Thiệt hại của trận “siêu giông” một phần có lỗi của công tác cảnh báo?


Thứ 3, 16/06/2015 | 12:43


(ĐSPL) - Một số ý kiến cho rằng, để xảy ra thiệt hại trong trận “siêu giông”, một phần có trách nhiệm của công tác cảnh báo.

(ĐSPL) - Một số ý kiến cho rằng, để xảy ra thiệt hại trong trận “siêu giông”, một phần có trách nhiệm của công tác cảnh báo.

[mecloud]kbiASDBU7v[/mecloud]

Bởi lẽ, công tác cảnh báo quá chậm trễ khiến người dân không lường trước được nguy hiểm. Ông Hải khẳng định, với những cơn mưa giông như vừa xảy ra ở Hà Nội, không thể cảnh báo sớm hơn được vì đây là hiện tượng nhỏ hẹp, xảy ra rất nhanh.

Mưa giông ở Hà Nội là “siêu giông” bắt nguồn từ Hòa Bình

Cơn mưa giông vào chiều 13/6 khiến 2 người chết, nhiều người bị thương, hàng chục ô tô và xe máy bị cây đổ đè bẹp, hư hỏng kèm theo đó là các cơ sở hạ tầng, cây cối, nhà dân bị tốc mái, gãy đổ…

Một chiếc xe bị cây xanh trên đường Hoàng Đạo Thúy đè bẹp.

Cơn giông cũng khiến điện ở nhiều khu vực bị mất. Theo Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội, cơn "cuồng phong" vào hồi 17h15 ngày 13/06/2015 đã gây sự cố làm gián đoạn việc cung cấp điện cho các phụ tải khu vực quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông... Ngay sau khi ngớt mưa, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội đã yêu cầu các công ty điện lực khẩn trương huy động mọi nguồn lực tập trung khắc phục sự cố để có thể cấp điện trở lại, phục vụ các khách hàng thuộc khu vực trên.

Thời tiết bất thường khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Để lý giải về nguyên nhân gây ra cơn giông lốc bất thường này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.

Qua trao đổi ông Hải cho biết: Vào dịp tháng 5, tháng 6, cứ vào các buổi chiều thường xuất hiện mưa giông đó là điều không lạ. Tuy nhiên, cơn mưa giông vào chiều qua (13/6) có thể coi là một cơn “siêu giông”. “Có thể nói đây là một cơn siêu giông, được hình thành từ ổ giông nhỏ từ Hòa Bình. Ổ giông này di chuyển từ Hòa Bình tới các quận phía Tây Nam Hà Nội. Khi đi vào nội thành thì cơn giông đạt đến đỉnh điểm" - ông Hải thông tin.

Theo Phó Tổng Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, các chuyên gia nghiên cứu thời tiết cho biết giông ở thành phố thường mạnh hơn ở nông thôn. Lý do là vì ở thành phố có nhiều công trình cao tầng (đệm bê tông), tạo đối lưu mạnh hơn... Kèm theo cơn giông thường có các hiện tượng gió giật mạnh, lốc xoáy hút, mưa đá...

Cũng theo ông Hải, chiều 13/6, tại trạm Khí tượng Láng đo được sức gió mạnh tới cấp 8. Trong khi đó, tại trạm Hà Đông đo được sức gió mạnh lên tới cấp 9. Đây là mức gió mạnh như bão, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi cơn giông kèm theo gió mạnh thì lượng mưa trung bình chiều 13/6 chỉ ở mức 20 – 30mm.

Ông cũng cho hay, đây không phải là cơn giông mạnh đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Cách đây khoảng 10 năm, một cơn mưa giông mạnh khác cũng khiến một cây đổ đè chết một cháu bé ở phố Hàng Khay. “Cơn giông vào chiều 13/6 là một trong những cơn giông mạnh nhất từ trước tới nay” - ông Hải nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho rằng, để xảy ra thiệt hại trên, một phần có trách nhiệm của công tác cảnh báo. Bởi lẽ, công tác cảnh báo quá chậm trễ khiến người dân không lường trước được nguy hiểm. Ông Hải khẳng định, với những cơn mưa giông như vừa xảy ra ở Hà Nội, không thể cảnh báo sớm hơn được vì đây là hiện tượng nhỏ hẹp, xảy ra rất nhanh.

Người dân sẽ được bồi thường?

Để làm rõ trách nhiệm của các bên trước những thiệt hại về tính mạng và tài sản do giông lốc gây ra, PV đã liên hệ phỏng vấn luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM).

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc trong một phiên tòa.

Theo luật sư, liệu người dân có được bồi thường thiệt hại về tài sản cụ thể nhất là ô tô, xe máy. Nếu có thì cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường? Trong trường hợp này, đơn vị quản lý cây xanh có phải chịu trách nhiệm gì không?

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2005: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây đổ gãy gây ra, trừ trường hợp hoàn toàn xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội) - phải chịu trách nhiệm thì còn rất nhiều vấn đề cần chứng minh như: Đó có phải là trường hợp bất khả kháng không? Công ty này có dự báo (có khả năng dự báo hoặc khẳng định) cây sẽ đổ nếu bị gió to hay không?

Việc xác định lỗi để yêu cầu bồi thường là rất khó khăn. Song, tôi cho rằng cơ quan chủ quản của cây xanh cụ thể là công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội phải có trách nhiệm bồi thường.
Bởi theo quy định Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị quy định như sau: "Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây".

Như vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra "tình trạng thực tế" của cây. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu nguy hiểm phải cắt tỉa, chặt hạ thì phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Vậy, thưa luật sư những người phải nhập viện do cây đổ vào người, biển quảng cáo bay trúng đầu trong cơn giông có được bồi thường không?

Việc cây đổ vào người thì như đã trình bày bên trên, việc xác định lỗi để yêu cầu bồi thường là khá khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ quan chủ quản của cây xanh cụ thể phải có trách nhiệm bồi thường.

Đối với trường hợp biển quảng cáo, thì chủ biển quảng cáo hoặc người cho thuê quảng cáo có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các biển quảng cáo, công trình quảng cáo theo đúng quy định của luật Quảng cáo. Nếu biển quảng cáo rơi đè bẹp xe/người thì các chủ thể này có nghĩa vụ bồi thường.

Các trường hợp này nếu sau khi kiến nghị mà các chủ thể quản lý không bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện để giải quyết tại tòa án.

Những trường hợp chết người do cây đổ trong cơn giông có thể khởi tố hình sự không thưa luật sư? Chủ thể ở đây là ai? Hay chỉ có thể coi đây là sự kiện bất khả kháng.

Các trường hợp này thường khó có thể khởi tố hình sự. Chỉ có thể khởi tố khi có cơ sở để khẳng định rằng, cây hoặc công trình xây dựng đã được cảnh báo hoặc thông báo là có thể gây ra nguy hiểm mà cơ quan hoặc người có trách nhiệm không thực hiện.

Hoặc chỉ khởi tố khi có cơ sở khẳng định rằng các cây trồng hoặc công trình đã được thực hiện không đúng thiết kế (quy cách) gây ra nguy hiểm.

Xin chân thành cảm ơn luật sư!

Xử lý khi gặp giông lốc

Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Viện trưởng viện Vật lý địa cầu cho biết, ông quan sát một số video quay lại cảnh giông lốc tối ngày 13/6 thấy khi giông lốc đến nhiều người dân vẫn cố lưu thông trên đường. Và hậu quả là nhiều xe máy đã bị thổi bay, người dân bị ngã ra đường. Ông Xuân Anh cho rằng, trong trường hợp này người phải ngừng di chuyển ngay lập tức, thậm chí có thể bỏ xe máy bên đường chạy vào nơi an toàn để đảm bảo tính mạng.

Phó Viện trưởng viện Vật lý địa cầu cho hay, khi giông lốc đến bao giờ cũng có hiện tượng sét, do đó, người dân tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại.

Đối với những người đang lưu thông trên đường, cần chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn. Khi trời đang mưa, người dân cần làm chủ tốc độ, tránh đi quá gần xe buýt hay xe có tải trọng lớn, vì bụi nước bắn ra từ các bánh sau của các phương tiện này có thể làm giảm tầm nhìn.

NHÓM PV

Xem thêm video:

[mecloud]KwBBgByERu[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thiet-hai-cua-tran-sieu-giong-mot-phan-co-loi-cua-cong-tac-canh-bao-a98646.html