Rúng động những trường hợp "dạy con" kiểu bạo lực


Thứ 2, 17/08/2015 | 13:04


(ĐSPL)- Tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn đang diễn ra hàng ngày, không chỉ trong xã hội mà ngay chính gia đình của các em.

(ĐSPL)- Tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn đang diễn ra hàng ngày, không chỉ trong xã hội mà ngay chính gia đình của các em.

Bố dùng dây điện đánh đập con trong cơn say

Nạn nhân trong vụ bạo hành dã man là cháu Lê Văn H (SN 1999, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Cổ Loa, Hà Nội). Cháu H cho biết cứ cách vài tháng lại bị bố đẻ là anh Lê Văn Sinh (SN 1973) trong cơn say rượu đánh đập dã man.

Ngày 3/3/2015, H bị bố dùng dây điện đánh tới mức thâm tím, 1 bên mắt trái không mở được, sau đó bé bị tụ máu và có những vết sẹo chằng chịt sau lưng. Nguyên nhân lần bị đánh này là do H làm trâu sổng chuồng, tới 8h tối ngày 3/3 vẫn chưa tìm thấy.

Sau khi đánh con, anh Sinh dọa nạt nên cháu H không dám báo cho mẹ đẻ là chị Nguyễn Thị H (SN 1976, xóm Vang, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội cho biết, ngày 4/3, chị mới được hàng xóm ở thôn Xuân Canh điện thoại báo tin con bị bố đánh dã man.

Khuôn mặt đầy sẹo của bé trai do bố đánh.

Chiều 4/3, khi chị đến nhà, anh Sinh và vợ nói dối cháu H đang đi chơi, chị chạy vào trong buồng phát hiện cháu H đang nằm trên giường, người đầy thương tích nên vội vàng đưa cháu đi viện khám và điều trị.

Theo chị Hoài, trong thời gian H ở với bố thường xuyên bị ngược đãi, đánh đập rất dã man, ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và sức khỏe. Việc học tập của H vì thế cũng sa sút.

Được biết, do có mâu thuẫn và thường xuyên bị chồng đánh đập, 2 người ly hôn từ năm 2009 khi đã có với nhau 2 mặt con là H và bé Lê Thanh X (SN 2002).

Theo quyết định của TAND huyện Đông Anh, H sống cùng bố, X sống cùng mẹ. Anh Sinh hiện tại đã đi bước nữa và có thêm 2 con.

Người mẹ chia sẻ rằng muốn đưa con về chăm sóc nhưng do chỉ chạy chợ nên kinh tế khó khăn và cũng phải ở nhờ trong ngôi nhà chật hẹp của anh trai nên không thể nuôi con.

Bé trai bị bố xích cổ bằng khóa trốn khỏi nhà

Vùng chạy khỏi nhà sau hai ngày bị bố xích bằng sợi dây sắt ở cổ, S đi bộ suốt 20 km cho đến khi gặp người tốt giúp đỡ.

Chiều 14/8, ông Phạm Văn Hải (Trưởng công an xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và một số người dân bắt gặp bé trai mặt lấm lem, quần áo xộc xệch, cổ đeo sợi dây xích bằng sắt có khoá to đi trên đường, bộ dạng hoảng sợ.

 Bé trai bị bố xích cổ lại.

Công an xã Nghi Phương đã cắt xích giải thoát cháu bé. Khi được gặng hỏi, cháu bé nói chỉ nhớ tên là S (12 tuổi, ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc), có bố tên là Đ. Hai ngày trước cháu bị bố xích tại nhà, sáng 14/8 phá được xích cháu chạy đi lang thang.

Công an xã Nghi Phương đã liên hệ với xã Nghi Văn (cách chừng 20 km) để tìm bố cháu bé. Qua điện thoại, một người đàn ông nhận là bố S nói đây là con mình. Do con quá ngỗ nghịch, ông đã xích cổ.

Để đảm bảo an toàn cho cháu bé, đêm 14/8 công an xã Nghi Phương giữ cháu lại chăm sóc, chờ xin ý kiến của Công an huyện.

Theo ông Hải, khi được ăn uống, tắm rửa và mua quần áo mới, tinh thần S đã tốt lên.

Bé gái 9 tuổi phải ngủ chuồng gà vì bị mẹ đánh đuổi

Gần đây nhất là vụ bé gái 9 tuổi phải ra chuồng gà ngủ qua đêm với 8 con gà và 3 con chó vì mẹ đánh, đuổi không cho vào nhà.

Sáng ngày 17/8, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết: “Chính quyền xã đã đón bé Nguyễn Thị Như H. (9 tuổi, ngụ ấp Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ) đi khám, xem xét tình trạng thương tích của cháu”.

Chuồng gà nơi bé gái 9 tuổi phải ngủ qua đêm vì mẹ đánh, đuổi không cho vào nhà.

Bà Nguyễn Thị L (60 tuổi, ngụ ấp Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) kể: “Sáng tôi thức sớm (sáng ngày 17/8), thì thấy con H. bước ra từ chuồng gà, dính đầy bùn và phân gà. Hỏi thì cháu H cho biết mẹ (bà Nguyễn Thị T.) đánh và không cho ngủ trong nhà nên con H. ra chuồng gà ngủ”.

Bà L nói thêm, cháu H. bị mẹ đuổi ra khỏi nhà phải ngủ chung với 8 con gà và 3 con chó.

Bước đầu, làm việc với công an xã Hồ Thị Kỷ, bà T. (mẹ cháu H.) thừa nhận tối 15/8 có "đánh con một vài cây".

Cháu H. cho biết: “Tối ngày 15/8 khi con đi chơi về thì bị mẹ đánh, đánh vào mặt, đánh vào lưng, đánh vào đầu, vào mắt…và đuổi không cho vào nhà ngủ. Khuya con buồn ngủ quá nên vào chuồng gà ngủ”.

Bà T. và chồng có 2 con, cháu H. là con lớn. Ngoài ra, bà T. còn có một đứa con riêng.

Một người hàng xóm cho biết, bà này thường xuyên đánh chồng con. Có lần bà T. còn đốt nhang cháy đỏ gí vào đầu chồng, và từng dùng dao đâm chồng phải đi nằm viện. 

Điều đặc biệt, khi đánh con nếu ai vào can là bà T, chửi mắng, thậm chí cầm dao dọa, nên không ai dám can ngăn.

Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, đã có nhiều quy phạm pháp luật được quy định nhằm bảo vệ quyền trẻ em như những quy phạm pháp luật trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.

Mặc dù vậy, tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn đang diễn ra hàng ngày. Không chỉ trong xã hội mà ngay chính gia đình của các em, quyền của các em cũng bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Những vụ việc này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình và cho cả xã hội. Làm thế nào để trẻ em được sống và được phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần là câu hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. 

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]Pl7DzjNrrq[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rung-dong-nhung-truong-hop-day-con-kieu-bao-luc-a106645.html