Thực hư việc chi gần 300 tỉ đồng xây Văn miếu thờ Khổng Tử


Thứ 5, 11/06/2015 | 07:28


(ĐSPL) - Mấy ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao về việc tỉnh Vĩnh Phúc chi gần 300 tỉ đồng để xây dựng Văn miếu thờ Khổng Tử.

(ĐSPL) - Mấy ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao về việc tỉnh Vĩnh Phúc chi gần 300 tỉ đồng để xây dựng Văn miếu thờ Khổng Tử.

Đây là con số gây ngạc nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, như vậy là lãng phí thậm chí không ít người bình luận đây là hành động khó hiểu trong bối cảnh hiện nay.

Giật mình vì tiền khủng

Sau khi một số bài báo đăng tải thông tin tỉnh Vĩnh Phúc chi hàng trăm tỉ đồng để xây Văn miếu để thờ Khổng Tử đã khiến dư luận được phen bình luận “điên đảo”. Không ít người ngạc nhiên, trong khi trường học, bệnh viện thiếu tiền, thiếu đất thì tỉnh này quyết định đầu tư một khoản tiền lớn như vậy mang mục đích gì?

Công trình Văn miếu gây tranh cãi của tỉnh Vĩnh Phúc.

Được biết, công trình trăm tỉ này được khởi công xây dựng vào ngày 16/6/2012 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Văn miếu có diện tích 4,2ha, bao gồm các hạng mục chính: Tứ trụ, Cầu đá, Nghi môn, Nhà che bia tổng, Hồ Thiền Quang, nhà bia hai bên Tả - Hữu, Đại thành môn, Gác chuông, Gác trống, Nhà tả vu - hữu vu, Sân hành lễ, Đền thờ chính, Đại bái, Hậu cung, Nhà làm việc Ban quản lý, hệ thống hạ tầng và sân vườn...

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Mạnh Đinh, PGĐ sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận, công trình Văn miếu mà tỉnh xây dựng được báo chí phản ánh là có thật. Số vốn đầu tư lên tới 270 tỉ  đồng.

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, Vĩnh Phúc có 98 vị khoa bảng hàng Đại khoa (danh hiệu từ Phó bảng đến Trạng Nguyên), đóng góp tích cực trong quá trình chấn hưng văn hoá dân tộc làm rạng danh truyền thống quê hương.

Với những tên tuổi tiêu biểu Phạm Công Bình, người huyện Yên Lạc đỗ đệ nhất giáp khoa thi Giáp Thìn năm 1124 (Triều Lý) làm quan đến chức Thái uý; Triều Trần có Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên khoa thi Giáp Dần năm 1374, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển; Thời Lê sơ có Triệu Thái, người xã Hoàng Trung, huyện Lập Thạch đỗ đầu khoa Minh Kinh năm 1429, làm quan đến chức Thị ngự sử, ông tham gia biên soạn bộ Quốc triều Hình luật dưới triều vua Lê Thánh Tông (1467-1490)...

Trao đổi với GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo đại học Quốc gia Hà Nội, được ông cho biết, sau khi thông tin đại chúng đăng tải ông cũng có trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và sở Văn hoá của tỉnh này. Theo đó, đất Vĩnh Yên xưa kia thuộc phủ Tam Đới và trước đây có một văn miếu.  Xưa nay cũng là đất văn vật có truyền thống đại khoa.

Văn miếu xưa của Vĩnh Yên giống như nhiều nơi và tất nhiên nó gắn liền với Khổng học và có bài vị ông Khổng Tử. Do đó, xây dựng lại Văn miếu là để khơi dậy truyền thống hiếu học của vùng đất trên chứ không phải lập cái miếu để thờ Khổng Tử như dư luận hiện nay đang bàn thảo. Đề án trên, trước đây Vĩnh Phúc đã lập ra hội đồng khoa học và có đại diện của cục Di sản.

GS. TSKH Vũ Minh Giang  cho rằng, việc xây dựng Văn miếu để khích lệ truyền thống học tập là không sai. Tuy nhiên, xây dựng như thế nào và với quy mô ra sao để phù hợp với tình hình hiện nay thì phải cân nhắc. Hiện chúng ta đang khó khăn, giáo dục đang cần nhiều thứ khác và nhân dân cũng cần nhiều thứ khác nữa. Việc dành tới gần 300 tỉ đồng để xây dựng trên quy mô lớn phải cân nhắc. Dư luận phản đối về việc Vĩnh Phúc đầu tư một lượng tiền quá lớn vào công trình này là rất chính đáng.

Lãng phí không cần thiết!

Đồng quan điểm với GS. TSKH Vũ Minh Giang, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hoá và Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) thì, việc thờ Khổng Tử - ông tổ của nho học không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước cũng có miếu thờ như Nhật Bản, Hàn Quốc... Chính vì vậy, nếu như Vĩnh Phúc có điều kiện về kinh tế thì cũng có thể xây dựng văn miếu. Nhưng nền kinh tế của chúng ta hiện giờ còn đang rất khó khăn, Vĩnh Phúc có điều kiện sao không đầu tư xây dựng các trường học hay trang bị các thiết bị cho nhà trường. Tốt nhất là mang tinh thần hiếu học của Khổng Tử đến thế hệ tương lai của Vĩnh Phúc.

ĐBQH Thích Bảo Nghiêm.

Liên quan đến công trình này, trao đổi với PV báo ĐS&PL bên hành lang Quốc hội, ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) chia sẻ, về vấn đề kinh phí để thực hiện dự án này, nếu thực sự dùng số tiền gần 300 tỉ đồng để xây Văn miếu trong thời điểm này là không hợp lý.

GS.TSKH Vũ Minh Giang.

Dẫu biết rằng, xây dựng Văn miếu là vấn đề liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, nơi thờ phụng, vinh danh những vị khoa bảng trong vùng. Từ xa xưa, người Việt đã dựng Văn miếu để nêu cao tinh thần giáo dục, nền văn học và hướng đến việc xây dựng thế hệ tương lai. Các thế hệ sau cứ nối tiếp nhau nhìn vào những tấm bia ghi danh những người đỗ đạt mà cùng nhau chăm chỉ học hành để cống hiến cho quốc gia. Trong Văn miếu Quốc Tử Giám có tấm bia ghi rất rõ “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” để khích lệ, động viên truyền thống hiếu học.

Ta có thể xây dựng Văn miếu đẹp đẽ, trang nghiêm, thậm chí là hoành tráng để con cháu sau này nhìn vào đó mà tự hào, nhìn vào đó để được tiếp thêm ý chí học tập. Vấn đề nằm ở chỗ, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để xây dựng một công trình tốn kém đến vậy. Bởi trong giai đoạn này, đất nước còn khó khăn, tình trạng thất nghiệp còn nhiều, không ít doanh nghiệp vì thiếu vốn mà dẫn đến phá sản, các bệnh viện thì quá tải, thiếu trang thiết bị... Chúng ta không thể lấy ngân sách ra để làm một công việc quá sức được, trong khi việc xây dựng Văn miếu không phải là việc quá cần kíp trong lúc này.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng cho biết, hiện nay Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích lịch sử miếu mạo, đền thờ, trong đó có hàng chục di tích được xếp hạng quốc gia. Người dân Vĩnh Phúc cũng phản ánh rằng ở nhiều nơi các di tích đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Vậy tại sao chúng ta không trích một khoản tiền ra để đi trùng tu những di tích lịch sử đang xuống cấp trước đã. Đó mới là việc nên làm trong thời điểm hiện tại.                         

Kể cả dùng vốn xã hội hóa cũng không nên

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV- ĐHQGHN) thì việc chi vài trăm tỉ đồng để xây văn miếu là không hợp lý và quá lãng phí. Dù khu văn miếu đã gần hoàn thành và họ có thờ ai đi chăng nữa cũng không hợp lý.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng: "Một địa phương mà trích ngân sách vài trăm tỉ đồng để xây Văn miếu trong điều kiện chung đất nước còn khó khăn là quá lãng phí. Dù có huy động vốn xã hội hóa cũng không nên xây dựng Văn miếu một cách bày vẽ hoành tráng. Ta có thể xây rất đẹp, trang nghiêm, nhưng không nên dùng số tiền lớn như vậy".

Văn Chương - Mai Hằng - Trinh Phúc

Xem thêm video:

[mecloud]wms1FuD8pu[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-viec-chi-gan-300-ti-dong-xay-van-mieu-tho-khong-tu-a97931.html