Tạm dừng hoạt động một doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Kon Tum


Thứ 3, 05/11/2019 | 12:13


Cùng sự kiện

Cán bộ Thuận An DMC không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thân nhân gia đình người đi xuất khẩu lao động để xảy ra dư luận xấu trong xã hội.

Cán bộ tư vấn của công ty Thuận An DMC không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thân nhân gia đình người đi xuất khẩu lao động để xảy ra dư luận xấu trong xã hội.

Công văn tạm dừng hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty Cổ phần Thuận An trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngày 5/11, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum đã có công văn tạm dừng hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với Công ty cổ phần Thuận An (Thuận An DMC), kể từ ngày 10/11/2019, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Lãnh đạo các xã tại huyện Tu Mơ Rông cho biết, cán bộ tư vấn của Thuận An DMC không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thân nhân gia đình người đi xuất khẩu lao động để xảy ra dư luận xấu trong xã hội, có hành vi gây mất trật tự như ở xã Đắk Rơ Ông.

Bên cạnh đó, công ty trên còn đưa người lao động ra khỏi địa phương rồi mới đề nghị UBND xã xác nhận vào hồ sơ của người lao động (ở xã Ngọc Yêu), thái độ không hợp tác khi làm việc.

Như VTC News đưa tin trước đó, ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện Tu Mơ Rông có 42 người đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út, 8 người đi thông qua Công ty Thuận An DMC.

Hiện có 3 gia đình trong số này trình báo về việc không liên lạc được với người thân. Sở LĐ-TB&XH Kon Tum đang đề nghị kiểm tra xem những người lao động mất liên lạc có bên Ả-rập Xê út hay không.

Theo báo Tiền Phong, một trong số 3 trường hợp là chị Y Hồng, người dân tộc Xê Đăng, ngụ tại làng Kon Hia, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út vào tháng 8/2019, thông qua Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC. Sau đó, chị được Công ty này đưa ra Hà Nội để học ngoại ngữ và xuất cảnh đi làm việc có thời hạn 2 năm ở nước ngoài.

Từ ngày chị Y Hồng rời khỏi địa phương đến nay, gia đình không liên lạc được lần nào với chị. Lo lắng, chồng chị và bà Luận (mẹ chị Y Hồng) đã nhiều lần lên UBND xã Đăk Rơ Ông trình báo. Bà Luận đã tìm lại các loại giấy tờ trong hồ sơ lưu trữ của lao động này nhưng không có bất kỳ số điện thoại cá nhân nào để liên lạc khi cần.

Sau đó, chồng chị Y Hồng  bất ngờ qua đời mà chưa rõ nguyên nhân, con trai đầu của chị đang học lớp 9 phải bỏ học đi làm thuê nuôi các em. Mẹ chị Y Hồng đã phải đưa các cháu mồ côi về nhà chăm sóc. 

Bà Luận đã đề nghị UBND xã kiến nghị Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC cần phải sớm có thông tin, kết nối liên lạc với Y Hồng nhằm nắm bắt tình hình của lao động như thế nào ở nước ngoài, báo cho Y Hồng biết cuộc sống của các con đang gặp khó khăn vì chồng chị đã không may qua đời tại quê nhà.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-dung-hoat-dong-mot-doanh-nghiep-xuat-khau-lao-dong-tai-kon-tum-a299699.html