Công bố hiện trạng MT biển: Tâm tình của ngư dân và những câu hỏi còn bỏ ngỏ


Thứ 7, 27/08/2016 | 02:18


(ĐSPL) - Sáng 22/8, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã chính thức được công bố.

(ĐSPL) - Sáng 22/8, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã chính thức được công bố. Việc này giúp người dân yên tâm hơn về chất lượng nguồn nước biển, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở và nhiều câu hỏi chưa được trả lời một cách thấu đáo.

Nguồn nước cơ bản đã an toàn

Tham gia hội nghị có lãnh đạo bộ TN&MT, viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học trong, ngoài nước và đại diện các địa phương chịu thiệt hại trong vụ Formosa xả thải. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: “Bên cạnh việc đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, bộ TN&MT và các địa phương sẽ triển khai đồng bộ công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải từ công ty Formosa Hà Tĩnh để có biện pháp khắc phục”.

Hội nghị công bố đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

Tại buổi hội thảo, GS.TS Mai Trọng Nhuận – đại học Quốc gia Hà Nội đã thay mặt nhóm tác giả nghiên cứu trình bày báo cáo kết quả hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. GS. Mai Trọng Nhuận cho biết, kết quả phân tích môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, cũng như nghiên cứu các mẫu lấy từ 19 bãi biển trong khu vực cho thông số kết quả quan trắc đều nằm trong quy định tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Tuy nhiên, một số khu vực cách bờ 1,5km có dòng xoáy cục bộ thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160km2), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Như vậy, 16 bãi biển còn lại đã đảm bảo an toàn.

So sánh mức độ giữa các địa phương, kết quả cho thấy, môi trường biển Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có lượng phenol, xyanua thấp hơn Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn cho phép, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. GS. Nhuận cho biết, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.

Một trong những điều được người dân quan tâm trong suốt thời gian vừa qua, đó là sự phục hồi của hệ sinh thái đáy biển, cũng được trả lời trong hội nghị này. “Bên cạnh đó, hệ sinh thái san hô, cỏ biển và nguồn lợi hủy sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã có sự phục hồi tích cực”, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết.

Trước đó, vào đầu tháng 4, hiện tượng cá chết bắt đầu xảy ra ở Hà Tĩnh rồi nhanh chóng lan xuống khu vực biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Trước hiện tượng bất thường này, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc, điều tra nguyên nhân. Đến ngày 30/6, Chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung là do Formosa xả thải.

Theo kết luận của Chính phủ, dựa trên cơ sở kết luận của các nhà khoa học, cơ quan chức năng, chất độc khiến cá chết hàng loạt được xác định là phenol và xyanua, hidroxit sắt vượt quá mức cho phép. Chất độc này do Formosa Hà Tĩnh xả thải. Và, để tìm nguyên nhân sự cố nghiêm trọng này, đã có 7 bộ, ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước vào cuộc tìm hiểu.

Những trăn trở có lý do

Như vậy, sau gần 2 tháng mới kết luận được nguyên nhân làm cá chết, sau hơn 4 tháng mới có thông tin về việc biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn hay chưa. Và, một điều không thể phủ nhận được, trong suốt thời gian vừa qua, hiện tượng cá chết đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với người dân miền Trung. Theo số liệu thống kê, đã có 115 tấn cá chết dạt bờ (Quảng Bình là 100 tấn), còn lại số lượng cá chết và chìm ở tầng đáy thì không thể đo đếm được.

Có thể nói, Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng. Tâm lý người dân lo sợ nguồn nước biển vẫn còn bị ô nhiễm, không dám ăn cá biển hoặc tắm biển... đã khiến đời sống của ngư dân Quảng Bình đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cho tới hôm nay, khi nghe tin các cơ quan chức năng công bố nguồn nước biển đã cơ bản an toàn, hệ sinh thái biển bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhiều ngư dân đã không giấu nổi niềm vui, sự phấn khởi.

“Đã 4 tháng rồi chúng tôi gần như mất ăn mất ngủ vì nguồn nước biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt. Mọi người không dám ăn cá như trước. Tất cả các hoạt động đánh bắt của chúng tôi bị ngưng trệ. Nay, nguồn nước được công bố an toàn, hệ sinh thái biển đã dần phục hồi, chúng tôi vui mừng lắm. Hy vọng rồi đây các hoạt động đánh bắt sẽ bắt nhịp lại như xưa”, ngư dân Nguyễn Văn Hùng, trú xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết.

Ngư dân xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ra khơi.

Cùng chung tâm trạng, ngư dân Hoàng Hải, trú huyện Gio Linh (Quảng Trị) chia sẻ: “Hôm nay là một ngày khó quên đối với ngư dân chúng tôi trong suốt 4 tháng vừa qua. Chúng tôi tin tưởng và cảm ơn cơ quan chức năng đã nhanh chóng đưa ra kết luận về chất lượng nguồn nước biển. Có kết luận chính xác rồi, người dân chúng tôi sẽ an tâm hơn khi sử dụng thủy hải sản cũng như tắm biển”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều câu hỏi khiến họ lo lắng, trăn trở. Chỉ nghe nói nước biển đã đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh, vậy còn chất lượng hải sản thế nào, liệu đã an toàn với người sử dụng chưa?

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên. Như vậy, cá biển người dân đánh bắt trong khu vực này đã ăn được chưa, liệu có an toàn? Ông Ngân cho rằng cần có câu trả lời rõ ràng hơn để nhân dân an tâm bám biển, yên tâm ăn cá.

Theo nhiều người dân địa phương, cơ quan chức năng cần đưa ra kết luận cụ thể hơn, nếu biển đã cơ bản an toàn thì đã ăn được cá chưa, nhất là trong lưu vực 3 vùng biển nói trên. “Theo kết quả, vùng biển phía đông bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình) độc tố vẫn còn trong các trầm tích, điều này khiến chúng tôi vẫn còn lo lắng. Hy vọng rồi đây, cơ quan chức năng sẽ tích cực hơn nữa trong việc theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước ở đây. Và, khi nào đạt ngưỡng cho phép sẽ công bố rộng rãi kết quả để ngư dân chúng tôi yên tâm đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển này”, ngư dân Trần Xuân Chung, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) tỏ ra băn khoăn.

NGÔ HUYỀN

[mecloud]fFK4icei6p[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-bo-hien-trang-mt-bien-tam-tinh-cua-ngu-dan-va-nhung-cau-hoi-con-bo-ngo-a145420.html