Sở LĐ,TB&XH tỉnh Gia Lai nợ đọng tiền tỷ kéo dài nhiều năm


Thứ 7, 14/09/2019 | 08:45


Cùng sự kiện

Số nợ hàng tỷ đồng của Sở LĐ,TB&XH tỉnh Gia Lai bao gồm rất nhiều khoản như mua xe công, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đền ơn đáp nghĩa; nợ doanh nghiệp...

Số nợ hàng tỷ đồng của Sở LĐ,TB&XH tỉnh Gia Lai bao gồm rất nhiều khoản như mua xe công, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đền ơn đáp nghĩa; nợ doanh nghiệp...

Trụ sở Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Gia Lai. Ảnh: VOV

TTXVN đưa tin, UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn số 3034/VP-KGVX yêu cầu Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, giải trình tình hình tồn đọng nợ hàng tỷ đồng của cơ quan kéo dài nhiều năm; đồng thời đưa ra phương án giải quyết, khắc phục tình trạng trên.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã nợ gần 3 tỷ đồng mà không chứng minh được nội dung chi. Cụ thể, Sở nợ Quỹ đền ơn đáp nghĩa 750 triệu đồng (15 sổ tiết kiệm đền ơn đáp nghĩa, mỗi sổ 50 triệu đồng). Số tiền này thể hiện trên sổ sách đảm bảo được cân đối nhưng thực tế đã chi hết, không có trong quỹ tiền mặt. Sở nợ Công ty cổ phần kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai 450 triệu đồng xây dựng các hạng mục tại 3 nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Đắk Đoa, thị xã An Khê và nghĩa trang tỉnh Gia Lai. Thực tế, đã làm thủ tục thanh toán nhưng không chuyển tiền. Sở cũng nợ Quỹ Bảo trợ trẻ em 310 triệu đồng.

Bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Gia Lai nói về số nợ của đơn vị này. Ảnh: Thanh niên

“Tiền nợ xe là số tiền lớn. Tới đây, với tư cách là Giám đốc sở, tôi sẽ chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính ra Bộ LĐ-TB-XH xin văn bản cho mua xe và đề nghị UBND tỉnh linh động cho quyết toán”, bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Gia Lai, nói với Thanh niên.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho rằng, một số khoản nợ do vướng mắc thủ tục chuyển giao giữa Giám đốc cũ và Giám đốc mới của Sở (năm 2011). Riêng việc nợ tiền mua xe công thì vướng mắc thủ tục từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên chưa quyết toán được.

Theo bà Trần Thị Hoài Thanh, nguyên nhân cơ quan nợ “đầm đìa” là do cơ chế, thủ tục, thiếu cán bộ (Phòng Kế hoạch - Tài chính) cũng như trình độ chuyên môn của một số cán bộ (kế toán) chưa sâu, còn “non trẻ”.

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-ldtbxh-tinh-gia-lai-no-dong-tien-ty-keo-dai-nhieu-nam-a292817.html