Những người thân “siêu điệp viên” chịu tiếng oan chồng... “làm tay sai cho địch”


Chủ nhật, 20/09/2015 | 06:27


(ĐSPL) - Chúng tôi đã gặp người con trai của ông Ba Quốc và bà Phạm Thị Thanh. Anh năm nay đã ngoài 50 tuổi và cũng là một cán bộ quân đội.

(ĐSPL) - Chúng tôi đã gặp người con trai của ông Ba Quốc và bà Phạm Thị Thanh. Anh năm nay đã ngoài 50 tuổi và cũng là một cán bộ quân đội.

Anh bảo: "Hồi đó sau khi bố tôi đi họp về, bảo với mẹ tôi rằng: Anh phải đi, 2 năm nữa sẽ về. Bố cũng nói với mẹ về chuyện cô Xuân, mẹ bảo vì nhiệm vụ của bố nên chấp nhận. Thế rồi không phải 2 năm mà đến 20 năm sau bố mới trở về".

Phải chịu tiếng oan

Khi ông Ba Quốc vào Nam, bà Thanh đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy In Tiến Bộ. Anh kể tiếp: "Mẹ tôi đang làm ở đó thì bị đưa lên Phú Thọ, nơi đấy rừng núi âm u lắm. Ban đầu bà làm cấp dưỡng cho một đơn vị, sau đó chuyển qua Nông trường chè Vân Lĩnh. Lúc đó tôi nghe nhiều thông tin về bố tôi, có người bảo bố tôi chết rồi, có người bảo bố tôi theo giặc. Mẹ tôi cũng giấu không nói bố tôi đi đâu. Chị em chúng tôi không biết gì cả. Mãi đến sau này, khi mẹ tôi bị một trận ốm rất nặng, tưởng không qua khỏi, bà mới gọi chúng tôi lại bảo rằng bố chúng tôi đi B".

Chúng tôi hỏi cuộc sống của gia đình hồi đó như thế nào, anh nhớ lại: "Lên nông trường mẹ tôi khổ lắm. Lương thì ít ỏi mà phải nuôi ba miệng ăn. Mẹ tôi là con gái Hà Nội, được học hành tử tế, vậy mà lên đến Vân Lĩnh phải làm đủ thứ công việc, từ cuốc đất trồng chè, giữ kho quần áo bảo hộ lao động và nhiều công việc nặng nhọc khác.

Mà ăn uống thì có bao giờ đủ no đâu. Cả ba mẹ con chúng tôi chỉ trông vào một suất gạo của mẹ, nên ăn sắn ăn khoai là trường kỳ, thậm chí có thời gian cả tháng trời phải ăn sắn. Tôi nhớ một lần chị tôi đi tập huấn bắn súng, vì chị tôi có năng khiếu thể thao, chị tôi tiết kiệm được mang về một ít gạo. Các anh có tưởng tượng được không, chúng tôi chỉ nấu lên chưa ăn đã thấy ngon, rồi ăn tới đâu tỉnh người tới đấy.

Tin trong nước - Những người thân “siêu điệp viên” chịu tiếng oan chồng... “làm tay sai cho địch”

Đại tướng Lê Văn Dũng tặng hoa tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc).

Chưa hết đâu, ngay cả quần áo chúng tôi cũng không đủ để mặc, nên nhiều khi mẹ tôi và chị tôi phải mặc chung đồ của nhau. Mẹ tôi bị nông trường phê bình rất nhiều về việc mặc chung đồ với con gái, nhưng bà phải chịu thôi, vì quá nghèo biết làm thế nào được, cái ăn còn không đủ thì lấy đâu cái mặc".

Nhớ lại những chuyện đã xảy ra, đã lâu lắm rồi mà anh tưởng như vừa mới xảy ra. Anh nói tiếp: "Hồi ấy gần chỗ chúng tôi ở có một cái căn-tin, thấy người ta ăn phở chúng tôi thèm lắm. Nhưng phở đối với chúng tôi là cả một vấn đề. Có lần thèm quá chúng tôi về xin mẹ, mẹ không có tiền, nhưng thương con bà cũng tìm được cho chúng tôi.

Tiền mẹ cho chỉ đủ mua một tô phở thôi. Thế là hai chị em hăm hở đến căn-tin xếp hàng, đến lượt chị tôi mua thì đồng xu do chen lấn đã rơi đâu mất. Chúng tôi buồn bã quay về nhà nói với mẹ. Mẹ bảo hai chị em về nhà đi, đợi mẹ. Chúng tôi vừa buồn vừa sợ. Rồi mẹ về, mẹ chỉ khóc thôi. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn không hiểu vì sao cuộc sống của chúng tôi lại cơ cực đến vậy".

"Còn chuyện ở, cũng nhiêu khê lắm, cực kỳ tạm bợ. Một lần, lúc đó tôi đã lớn rồi, về nhà tôi thấy áo quần đồ đạc bị bỏ ra ngoài sân. Người ta lấy lại chỗ ở đó. Nếu muốn lấy lại nhà thì người ta chỉ cần bỏ đồ đạc của chúng tôi ngoài sân. Lúc bấy giờ mẹ con tôi lại lóc cóc, người ta chỉ đến đâu thì đến đó. Thời gian ấy có năm mẹ con tôi phải chuyển đi đến 4 lần. Bởi vì chỗ ở là của nông trường, hễ có một ai đó xây dựng gia đình, người ta lại "mời" mẹ con tôi đi chỗ khác lấy chỗ cho vợ chồng mới cưới ở, họ bảo mình tới đâu thì mình tới đó", anh nhớ lại.

Chúng tôi cũng đã gặp chị Đặng Thị Châu Giang, người con gái đầu của ông Ba Quốc. Nói thêm về chuyện nhà cửa, chị Giang bảo: "Nhà của mẹ con tôi hồi ấy không có cửa nẻo gì hết, chui ra chui vào bất cứ chỗ nào cũng được. Phía trên trời nắng thì không sao, còn trời mưa thì ba mẹ con cứ căng tấm nilon lên, dồn vào một cái giường. Cái giường là vật đáng giá nhất của mẹ con tôi, tính ra trị giá khoảng 15 ngàn đồng bây giờ".

Sống trong một hoàn cảnh như thế, bà Thanh đã có một bản lĩnh đáng nể. Anh Trần Sơn, chồng chị Giang, cũng là một cán bộ quân đội về hưu, nói về mẹ vợ của mình: "Bà là người tuyệt vời lắm. Kiếm một phụ nữ như thế là hơi khó đó, không phải bà là mẹ vợ của tôi mà tôi nói vậy đâu...".

Hai người con ở miền Bắc

Chị Đặng Thị Chính Giang kể: “Chuyện học hành của chị em tôi nhiêu khê lắm. Khi tôi học đến lớp 4, tự nhiên nhà trường không cho học nữa. Hồi ấy vào đầu năm học, những cháu gặp khó khăn hoặc gia đình bộ đội, gia đình cán bộ công nhân viên thì được nhà trường cho sách giáo khoa hoặc tập vở, còn tôi thì không có gì.

Lại có tin bố tôi là phản động chạy theo địch nên họ không cho học tiếp. Mẹ tôi phải nhờ một ông ở nông trường đứng ra can thiệp thì tôi mới được học tiếp, nhưng cũng không được cấp sách vở.

Tôi là học sinh giỏi văn đấy, nhưng trường cũng không cho đi thi. Cho đến khi tôi học xong lớp 5, thì trên Cục (cơ quan tình báo quân đội - PV) thông báo cho tôi vào học trường học sinh miền Nam dành cho nữ, khi ấy ở Hải Phòng. Thế là mẹ tôi cho tôi về Hà Nội để chờ nhập học. Tôi chờ hết tháng 8, không thấy gọi, sang đến sau mùng 2/9 cũng không thấy gọi.

Ông nội tôi mới lên Cục hỏi thì các anh ấy bảo: Nếu cho cháu vào học thì anh ấy (ông Ba Quốc - PV) sẽ bị lộ. Các anh trong Cục chỉ nói với ông và mẹ tôi thôi, còn với tôi thì họ nói ngắn gọn: Trường miền Nam đủ học sinh rồi, không nhận nữa.

Tôi phải về lại Phú Thọ. Còn nhớ lúc ấy tôi một mình cầm một túi quần áo và đem theo mấy cái bánh dẻo ông nội cho, ra tàu đi từ Hà Nội về đến ga Phú Thọ, từ ga đi bộ thêm 9 cây số nữa. Năm ấy lại bị lũ, tôi đi qua một cái suối, cầu thì trôi hết rồi, nên phải đi trên một cây cầu tạm lắc lư, nhìn xuống suối mà bụng bảo dạ: Nếu có ngã xuống suối này cũng không sao, miễn là đừng chết và đừng rơi mấy cái bánh dẻo. Trên ấy mà có được mấy cái bánh dẻo này là cả một vấn đề, quý lắm...”.

Chị Giang kể tiếp: “Về đến trên này, tôi học đến hết lớp 7, không được thi lên lớp 8, họ chuyển tôi sang học trường phổ thông công nghiệp, dạng như trường vừa học vừa làm. Một buổi đi học, một buổi phải đi làm, thấy khổ quá, tôi nghĩ tốt nhất mình đi học trung cấp, mất hai năm rưỡi thôi, khi ra trường sẽ có một cái nghề làm kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Tôi làm đơn xin nghỉ học, rút hồ sơ xin vào học trung cấp vật tư. Hồi đó xin vào học trung cấp thì không khó nhưng phải nộp tiền ăn học, không có học bổng”.

Chuyện học của chị Giang là như vậy, nhưng chị bảo chuyện học của em trai chị còn phức tạp hơn nhiều. “Cũng long đong như tôi, cậu ấy học xong cấp 2 thì họ cũng không cho học nữa. Mẹ tôi gọi tôi về bảo ra trường cấp 3 xin cho em, nếu không cho học chính quy thì học dự bị cũng được. Nhưng họ dứt khoát không cho. Chính quy cũng không cho mà dự bị cũng không cho. Thế là cậu ấy phải về nông trường đi làm mất một năm, nói chính xác là đi chặt nứa về bán cho nông trường.

Lúc ấy tôi đã lớn rồi, tôi chạy lên Cục nhờ các anh ấy can thiệp. Tôi làm sẵn một cái đơn nhờ các anh ấy chứng nhận, nhưng các anh ấy bảo: Không thể chứng nhận được, chứng nhận vào là bố sẽ bị lộ ngay! Cuối cùng, có một chú tên là Kình, bạn thân của bố tôi đứng ra bảo lãnh. Chú Kình là cán bộ quân đội chỉ huy cấp sư đoàn. Chú nhờ bạn bè lo cho em tôi vào học trường trung cấp quân giới. Cậu ấy thi và đậu vào trường này, nhưng khi đến trường thì bị đuổi về vì lý lịch. Chú Kình lại chạy đi lo một lần nữa mới được.

Chú ấy bảo: Tôi phải lo cho cháu chứ mai kia anh ấy về thì tôi biết nói sao với anh ấy đây! Thật tội cho chú ấy, không bao giờ chú ấy còn gặp được bố tôi, vì sau đó chú ấy đã hy sinh ở Quảng Trị”.

Người em trai chị Giang còn cho biết, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt, anh đã đăng ký vào bộ đội nhưng cũng vì lý lịch “không trong sạch” của anh mà người ta đã không cho anh nhập ngũ. Gia đình bà Thanh ở trên Phú Thọ một thời gian rất dài, mãi sau này mới về Hà Nội.

Anh Trần Sơn kể: “Hồi đơn vị tôi lên sơ tán, tôi quen nhà tôi. Lúc ấy gia đình bà cụ khó khăn lắm, nhưng mọi người chung quanh rất kính trọng bà cụ. Tình cảm giữa chúng tôi ngày càng sâu đậm và thành vợ thành chồng”.

Chúng tôi hỏi: “Anh là bộ đội, lấy một người có lý lịch không rõ ràng, anh có gặp trở ngại gì không?”. “Cô ấy tốt, gia đình cô ấy được mọi người kính trọng, tôi sợ gì. Vả lại, tôi tuy là Đảng viên nhưng chỉ làm công tác chuyên môn thôi, nên không bị gây khó dễ. Mà có bị gây khó dễ tôi cũng chấp nhận”.

Anh Sơn kể tiếp: “Trong thời gian xây dựng Lăng Bác Hồ, cả Cục Quân khí chỉ chọn một người đi xây Lăng, người đó là tôi, thành ra tôi nghĩ đơn vị không có định kiến gì với tôi qua cuộc hôn nhân này. Và chính vì được đi xây Lăng nên sau đó tôi mới chuyển được nhà tôi và bà cụ về Hà Nội.

Có lần (sau giải phóng), thằng Vũ (anh Nguyễn Vũ, con ông Ba Quốc với bà Ngô Thị Xuân) ra, nó thấy một gian nhà lá ở Đông Anh, chỉ kê một chiếc giường, nó bảo: Có lẽ mẹ ở ngoài này bị đi cải tạo hay sao mà không được ở một cái nhà đàng hoàng ?

Tôi bảo với nó rằng không phải, vì hoàn cảnh mới như thế thôi. Căn nhà lá đó là tiêu chuẩn của nhà tôi, bà cụ về ở với con để trông cháu ngoại, chứ hộ khẩu của cụ vẫn còn trên Phú Thọ. Một thời gian sau khi ông (ông Ba Quốc) về, tôi có một anh bạn, anh ấy cho tôi một mảnh đất ở Nghĩa Đô, làm được một căn nhà cấp 4, lúc bấy giờ mẹ con tôi mới chính thức có được một cái nhà riêng”.

HOÀNG ANH

Xem thêm video: 

[mecloud]HdmUabRikZ[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nguoi-than-sieu-diep-vien-chiu-tieng-oan-chong-lam-tay-sai-cho-dich-a111349.html