 tỷ


Chủ nhật, 05/07/2020 | 03:40


Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn thành. Tượng đài này được xây dựng tại huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định.

Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn thành. Tượng đài này được xây dựng tại huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định.

Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo tờ Thương hiệu & Công luận, công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, Bình Định được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000 m2. Trong đó phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5 m, phần bục cao 4,5 m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối.

Tổng mức đầu tư xây dựng tượng đài là hơn 48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện Vĩnh Thạnh huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa khác.

Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc phác họa tình quân dân hai làng Tơlok, Tơlek tự vũ trang đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm. Ngoài ra, phần sân, mặt bậc cấp khuôn viên tượng đài được làm bằng bê tông và hoàn thiện lát đá granit tạo hoa văn. Lan can xung quanh được làm bằng đá.

Hiện các hạng mục lắp đặt phần phù điêu, móng bệ tượng, lan can, nền sân... đã cơ bản xong, đơn vị thi công đang lắp đặt phần tượng đá, ốp đá lan can, tường móng mặt ngoài sân... Công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2020.

Chia sẻ trên tờ Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Đẩu, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết công trình tượng đài này đã hoàn thành được 50%, nhưng rất khó đúng tiến độ dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2020.

"Nguồn vốn xã hội hóa được lấy để làm tượng đài, không lấy vốn xóa đói giảm nghèo. Với các ý kiến của nghệ nhân, già làng người đồng bào Ba Na về các hình ảnh khắc trên tượng đài chưa đúng với hình ảnh người đồng bào dân tộc thiểu số, hiện huyện đang tiếp thu và điều chỉnh" - ông Đẩu nói.

Ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), cho rằng Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo, dân còn khổ cực, làm một tượng đài gần 50 tỷ thì quả thực quá lớn.

Tượng đài nằm ở huyện miền núi, vị trí lại không phải di tích (di tích làng Tơlok, Tơlek nằm ở bên kia sông Kôn, trên núi thuộc xã Vĩnh Hiệp) nên chưa biết sẽ hiệu quả như thế nào. Chưa kể kiến trúc tượng đài quá hiện đại, người Ba Na thấy không gần gũi sẽ khó đến nhiều.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-huyen-ngheo-o-binh-dinh-xay-duoc-tuong-dai-48-ty-a329763.html