Người dân ngã ngửa khi lợn chính sách đắt đỏ vừa được cấp đã lăn ra chết


Thứ 4, 25/11/2020 | 03:24


Cùng sự kiện

Sau 15 ngày nhận lợn chính sách, 25 con lợn giống của các hộ gia đình bỗng nhiên đổ bệnh, chết liên tục.

Sau 15 ngày nhận lợn chính sách, 25 con lợn giống của các hộ gia đình bỗng nhiên đổ bệnh, chết liên tục.

Lợn chưa ấm chuồng đã bỏ ăn rồi chết dần

Lợn giống chính sách đắt đỏ bỗng lăn ra chết khiến người dân lo lắng.

Theo thông tin người dân tại thôn Thành Đông (xã Tú Xuyên, Văn Quan, Lạng Sơn) phản ánh, sau khi nhận lợn hỗ trợ từ Nhà nước chưa lâu, bỗng nhiên lợn đổ bệnh, chết hơn 20 con mà chưa rõ nguyên nhân.

Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, anh Hoàng Khởi (người dân tại thôn Thành Đông) cho biết: “Chúng tôi là những hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay sau 15 ngày kể từ khi nhận lợn chính sách đã có 25 lợn giống ngã bệnh chết không rõ nguyên nhân”.

“Ngay sau khi nhận lợn về, buổi tối đã có con bỏ ăn. Sau đó, chúng cứ chết dần, trong đó có lợn của chính gia đình tôi. Mọi người đều rất lo lắng. Nhưng, khi báo chính quyền địa phương họ lại nói các hộ gia đình tự chôn lợn đã chết và sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn chưa thấy cán bộ thú y nào xuống làm việc cả”, anh Khởi nói.

Trước thông tin phản ánh của người dân, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Tú Xuyên để tìm hiểu thông tin. Trao đổi với PV, ông La Anh Thái - Chủ tịch UBND xã Tú Xuyên - cho biết: “Ngay sau khi xảy ra tình trạng lợn chết, chúng tôi đã cho cán bộ, cùng cán bộ thú y của huyện Văn Quan vào lấy mẫu đi xét nghiệm. Nguyên nhân ban đầu khiến tình trạng lợn chết là do bệnh sưng phù đầu gây ra bởi chủng E.coli”.

Đắt không “xắt ra miếng”

Theo như vị lãnh đạo xã thông tin, khi nhận lợn về phát cho bà con đã cho cán bộ thú y khám, theo dõi tình trạng sức khỏe, nhưng không phát hiện triệu chứng gì của bệnh. Hơn nữa, lợn được nhận về đến xã còn có cả giấy kiểm định của chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn. Sau khi về đến địa phương, lợn mới có dấu hiệu bệnh.

“Về bệnh này, trước đây nhiều gia súc của các hộ gia đình trên địa bàn xã đã mắc phải trong giai đoạn đang tách sữa. Nguyên nhân do các hộ gia đình chăn nuôi tinh bột quá nhiều nên bệnh xuất hiện”, ông Thái nói.

Theo ông Thái, tổng dự án hỗ trợ bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo mà UBND huyện Văn Quan phê duyệt là 319 triệu đồng, sau đó chia cho 71 hộ dân trên địa bàn xã theo quy định.

Theo đó, hộ nghèo được nhận hỗ trợ từ tiền chính sách không quá 7 triệu đồng, hộ cận nghèo không quá 5,6 triệu đồng còn hộ mới thoát nghèo là không quá 3,5 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ gia đình nhận được lợn với giá trị là 4,2 triệu đồng/con.

"Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã ngồi lại họp với bên cấp giống cho bà con, trước mắt sẽ rà soát xem đã chết bao nhiêu con và còn lại bao nhiêu, sau đó phía cấp giống sẽ phải cấp lại lợn cho bà con do những con lợn trước đây chưa đảm bảo về cân nặng, tháng tuổi dễ mắc bệnh", vị lãnh đạo xã cho hay.

Đỗ Tuấn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (187)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-nga-ngua-khi-lon-chinh-sach-dat-do-vua-duoc-cap-da-lan-ra-chet-a347154.html