Nổ lò hơi ở Thái Nguyên: Sức khoẻ của 6 nạn nhân dần ổn định


Thứ 7, 12/11/2016 | 13:36


(ĐSPL) – Sức khỏe của 6 nạn nhân bị thương trong vụ nổ nồi hơi ở Thái Nguyên đã dần ổn định. 4 trường hợp bị thương nhẹ có thể xuất viện trong vài ngày tới.

(ĐSPL) – Sức khỏe của 6 nạn nhân bị thương trong vụ nổ nồi hơi ở Thái Nguyên đã dần ổn định. 4 trường hợp bị thương nhẹ có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo tin tức trên báo VOV, vụ nổ lò hơi tại khu vực sản xuất của công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên (tổ 15, phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên) vào ngày 10/11 đã khiến 2 người tử vong và 6 người bị thương.

Theo cơ quan chức năng địa phương, 6 nạn nhân bị thương trong vụ nổ đã được cấp cứu kịp thời. Hiện nay, cả 6 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện, tâm lý và sức khoẻ đã ổn định. Hai trường hợp nặng nhất bị gãy xương chân trái và vỡ mâm chày chân phải sẽ tiếp tục được điều trị tích cực. Còn lại 4 nạn nhân còn lại bị bỏng và chấn thương nhẹ có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, ngày 11/11, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH đã có buổi làm việc, nắm bắt sự việc tại hiện trường vụ nổ lò hơi. Sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường, nắm bắt thông tin tại các hồ sơ do công ty cung cấp, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc quản lý hồ sơ các thiết bị tại Công ty không được chặt chẽ, các khâu từ thiết kế, bảo dưỡng và kiểm định được Công ty đưa ra bằng những văn bản có thời gian quá lâu so với quy định. Bên cạnh đó, việc huấn luyện kiến thức cho cán bộ vận hành và người quản lý về sử dụng thiết bị còn sơ sài.

Trước đó, báo Thanh Niên đưa tin, ông Nguyễn Thế Hoàn, Chánh Văn phòng UBND thành phố Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn đã xảy ra một vụ nổ lò hơi khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương. Hai người tử vong tại chỗ gồm: 1 nam 1 nữ; 6 nạn nhân khác đã được đưa đi cấp cứu.

Theo ông Nguyễn Thế Hoàn, 2 nạn nhân tử vong khi đứng gần 1 bức tường, do áp lực vụ nổ khiến tường đổ xuống, đè tử vong. Được biết, khi xảy ra vụ nổ, cả 8 nạn nhân đều đang trong quá trình sản xuất cột điện bê tông tại xưởng.

Tại hiện trường, phần nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông bị hư hỏng nặng, mái tôn bị hất tung, nhiều máy móc đổ nghiêng. Ngoài ra, vụ nổ cũng khiến một số nhà dân bên cạnh bị hỏng tường, mái nhà và cửa.

Điều 16, luật An toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:

“Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

1. Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

3. Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

4. Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

5. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.

6. Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

7. Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

8. Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động”.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Nhân Văn (tổng hợp)

Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]RxfLiyTdQd[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/no-lo-hoi-o-thai-nguyen-suc-khoe-cua-6-nan-nhan-dan-on-dinh-a170042.html