+Aa-
    Zalo

    Ký ức một thời không thể nào quên của người truyền lửa cho thế hệ mai sau

    ĐS&PL (ĐSPL)- Ông mong rằng, những câu chuyện và nhân chứng có thật sẽ truyền tiếp ngọn lửa yêu nước của thế hệ cha ông cho lớp lớp thế hệ kế cận.

    (ĐSPL)- Đã biết bao lần ông kể những câu chuyện về Hà Nội những ngày cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về những hoạt động nhiệt huyết của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu 70 năm về trước. Những lúc như vậy, ông không chỉ muốn thế hệ trẻ biết được những ngày tháng hào hùng, sôi nổi của tuổi trẻ Thủ đô một thời chiến đấu với kẻ thù để giành chính quyền, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Hơn thế nữa, ông mong rằng, những câu chuyện và nhân chứng có thật sẽ truyền tiếp ngọn lửa yêu nước của thế hệ cha ông cho lớp lớp thế hệ kế cận.

    Ký ức hào hùng

    Đã 70 năm trôi qua nhưng những ký ức của ông Lê Đức Vân về Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và những hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ Thủ đô chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (8/1945) và mừng Quốc khánh 2/9 vẫn gần như nguyên vẹn. Tâm sự với chúng tôi, ông Vân tự hào kể, ông đã nhiều lần được nói chuyện với các bạn trẻ về những ngày tháng đặc biệt này, những lần như vậy ông muốn truyền ngọn lửa cách mạng tới cho thế hệ trẻ, để họ phấn đấu hơn nữa, tiếp bước tinh thần cách mạng sục sôi của cha anh đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc muôn đời sau.

    Ông Lê Đức Vân cho biết, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập vào tháng 8/1944 tại số 46 Bát Đàn (Hà Nội). Đây là một tổ chức quần chúng của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh. Sự ra đời của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu do xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Hà Nội cần có một tổ chức độc lập, tinh nhuệ của thanh niên, học sinh, sinh viên yêu nước.

    Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc bộ phủ (Ảnh tư liệu)

    Lúc mới thành lập, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu có 60 đồng chí đoàn viên, là học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang... Đoàn hoạt động tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp... dưới nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, truyền đơn, báo, tài liệu mật. “Hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa phải đối mặt với những sự tàn bạo của địch nhưng vì độc lập của dân tộc, những thanh niên vẫn sẵn sàng chấp nhận cái chết.

    Thế cho nên, tuy chỉ là những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi nhưng họ đều là những cán bộ, đặc biệt là cán bộ đoàn thanh niên, hoạt động rất hiệu quả, sáng tạo. Khi thấy có cơ hội cống hiến cho đất nước, giải phóng đất nước, mọi người đều sẵn sàng cống hiến với khí thế sục sôi'', ông Vân nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc. 

    Hoạt động cách mạng của thanh niên Hà Nội thời bấy giờ được sự quan tâm và dẫn dắt của Đảng, trực tiếp là đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Vũ Oanh - Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội. Qua thực tiễn đấu tranh, thanh niên Thủ đô nhanh chóng trở thành một lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng.

    Lịch sử còn ghi dấu nhiều chiến công của thanh niên Hà Nội, đặc biệt, những hoạt động sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945). Thực hiện Chỉ thị "Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Đảng, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tổ chức nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn trong nhân dân, khiến kẻ địch kinh hoàng như: Diễn thuyết ở chợ Mễ Trì (Nam Từ Liêm ngày nay); Phá kho thóc của Nhật ở Mọc Quan Nhân (quận Cầu Giấy); Diễn thuyết, treo cờ đỏ sao vàng trên tàu điện các tuyến Vọng - Bờ Hồ, Hà Đông - Hà Nội, Cầu Giấy - Bờ Hồ; Diễn thuyết tại các rạp hát Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng), Quảng Lạc, rạp chiếu phim Majestic (nay là rạp Tháng Tám); tham gia diệt ác trừ gian cùng đội A.S (đội Danh dự Việt Minh)...

    Trong ký ức của ông Lê Đức Vân, buổi “cướp diễn đàn” của Chính phủ Trần Trọng Kim vào ngày 17/8/1945 là một trong những ký ức đẹp nhất, cũng là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần cách mạng của thanh niên Thủ đô. Ông Vân nhớ lại: “Hôm đó, Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát lớn. Hàng vạn người dân kéo đến xem.

    Trong khi đó, ngay từ đầu ta có chủ trương phá bằng được cuộc mít tinh này. Lúc đó, Việt Minh đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Thành viên nào cũng mang theo cờ đỏ sao vàng, đứng xen lẫn với nhân dân.

    Khi chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tuyên bố khai mạc buổi lễ, các đồng chí trong Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã nhảy lên khán đài cướp micro và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh, đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó có khoảng 500 anh em ở dưới nhất loạt phất cao cờ đỏ sao vàng, đồng thời một lá cờ rất to được buông từ tầng hai Nhà hát lớn xuống”.

    “Chẳng ai ngờ được, cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được chuẩn bị một cách công phu, an ninh được thắt chặt nhưng lại bị phá vỡ một cách giản đơn đến vậy. Sau khi Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hành động, cờ đỏ sao vàng được treo cao bay phấp phới.

    Người dân hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh và tự phát thành một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh qua các phố phường Hà Nội”, nói đến đây, ánh mắt ông Vân sáng rực đầy tự hào. Chỉ cần những từ ngữ bình dị như thế, ông đã cho chúng tôi thấy toàn bộ khung cảnh Hà Nội những ngày trước lễ độc lập 2/9/1945.

    Truyền lửa cho thế hệ mai sau

    Ông Vân kể lại sự kiện lịch sử trong sự hân hoan: “Đi đến đâu, dân chúng hò hét đi theo đến đó, hô vang: “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Thời điểm đó, rất đông người dân Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh. Thời cơ đã đến, ngay tối 17/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định Tổng khởi nghĩa. Khởi nghĩa ngày 19/8 diễn ra thành công”.

    Ông Lê Đức Vân tại buổi tọa đàm “70 năm - Hành trình lịch sử”.

    Thế rồi, để chuẩn bị cho ngày 2/9, thanh niên Thủ đô chia nhau từng tốp đi vận động các gia đình may cờ Tổ quốc, đồng thời thông báo rộng rãi cho mọi người dân về lễ mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Trong trí nhớ của ông Vân, hình ảnh những thanh niên với những chiếc loa thủ công to kềnh càng đi đến từng địa bàn để tuyên truyền, loan tin cho người dân, dán khẩu hiệu, treo cờ, khất thực (để cứu đói cho người dân)...

    Được biết, từ khi về hưu, cứ đến dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ông Vân lại mang hồi ức đặc biệt của mình truyền lại với những thế hệ sau này trong những cuộc giao lưu mang nhiều ý nghĩa. Mới đây nhất, ông Lê Đức Vân xuất hiện trong buổi tọa đàm “70 năm - Hành trình lịch sử” giao lưu giữa nhân chứng lịch sử giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với các thủ khoa, nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.                                            

     Xúc động vì thấy ngọn lửa cháy trong trái tim tuổi trẻ

    Ông Lê Đức Vân cho rằng: “Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cũng đa số là các học sinh, sinh viên chỉ mười tám, đôi mươi. Chúng tôi hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, phải đối mặt với những sự tàn bạo của địch. Nhưng vì độc lập, chúng tôi luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Còn bây giờ, tôi rất xúc động khi chứng kiến màu cờ Tổ quốc rực rỡ trên trang phục của những thanh niên trẻ tài năng, nhiệt huyết. Khác với thế hệ của chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong thời kỳ hòa bình, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vì vậy tôi tin tưởng các cháu sẽ là lực lượng quan trọng đóng góp trí tuệ vào sự phát triển của đất nước”.

    Văn Chương – Trinh Phúc

    Xem thêm video:

    [mecloud]: f4m0sDupiP[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-mot-thoi-khong-the-nao-quen-cua-nguoi-truyen-lua-cho-the-he-mai-sau-a108335.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.